Xử lý các vụ án liên quan đến xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em rất khó

Ngày 3/5, sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM tổ chức hội thảo 'Tham vấn hoàn thiện quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp và xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM'. Đại diện Công an TP.HCM khẳng định, việc xử lý vụ án liên quan đến việc xâm hại, xâm hại tình dục trẻ em rất khó.

Cần bảo vệ quyền lợi cho cả nạn nhân và thủ phạm là trẻ em

Trao đổi tại cuộc hội thảo, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, tính đến nay, hội thảo này đã diễn ra 3 lần. Hội thảo thu hút nhiều ý kiến đóp góp tích cực của các đại biểu đại diện cho các cơ quan ban ngành tại TP.HCM.

Theo đó, nội dung trong quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục bao gồm các bước: Tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin. Đánh giá ban đầu mức độ tổn hại của trẻ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ trong trường hợp đặc biệt. Xác định nhu cầu hỗ trợ, can thiệp của trẻ em. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ, can thiệp. Rà soát, đánh giá sau khi thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp.

Các bước này được xây dựng thành một quy trình chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc sở LĐTB&XH TP.HCM phát biểu (Ảnh: Lành Nguyễn).

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc sở LĐTB&XH TP.HCM phát biểu (Ảnh: Lành Nguyễn).

Bà Phan Thị Minh, nguyên Trưởng phòng Chăm sóc và bảo vệ trẻ em TP.HCM chia sẻ: “Trẻ bị xâm hại cần có cha mẹ, người giám hộ đứng ra bảo vệ, cơ quan chức năng liên quan cần hỗ trợ về mặt tâm lý. Nếu vụ việc khi đã bị xâm hại ở mức vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chỉ có cơ quan công an can thiệp. Chúng ta không chỉ bảo vệ cho trẻ em là người bị hại, mà chúng ta phải bảo vệ cho trẻ em là người phạm tội trong trường hợp cả hai trong độ tuổi vị thành niên”.

Theo bà Minh, vai trò của cơ quan chức năng liên quan là bảo vệ trẻ em. Vậy, khi trẻ em vi phạm cần xử lý như thế nào, trách nhiệm của chúng ta là tư vấn, hỗ trợ làm sao để trẻ vi phạm được giảm án, giảm hình phạt?

"Cả hai vế, thủ phạm là trẻ em, bị hại là trẻ em. Chúng ta cần can thiệp hỗ trợ kịp thời giúp các em tránh tổn thương ở mức nhiều nhất… Bên cạnh đó, vai trò luật sư tham gia hỗ trợ cho các em cũng rất quan trọng, giúp bảo vệ quyền lợi cho các em", bà Minh nói. Cũng theo vị này, vấn đề là làm sao phòng ngừa đừng để xảy ra hoặc giảm thiểu việc xâm hại trẻ em, bạo lực bị xâm hại tình dục

Trong khi đó, đại diện phòng LĐTB&XH quận 4 (TP.HCM) cho biết, tại quận 4 từng có nhiều vụ xâm hại trẻ em. Điển hình năm ngoái, có vụ nữ sinh 15 tuổi đưa cha đi chạy thận rồi bị xâm hại tình dục tại bệnh viện quận 4. Vụ việc được dư luận cực kỳ quan tâm. Tuy nhiên, sau đó, nạn nhân phải bỏ học, chuyển trường, chuyển nhà về quê sống do áp lực tâm lý…

Tuy nhiên, những nỗi đau đó khiến nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Từ đó, cho thấy, việc can thiệp, tiếp cận các nạn nhân là trẻ em ở nơi khác đến sinh sống tại TP.HCM rồi bị xâm hại tình dục là rất khó khăn. Cần có một sự kết hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường, xã hội để có biện pháp bảo vệ trẻ em tốt hơn.

Luật sư Trần Ngọc Nữ, người từng bảo vệ nhiều vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em tại TP.HCM (Ảnh: Lành Nguyễn).

Khó điều tra những vụ xâm hại tình dục trẻ em

Ông Nguyễn Văn Dũng, Đội trưởng đội Trọng án, Công an TP.HCM khẳng định: “Đối với những vụ hiếp dâm trẻ em, cơ quan công an phải trải qua nhiều quy trình làm việc. Công an khi khởi tố vụ án cần phải có kết luận giám định từ cơ quan giám định để có chứng cứ khởi tố vụ án và tránh việc khởi tố oan. Thực tế, một vụ án hiếp dâm trẻ em cần có lời khai, chứng cứ rõ ràng. Nhiều năm qua, có nhiều vụ án, nạn nhân khai nhận bị hiếp dâm. Chứng cứ cung cấp đầy đủ, nhưng đối tượng hiếp dâm rất ma mãnh để đối phó với công an. Trong khi đó, nạn nhân cũng rời khỏi địa phương khiến vụ án khó điều tra”.

Ngoài ra, Thượng tá Nguyễn Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng PC45, Công an TP.HCM cũng cho biết, khi tiếp nhận vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, UBND cấp xã, phường cần làm đầu mối để thu thập thông tin liên quan, sau đó cung cấp cho công an. Tránh tình trạng nhiều cơ quan, tổ chức cùng vào cuộc, cùng tiếp xúc với trẻ gây ảnh hưởng tâm lý trẻ, khiến trẻ hoảng loạn, từ chối tiếp xúc.

Cũng theo thượng tá Huyền, để điều tra một vụ xâm hại, xâm hại tình dục trẻ rất khó. Công an cần phải có lời khai, chứng cứ vật chất để xác định những tổn thương của trẻ. Theo quy định trong dự thảo lần này, sau khi trẻ bị xâm hại, xâm hại tình dục phải được đưa đi giám định trong vòng 3 ngày.

Thực tế 12 giờ sau khi xảy ra vụ việc, chứng cứ lưu lại trên cơ thể nạn nhân có thể không còn. Từ đó, nhiều vụ việc xâm hại, xâm hại tình dục ở trẻ được đưa đi giám định rất chậm, ảnh hưởng tới việc điều tra vụ án.

Lành Nguyễn

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/xu-ly-cac-vu-an-lien-quan-den-xam-hai-tinh-duc-tre-em-rat-kho-a368788.html