Xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ: Chặng đường còn lắm gian nan

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, đã đạt kết quả bước đầu, giảm lỗ và một số dự án đã có lãi

Đúng như kế hoạch, bức tranh về hoạt động của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT) năm 2016 đã được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vẽ lại và gửi đến Quốc hội.

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, đã đạt kết quả bước đầu, giảm lỗ và một số dự án đã có lãi

Về kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2016, KTNN cho biết, 24/27 TĐ, TCT, công ty nhà nước được kiểm toán đã kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn, đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp cũng còn những hạn chế. Hầu hết các TĐ, TCT và công ty nhà nước còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí, kiến nghị tăng thu NSNN 9.400 tỷ đồng và 0,42 triệu USD.

Nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, nợ phải thu quá hạn, như Vinaconex: 541,05 tỷ đồng; Veam: Công ty mẹ 1.121,53 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải và Thương mại VEAM 264,72 tỷ đồng; Vinachem 753,86 tỷ đồng (chiếm 10,94% nợ phải thu); TCT Cảng hàng không Việt Nam 303,97 tỷ đồng (chiếm 7,07%); Vinanren 302,56 tỷ đồng (chiếm 69%)...

Một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính như VIDIFI: 14,56 lần; Veam: Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp 12,5 lần; VNR: Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa 11,71 lần, Công ty CP Đường sắt Vĩnh Phú 6,67 lần, Công ty CP Đường sắt Phú Khánh 5,37 lần; Vinachem: Công ty CP DAP số 2 - Vinachem 9,97 lần, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 8,53 lần, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ 5,01 lần...

Cũng theo KTNN, hoạt động đầu tư tài chính của một số TĐ, TCT không hiệu quả với nhiều công ty con thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, giải thể. Cụ thể, lỗ lũy kế đến 31/12/2016: Vinachem (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình 3.197,53 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 968,2 tỷ đồng, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 1.720,87 tỷ đồng, Công ty CP DAP số 2 - Vinachem 1.066,14 tỷ đồng, Công ty CP DAP - Vinachem 461,79 tỷ đồng, Công ty CP Pin-ắc quy Vĩnh Phú lỗ lũy kế đến 31/12/2013 là 8,06 tỷ đồng); TKV (TCT Điện lực TKV - CTCP 451,40 tỷ đồng, Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa 137,15 tỷ đồng, Công ty CP Vận tải thủy - Vinacomin 126,26 tỷ đồng...

Một số đơn vị bị âm vốn chủ sở hữu như Veam (Công ty CP Vận tải và Thương mại Veam 220,18 tỷ đồng); TCT Xây dựng Bạch Đằng: Công ty CP Xây dựng - Đầu tư Phát triển Bạch Đằng 15 là 2,79 tỷ đồng. Các đơn vị bị giải thể tại Vinacafe có Công ty CP Giống cây trồng Vinacafe Tây Nguyên; tại TCT Xây dựng Sài Gòn có Công ty CP Gạch ngói Sài Gòn, Công ty CP Kim Thạch (đang thực hiện thủ tục). Ngoài ra, nhiều công ty có vốn góp của các TĐ, TCT cũng thua lỗ như Công ty mẹ - Vinacafe: 20/32 công ty con lỗ lũy kế 399,38 tỷ đồng, 4/6 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ; TCT Xây dựng Sài Gòn có 2/4 công ty con lỗ lũy kế 39,26 tỷ đồng, 6/17 công ty liên doanh, liên kết lỗ lũy kế 313,93 tỷ đồng, 4/7 công ty (đầu tư dài hạn khác) lỗ lũy kế 354,2 tỷ đồng...

Một số đơn vị trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định; chậm thoái vốn ra khỏi lĩnh vực bất động sản, ngân hàng; góp vốn sở hữu chéo lẫn nhau không phù hợp với quy định.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của một số TĐ, TCT không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao, trong đó, TKV có Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng, Campuchia; Dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, Dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai đều tại Lào. Vinachem cũng có Dự án muối mỏ kém hiệu quả tại Lào...

Trong thực hiện nghĩa vụ với NSNN, KTNN xác định số phải nộp NSNN tăng thêm là 19.109 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có kiến nghị nộp NSNN lớn như TCT cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2.668 tỷ đồng; TCT cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1.852 tỷ đồng; TCT Cảng Hàng không Việt Nam 1.753 tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỷ đồng…

Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, việc xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, thất thoát lớn đã đạt kết quả bước đầu, giảm lỗ và một số dự án đã có lãi.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/xu-ly-cac-du-an-doanh-nghiep-thua-lo-chang-duong-con-lam-gian-nan-76146.html