Xử lý các ngân hàng yếu kém

Việc đưa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (Luật sửa đổi) ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này và nội dung của Luật sửa đổi tập trung gần như toàn bộ vào các vấn đề liên quan đến các phương án xử lý những ngân hàng yếu kém cho thấy phần nào sức khỏe của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Vượt khỏi tầm tay

Việc đầu tiên có lẽ cần phải ghi nhận là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc giải quyết các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém thời gian qua. Tất cả những nỗ lực đấy nhằm mục tiêu duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng, đó cũng là cách để duy trì sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô.

Tuy vậy, hệ thống ngân hàng Việt Nam nay đã khác xa về quy mô, tính phức tạp của các nghiệp vụ và cả cách vận hành các thị trường hỗ trợ như bất động sản, chứng khoán, vàng… so với giai đoạn những năm đầu thập niên 2000, giai đoạn thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lần gần nhất.

Khi NHNN mua lại các ngân hàng với giá 0 đồng, những ngân hàng bị mua lại thực chất đã xấu đến mức phải đưa vào kiểm soát đặc biệt. Nếu không dùng ngân sách để hỗ trợ, thì cách duy nhất là bán các tài sản bảo đảm của các khoản vay (vốn không còn bảo đảm được cho các khoản vay bởi bị nâng giá khi thẩm định để phục vụ cho nhu cầu rút vốn của các cổ đông lớn), giảm mạng lưới bằng việc đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch, thậm chí phải bán các trụ sở của ngân hàng, tinh gọn bộ máy, cắt giảm nhân sự và những biện pháp tái cơ cấu một cách quyết liệt khác.

Những giải pháp này cần thực hiện song song với sự hỗ trợ vốn từ NHNN, các NHTM lớn được chỉ định để từng bước cân bằng lại dòng tiền, cân đối được thu nhập – chi phí để giảm lỗ theo một lộ trình được hoạch định cẩn thận, khả thi. Tiếc là NHNN đã không có được những cách xử lý có thể đem lại sự thay đổi, thậm chí các ngân hàng này đến nay còn chưa có được phương án tái cơ cấu rõ ràng với mục tiêu phục hồi, và đang phải kéo dài đời sống thực vật.

Kết quả công bố của Kiểm toán Nhà nước gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội mới đây về kết quả tái cơ cấu ba ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng cho thấy rõ điều này: “Sau hai năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, thực trạng tài chính của ba ngân hàng vẫn không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng…”.

Sau hai năm được Ngân hàng Nhà nước mua lại, thực trạng tài chính của ba ngân hàng vẫn không được cải thiện

Các ngân hàng này hầu như không thực hiện những giải pháp tái cơ cấu nào khả dĩ cải thiện tình hình kinh doanh ngoài việc thu hồi những khoản nợ vốn không có khả năng xử lý, khi hầu hết các lãnh đạo từng là chủ chốt của ngân hàng (cũng là những người sử dụng vốn) đã bị bắt, tài sản bảo đảm không đủ và nguồn thu để trả nợ không thể kiểm soát. Trong khi đó, mỗi ngày các ngân hàng này vẫn đang gồng mình để trả lãi tiền gửi cho khách hàng, nuôi bộ máy với chi phí hoạt động khổng lồ lên đến hàng trăm điểm giao dịch, hàng ngàn nhân viên…

Nghị quyết xử lý nợ xấu – cần nhưng hơi muộn

Các vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được đặt ra từ rất lâu song không được quan tâm giải quyết. Hậu quả là các TCTD thực sự bất lực trong việc thu hồi những khoản nợ quá hạn của mình khi việc xử lý qua con đường tố tụng quá nhiêu khê, tốn kém và kéo dài. Bản thân Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng gặp khó trong việc xử lý các khoản nợ đã mua nên được ví von là nơi “trung chuyển” nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một giải pháp tích cực khi cho phép các TCTD được thu giữ tài sản, yêu cầu tòa án áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, cho phép TCTD được chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản… Về lâu dài, những tháo gỡ này sẽ giúp các TCTD dễ dàng hơn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Tuy nhiên, những giải pháp này đối với các ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng sẽ không có nhiều tác dụng. Việc xử lý tài sản bảo đảm ở các ngân hàng này không giúp ngân hàng thu hồi đầy đủ các khoản nợ đã cho vay vì việc định giá thổi phồng như đã đề cập, chưa kể đến phần lãi phát sinh kéo dài. Hơn nữa, các dự án của các ông bà chủ này thường không nhỏ, không dễ dàng chuyển nhượng để có thể đem lại dòng tiền thật cho các ngân hàng.

Phá sản có ảnh hưởng đến an toàn hệ thống?

Câu trả lời tất nhiên là có. Nhưng mức độ ảnh hưởng không còn như trước khi được NHNN mua lại. Quan hệ vay mượn của các NHTM bị mua lại 0 đồng với các TCTD khác chắc chắn là còn nhưng không nhiều. Không một TCTD nào lại muốn duy trì tiền gửi hay cho vay ba ngân hàng này ngoài NHTM được chỉ định hỗ trợ, hơn nữa pháp luật hiện tại cũng không cho phép các NHTM này vay, nhận tiền gửi của các TCTD khác (Thông tư 01/2013/TT-NHNN). Nếu cho ba ngân hàng này phá sản, các TCTD khác không bị ảnh hưởng nhiều, nếu xét trong mối quan hệ vay mượn trực tiếp.

Tác động gián tiếp là sự ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền và họ có thể rút tiền khỏi các TCTD khác. Điều này thực sự không quá lo bởi nhận thức của người gửi tiền đã thay đổi, đã có những đánh giá, so sánh giữa các TCTD để “chọn mặt, gửi vàng”. Sự ảnh hưởng này có, song sẽ không kéo quá dài và hoàn toàn có thể xử lý được nếu có sự chuẩn bị và sự hỗ trợ từ NHNN.

Bên cạnh đó, hai năm cũng là thời gian để khách hàng gửi tiền có đủ thông tin qua đó đánh giá về mức độ rủi ro khi gửi tiền tại các NHTM. Thời gian qua, những thông tin về việc phá sản ngân hàng đã được nhắc đến, âu cũng là cách cơ quan quản lý đưa ra một thông điệp về phương thức xử lý các ngân hàng yếu kém không thể khác hơn trong điều kiện hiện nay. Lựa chọn cuối cùng sẽ thuộc về các đại biểu quốc hội khi Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thảo luận cho phù hợp với thực tế.

Quốc hội sắp thông qua sửa đổi luật các tổ chức tín dụng

Theo kế hoạch, ngày 21-11 tới đây, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Theo đó, một nội dung đáng chú ý là phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được thực hiện thông qua một trong các phương án sau:

Phương án phục hồi;
Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;
Phương án giải thể;
Phương án chuyển giao bắt buộc;

đ. Phương án phá sản.

Theo đó, phương án phục hồi là phương án áp dụng các biện pháp để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt. Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp là phương án áp dụng khi có tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, hợp nhất, có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Còn phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.

Mục đích của việc sửa luật là nhằm đáp ứng yêu cầu về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; hạn chế, ngăn ngừa tổ chức tín dụng yếu kém mới phát sinh; xử lý các vướng mắc bất cập trong quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội hôm 26-10-2017, một số ý kiến đề nghị cần cụ thể hóa các nguyên tắc đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt như nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường; nguyên tắc công khai, minh bạch; nguyên tắc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền…

Hoàng Bách

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/xu-ly-cac-ngan-hang-yeu-kem-11278.html