Xử lý bài toán căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, Nhật Bản chọn 'im hơi lặng tiếng'?

Sau nhiều năm cảnh báo các nước về mối nguy từ Bắc Kinh, Tokyo hiện đang áp dụng một chính sách 'im hơi lặng tiếng'.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: AP)

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. (Nguồn: AP)

Đó là phản ứng của hầu hết các nhà bình luận khi xét đến động thái của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đối với chính sách với Trung Quốc.

Nối tiếp chính sách thời Abe

Giống như các vấn đề kinh tế và ngoại giao khác, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Nhật Bản cho rằng tác động thực sự của việc ông Abe Shinzo từ chức lên chính sách Trung Quốc của Chính phủ Nhật sẽ nghiêng về tính nối tiếp hơn là thay đổi. Nhưng kết luận đó tự đặt ra một câu hỏi quan trọng. Không chỉ về vấn đề liệu tính nối tiếp có thể duy trì hay không, mà nếu có thể, thì việc mở rộng khung chính sách hiện tại của Nhật Bản sẽ tác động đến Bắc Kinh ở mức độ như thế nào?

Rất ít người ở Trung Quốc nghĩ rằng khi ông Abe lên nắm quyền vào năm 2012, ông sẽ chủ trì việc hàn gắn quan hệ song phương một cách sâu sắc và thực chất như vậy. Nhiều người cho rằng ông Abe mang một tư tưởng chịu ảnh hưởng bởi những người tiền nhiệm của ông. Đáng chú ý, ông nội của ông Abe, Nobusuke Kishi, người từng phục vụ trong nội các thời chiến của Nhật Bản, là một Thủ tướng thân Mỹ sâu sắc trong những năm 1950.

Ông Abe nhậm chức khi quan hệ song phương Trung-Nhật đang ở mức đáy sau liên quan đến cuộc xung đột gay gắt về quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, vốn có nguy cơ bùng phát thành xung đột quân sự. Trong giai đoạn khó khăn vào năm 2012 của mối quan hệ song phương, cựu Thủ tướng Abe có thể giữ vững lập trường về chủ quyền và các vấn đề khác, đồng thời từng bước xây dựng lại việc đối thoại với Bắc Kinh.

Trước khi có sự ngăn trở bởi dịch Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Tokyo vào tháng 4 năm nay. Đây được đánh giá là hội nghị cấp cao nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã giúp xoa dịu căng thẳng Trung-Nhật. Như học giả Wang Jisi của Đại học Bắc Kinh quan sát, quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc chắc chắn được cải thiện song song với sự xấu đi trong quan hệ của Bắc Kinh với Washington.

Tình thế nghịch lý

Việc Tổng thống Trump “tấn công” Trung Quốc hầu hết về thương mại đã tạo cho Bắc Kinh động lực để tìm đến các quốc gia như Nhật Bản. Tokyo, vốn lo sợ về một Trump không thể đoán trước, đã phản ứng một cách tích cực. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt gần 300 tỷ USD trong năm 2018. Cả hai quốc gia đều là trung tâm của chuỗi cung ứng khu vực, nơi níu giữ nền kinh tế toàn cầu, và chính sách tách rời của Mỹ chỉ có sức hấp dẫn hạn chế ở Tokyo.

Trong giai đoạn hoàng hôn nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe, Nhật Bản rơi vào một tình thế nghịch lý. Sau nhiều năm cảnh báo các quốc gia khác phải cảnh giác với Bắc Kinh, bản thân Tokyo hiện đang “im hơi lặng tiếng” trước những nguy cơ trỗi dậy của Trung Quốc. Có rất ít hồ sơ công khai cho thấy tân Thủ tướng Suga có bất kỳ tầm nhìn đặc biệt nào đối với viễn cảnh toàn cầu của Nhật Bản. Là một nhà lãnh đạo “cổ điển”, ông Suga có rất ít mối quan hệ chuyên nghiệp với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Chính trị trong nước là sở trường của ông.

Giữ nguyên trạng một liên minh an ninh mạnh mẽ với Mỹ và mối quan hệ thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc có lẽ là điều phù hợp với ông Suga. Thế mhưng, nếu hiện trạng lại không bền vững thì sao?

Xét cho cùng, mối quan hệ hiện trạng có lợi nhất cho Trung Quốc. Khi Bắc Kinh dần thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho mình, Nhật Bản khó có thể làm được điều đó một mình. Đầu tiên, Bắc Kinh không có khuynh hướng gạt vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sang một bên. Năm ngoái, họ đã tăng tần suất tuần tra xung quanh quần đảo, với mục đích buộc Nhật Bản thừa nhận đang có tranh chấp về mặt chủ quyền và do đó phải đàm phán.

Tương tự, nếu ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, ông có khả năng tăng áp lực lên Nhật Bản với tư cách là một đồng minh an ninh trong cuộc cạnh tranh mang tính thời đại giữa Washington và Bắc Kinh. Tokyo đã hoan nghênh cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư, nhưng đổi lại Washington sẽ muốn có sự trung thành từ Tokyo.

Vẫn dành ưu tiên cho Mỹ

Chính sách ngoại giao khu vực thành công của ông Abe khiến Nhật Bản có lẽ trở thành đối tác đáng tin cậy nhất của một loạt quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Vị Thủ tướng mới của Nhật Bản sẽ muốn duy trì vị thế này, nhưng ông sẽ phải học các kỹ năng ngoại giao trong công việc.

Thách thức trước tiên đối với ông Suga là làm thế nào và liệu ông có thể khôi phục chuyến thăm Nhật Bản đã lên kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình hay không. Nhiều người trong Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vẫn phản đối chuyến thăm vì cách hành xử của Trung Quốc khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát tại Vũ Hán.

Đồng thời, Nhật Bản từ lâu đã có một xu hướng ủng hộ việc tách đất nước ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ để có quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, ông Suga có thể sẽ không mời ông Tập tới Nhật Bản trước khi ông có cơ hội đến thăm Washington và củng cố mối quan hệ với Nhà Trắng sau tháng 11.

Mỹ Hoàng

(theo Nikkei Asian Review)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xu-ly-bai-toan-cang-thang-my-trung-gia-tang-nhat-ban-chon-im-hoi-lang-tieng-124547.html