Xử lý các tồn đọng để TP Thủ Đức phát triển

Cùng với việc thành lập TP Thủ Đức, TPHCM cũng thành lập ban chỉ đạo tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn đọng tại các quận 2, 9, Thủ Đức. Vậy đâu là những vấn đề còn tồn đọng tại 3 quận cần được nhận diện và giải quyết?

Những dự án vắt qua hàng thập niên

Tồn đọng tại các quận 2, 9, Thủ Đức là các dự án kéo dài nhiều năm, thậm chí vắt qua hàng thập niên. Đây cũng là vấn đề người dân 3 quận đặc biệt quan tâm. Người dân mong muốn TPHCM, TP Thủ Đức quan tâm giải quyết các công trình trọng điểm kéo dài làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân.

Tại quận 9, quận đang tiếp tục triển khai thực hiện dứt điểm kết luận của Thanh tra Chính phủ, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về dự án Khu Công nghệ cao TPHCM. Cùng với đó, quận 9 còn có các dự án như chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình; dự án tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ; dự án Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội… đang cần được TPHCM tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

Ngoài ra, theo Bí thư Quận ủy quận 9 Lâm Đình Thắng, cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, trạm trung chuyển ép rác kín trên địa bàn quận 9 cũng rất cần được TP Thủ Đức quan tâm xây dựng. Đó là các công trình như đường Lê Văn Việt (giai đoạn 2), đường Bưng Ông Thoàn, đường Nguyễn Duy Trinh, đường Lã Xuân Oai, đường Đỗ Xuân Hợp, cầu Long Đại, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý. “Đây là các công trình rất cần thiết cho người dân, trong đó có những công trình đã kéo dài nhiều năm, như 3 cây cầu Long Đại, Tăng Long, Nam Lý”, đồng chí Lâm Đình Thắng nói.

Tại quận Thủ Đức, việc tồn đọng hiện nay cũng là việc triển khai thực hiện quy hoạch, hoàn thiện các dự án. Quy hoạch ga Bình Triệu đã có hơn 18 năm trước, đến nay vẫn chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể. Vì thế, cả khu vực rộng hơn 47ha của quy hoạch ga Bình Triệu hiện chỉ có một số tuyến đường giao thông chính với chiều rộng hiện hữu chỉ 5m, còn lại chủ yếu là đường nhỏ ngoằn ngoèo khó đi. Các hộ dân trong khu vực quy hoạch cũng không được chuyển mục đích sử dụng đất, chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm, việc sửa chữa, nâng cấp nhà cũng bị hạn chế.

Trong khi đó, dự án xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM được phê duyệt địa điểm xây dựng từ năm 1995. Đến nay, 25 năm đã trôi qua, dự án vẫn chưa hoàn tất và người dân trong khu vực bị ảnh hưởng rất lớn. Cùng với đó là thực hiện quy hoạch khu công viên văn hóa thể dục thể thao - công viên cây xanh - hồ điều tiết.

Theo Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường, các dự án này đang tác động đến hơn 5.000 hộ gia đình trên địa bàn quận. Vì thế, việc hiện thực hóa quy hoạch sẽ giúp cải thiện cuộc sống người dân và thay đổi diện mạo khu vực này.

Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND TPHCM tổ chức đối thoại với người dân 5 khu phố, 3 phường trong KĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: K.PHONG

Thanh tra Chính phủ phối hợp với UBND TPHCM tổ chức đối thoại với người dân 5 khu phố, 3 phường trong KĐTM Thủ Thiêm. Ảnh: K.PHONG

Tại các buổi làm việc với các quận 2, 9, Thủ Đức, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 1111; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn đọng ở các quận, trọng tâm là Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đặc biệt quan tâm vấn đề này. Hai việc làm song song, không chờ đợi, không nặng bên này, nhẹ bên kia. Việc này nhằm đảm bảo có sự tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển, nhưng đồng thời xử lý những tồn tại, để không ách tắc, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển.

Đảm bảo quyền, lợi ích của người dân

Tồn đọng lớn nhất trên địa bàn quận 2 là vướng mắc tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm. Theo Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Phước Hưng, hiện nay, người dân rất quan tâm đến việc thành lập TP Thủ Đức. Bên cạnh ý kiến đồng tình, ủng hộ, không ít ý kiến cho rằng Nhà nước cần quan tâm giải quyết những vấn đề tồn tại, chưa giải quyết xong như KĐTM Thủ Thiêm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân bị giải tỏa.

Bí thư Quận ủy quận 2 Nguyễn Phước Hưng kiến nghị UBND TPHCM có ý kiến chỉ đạo sớm thực hiện đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư 1,8ha để bố trí cho người dân. Đồng thời, đề nghị UBND TPHCM phối hợp với Thanh tra Chính phủ sớm kết luận về ranh quy hoạch liên quan đến 5 khu phố thuộc 3 phường trong KĐTM Thủ Thiêm.

Chia sẻ về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã điều chỉnh chức năng và phê duyệt quy hoạch, đồng thời làm việc với doanh nghiệp hỗ trợ về vật chất, tài chính để triển khai thực hiện hạ tầng khu tái định cư 1,8ha.

Đồng chí thông tin thêm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã đồng tình cho phép TPHCM chủ động sử dụng khoản tiền kết dư còn lại từ khi triển khai thực hiện KĐTM Thủ Thiêm đến nay để giải quyết. Trong đó, TPHCM dự kiến sẽ chi thực hiện các chính sách bổ sung cho người dân Thủ Thiêm (hơn 1.400 tỷ đồng). Như vậy, TPHCM có điều kiện ngân sách để tháo gỡ tồn tại, giải quyết yêu cầu của người dân.

Về ranh quy hoạch liên quan đến 5 khu phố thuộc 3 phường trong KĐTM Thủ Thiêm, theo Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, TPHCM đang chờ kết luận của Thủ tướng Chính phủ về xác định cơ sở pháp lý để xác định ranh rõ ràng.

Liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm, tiếp xúc cử tri tối 25-12-2020, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, cho hay, Thành ủy TPHCM đã thông qua Nghị quyết tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành KĐTM Thủ Thiêm trước năm 2030 với lộ trình và giải pháp cụ thể. Đồng chí khẳng định, TPHCM đang tập trung giải quyết các vấn đề ở KĐTM Thủ Thiêm.

* NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Bí thư Quận ủy Thủ Đức: Kiến nghị triển khai các dự án, tháo gỡ điểm nghẽn phát triển

Thực tiễn phát triển quận Thủ Đức thời gian qua cho thấy, hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn nhất với vị trí là cửa ngõ phía Đông của TPHCM, đặc biệt là các tuyến quốc lộ trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Quận ủy - UBND quận kiến nghị TPHCM sớm chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, góp phần đẩy nhanh sự phát triển của TP Thủ Đức trong thời gian tới.

Đối với việc quy hoạch ga Bình Triệu, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, quận đề xuất UBND TPHCM kiến nghị Bộ GTVT sớm có kế hoạch triển khai dự án. Về dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM, UBND TPHCM cũng đang xem xét cho ý kiến quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quận mong muốn TPHCM tiếp tục chỉ đạo các cơ quan sở, ngành và đơn vị liên quan khẩn trương ban hành chính sách để hoàn tất dự án.

* LÂM ĐÌNH THẮNG, Bí thư Quận ủy quận 9: Thống nhất địa danh khi cấp căn cước công dân gắn chip

Quận 9 kiến nghị UBND TPHCM và các sở ngành sớm có ý kiến, hướng dẫn với các vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án. Đồng thời, rất mong TPHCM có chủ trương giải quyết đối với các dự án đã quy hoạch nhiều năm nhưng chưa triển khai, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Thống kê sơ bộ, quận 9 có 6 dự án treo 12 năm trở lên, trong đó có 2 dự án treo từ 20 năm trở lên, gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân.

Một vấn đề mới phát sinh liên quan đến việc cấp căn cước công dân có gắn chíp kể từ ngày 1-1-2021. Hiện chưa có hướng dẫn là từ mốc thời gian này thì địa danh ghi trên căn cước công dân sẽ là “quận 9” hay là “TP Thủ Đức”. Đề nghị Công an TPHCM hướng dẫn Công an quận 9 trong việc thống nhất địa danh khi triển khai thực hiện.

* Thạc sĩ VÕ TẤN ĐÀO, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM: Cần sớm dứt điểm các “nợ đọng”

Chính quyền TP Thủ Đức sẽ phải tiếp tục giải quyết những vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài như tại KĐTM Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao…

Để chủ động trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân, nên chăng thành lập ban giải quyết khiếu nại, tố cáo TPHCM trực thuộc UBND TPHCM, tồn tại song song với Thanh tra TPHCM, Thanh tra TP Thủ Đức. Đây là cơ quan có tính liên kết, có khả năng tổng hợp cũng như giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài trên địa bàn 3 quận.

Đặc biệt, TPHCM cần phấn đấu, nhanh chóng vào cuộc, huy động nhân sự để giải quyết triệt để các vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng ở KĐTM Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao. Thành phố cần đề ra kế hoạch hoàn thành trước tháng 5-2021 để kịp thời với công tác bầu cử và tạo tiền đề vững chắc cho xây dựng chính quyền TP Thủ Đức vững mạnh, ổn định.

MAI HOA - MẠNH HÒA - KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xu-ly-cac-ton-dong-de-tp-thu-duc-phat-trien-707364.html