Xử lý các vấn đề rủi ro, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp hoạt động

Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, việc quản lý rủi ro của ngành Hải quan, phải đặt vấn đề phòng là chính, phát hiện các vấn đề có nguy cơ, từ đó tiến hành phối hợp với các ngành để kịp thời hỗ trợ hợp lý cho người dân và các doanh nghiệp (DN).

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc.

Ngày 24/10, Đoàn kiểm tra Trung ương do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh làm trưởng đoàn tiếp tục có chuyến công tác tại thị xã Hà Tiên và làm việc với Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang về kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Hải quan.

Hạn chế tình trạng một mặt hàng nhưng nhiều đơn vị quản lý

Kiến nghị với đoàn kiểm tra Trung ương, ông Ngô Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần tiếp tục rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm những trường hợp một mặt hàng nhưng nhiều Bộ, ngành tham gia quản lý; chỉ đạo cho các cơ quan liên quan có chính sách điều chỉnh lệ phí kiểm dịch hợp lý đối với hàng hóa của cư dân biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành với hải quan. Bổ sung, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho công tác hải quan cụ thể tại các cửa khẩu Hà Tiên, Giang Thành các phương tiện máy móc như máy soi hành hành lý hàng hóa, cân ô tô…

Phía Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên cũng cho rằng: Trạm liên ngành CKQT Hà Tiên đã triển khai các cơ quan quản lý chuyên ngành như: Trạm kiểm dịch thực vật, động vật, kiểm dịch y tế… Do đó, khi các cá nhân, tổ chức làm thủ tục hải quan một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành sẽ được lấy mẫu để kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận tại cửa khẩu, tạo nhiều thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Tuy nhiên, Chi cục Hải quan CKQT Hà Tiên cũng nêu khó khăn, đối với mặt hàng tôm giống xuất nhập khẩu đang còn gặp khó khăn do thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch kéo dài thời gian trên 10 ngày gây khó khăn cho DN nhập khẩu tôm giống vì phải bảo quản, chờ đợi lâu, gây hao hụt lớn. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành doanh nghiệp phải được cấp kiểm dịch Việt Nam xem xét nhận hồ sơ và tiến hành kiểm dịch. Trong khi đó kiểm dịch phía Campuchia còn gặp khó khăn, chưa nhanh chóng.

Quang cảnh buổi làm việc.

Thông tin về những kết quả đạt được của ngành Hải quan tỉnh Kiên Giang thời gian qua, ông Ngô Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang cho biết: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, được Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và đem lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động kinh doanh của DN nói chung và DN xuất khẩu lao động nói riêng. Điển hình là công tác triển khai cơ chế một cửa quốc gia và đẩy mạnh dứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các thủ tục hải quan đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Các thủ tục hành chính minh bạch, đơn giản giảm phiền hà trong giải quyết công việc cho người dân, tổ chức và DN, giảm thời gian thông quan hàng hóa, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực nâng cao cạnh tranh quốc gia. Công tác phối hợp giữa Hải quan với các cơ quan khác như Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Cục thuế góp phần hỗ trợ hoạt động chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và gian thận thương mại.

Từ đầu năm đến tháng 10/2018 lực lượng hải quan tỉnh đã kiểm tra và xử lý 20 vụ vi phạm, phạt trên 50 triệu đồng, trong đó cao nhất là vi phạm về thủ tục hải quan 14 vụ, vi phạm vận chuyển hàng hóa trái phép 5 vụ và vi phạm lĩnh vực thuế…

Xử lý vấn đề rủi ro, phải đặt phòng là chính

Tại hội nghị đại diện công ty TNHH Huy Nam (chuyên xuất khẩu thủy sản) tỉnh Kiên Giang, đề nghị ngành Hải quan cần xem lại quy định nợ lệ phí, có thể cho DN nợ quỹ, thanh toán sau để tránh tình trạng bị trì trệ trong quá trình kinh doanh và làm các thủ tục xuất nhập khẩu của DN.

Bà Huỳnh Ngọc Phương Yến, Trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản, Cty Cổ phần Kiên Hùng cho biết: Thời gian qua Hải quan tỉnh Kiên Giang có nhiều hỗ trợ và DN trong các hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu, phía Hải quan cũng có văn bản ký kết hợp tác với DN nhịp nhàng. Đề nghị cơ quan Hải quan khi có các văn bản, thông tư mới cần tổ chức các buổi tập huấn để hướng dẫn, thông tin tới DN thực hiện.

Bà Lê Thị Vệ phát biểu tại buổi làm việc.

Dịp này bà Lê Thị Vệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cũng cho biết: “Thời gian qua tỉnh Kiên Giang rất quan tâm đến việc tăng chỉ số năng lực cạnh tranh, đề nghị cơ quan Hải quan phối hợp cùng với tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tích cực tổ chức các hoạt động, tạo quan hệ ngoại giao tốt, tăng cường các ngành kiểm tra, kiểm soát công tác buôn lậu; phải có tinh thần trách nhiệm và thái độ tiếp xúc giữa đơn vị với người dân khu vực biên giới 2 nước Việt Nam và Campuchia.”

Bà Vệ cũng kiến nghị với đoàn về cơ chế chính sách: “Các Bộ, ngành Trung ương, khi ban hành chính sách phải có sự phối kết hợp chặt giữa các Bộ, ngành với nhau tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện các chính sách. Đề nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các phương tiện phục vụ cho công tác, nhiệm vụ hải quan, nhất là ở các cửa khẩu quốc tế”.

Đánh giá về những kết quả hoạt động của ngành Hải quan tại Kiên Giang, ông Hoàng Việt Cường, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành tại Kiên Giang thực hiện tốt, chưa ghi nhận hiện tượng gây phiền hà người dân, sách nhiễu DN.

Ông Hoàng Việt Cường phát biểu.

Ông Cường cũng đề nghị, ngành Hải quan tỉnh Kiên Giang cần phối hợp với Mặt trận, đoàn thể các ngành, tích cực tuyên truyền người dân không tiếp tay với buôn lậu, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác này.

Ông Cường lưu ý, Cục Hải quan tỉnh phải có đánh giá xếp hạng hàng năm các Chi cục; thường xuyên đối thoại với DN, tiến tới ký kết thỏa thuận giữa Hải quan với các DN, tránh các tình trạng vi phạm các quy định của ngành. Luôn luôn coi trọng nhiệm vụ chống việc gây phiền hà sách nhiễu người dân và DN lên hàng đầu.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh gửi lời chúc mừng đơn vị Thị xã Hà Tiên chuẩn bị được công nhận là Thành phố Hà Tiên. Đồng thời Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Hải quan tỉnh Kiên Giang thời gian qua, “ngành đã có những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu của ngành. Những khó khăn tồn tại, cả khách quan lẫn chủ quan được ngành phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ khó khan”.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cùng đoàn đi thực tế tại CKQT Hà Tiên.

Đoàn ghi nhận các kiến nghị của địa phương và sẽ có những báo cáo, đề xuất các giải pháp lên Chính phủ, giúp ngành hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hầu A Lềnh mong muốn: “Ngành Hải quan tỉnh Kiên Giang, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mục tiêu không đơn thuần là tuyên truyền trong nội bộ mà phải hướng tới cộng đồng người dân và DN. Vì vậy cần tận dụng các công cụ hiện có để phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền.

Vấn đề quản lý rủi ro của ngành, phải đặt vấn đề phòng là chính, phát hiện các vấn đề có nguy cơ, từ đó tiến hành phối hợp với các ngành để kịp thời hỗ trợ hợp lý cho người dân và các DN. Việc chống và xử lý phải kiên quyết, hạn chế tối đa tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn”.

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giam-sat-phan-bien/xu-ly-cac-van-de-rui-ro-tao-moi-truong-tot-cho-doanh-nghiep-hoat-dong-tintuc420805