Xu hướng xây dựng khu dân cư trên đất công nghiệp tại Mỹ (Phần 2)

Sự thiếu thông tin về thực trạng chất thải hậu công nghiệp cũng như những hiểm họa tiềm tàng đối với môi trường dân sinh khiến các dự án xây dựng đối mặt với nhiều thách thức.

Vấn đề “dọn dẹp” và xử lý chất thải hậu công nghiệp thường do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) hợp tác cùng chính quyền các tiểu bang thực hiện dựa trên cơ chế xử lý chất thải Superfund.

Quỹ này đã chi hàng trăm triệu USD để phục hồi những khu vực chứa chất thải độc hại nhất trên khắp quốc gia. Các khu vực Superfund được “nhận diện” khi có dấu hiệu xuất hiện của chất ô nhiễm nguy hại căn cứ theo các tiêu chí đánh giá của EPA.
Tuy nhiên, những khu vực hậu công nghiệp nằm ven đô thị như Kensington thường ít được chú ý tới và cũng ít được rót vốn để xử lý, do mức độ nguy hiểm tiềm tàng đối với môi trường và sức khỏe con người không rõ ràng như những khu vực cực kỳ nghiêm trọng, ví dụ như ô nhiễm nước tại kênh Gowanus ở Brooklyn hay ô nhiễm không khí xuất phát từ các nhà máy sản xuất thép tại thành phố Gary, bang Indiana.
Theo nghiên cứu của hai tác giả Frickel và Elliott, khoảng 85 triệu pound (tương đương 38,5 nghìn tấn) chất thải công nghiệp nguy hại bị phát tán ra ở Mỹ mỗi năm. Bên cạnh đó, ông Frickel cũng chỉ ra lỗ hổng trong hệ thống điều tra và xử lý các vấn đề môi trường hiện nay.
Trên toàn quốc, các nhà hoạch định đô thị cần tiến hành điều tra công trường xây dựng tiềm năng Giai đoạn 1, trong đó bao gồm việc thuê một công ty tư vấn môi trường tư nhân.

Trong trường hợp có điều gì bất thường bị phát hiện ra, chi phí “dọn dẹp” sẽ tăng lên và điều đó cũng kéo theo việc giảm giá trị tài sản, do đó tồn tại xu hướng “lờ đi” vấn đề nghiên cứu môi trường vì lợi ích phát triển.

Ông Elliott lý giải, đây không phải âm mưu của các cơ quan quản lý, “họ chỉ đơn giản là không có nguồn lực để thực hiện những gì họ muốn làm."
Theo ông Frickel, các cơ sở sản xuất cũng khánh thành và phá sản nhiều như các công ty trong các lĩnh vực khác nhau. Mỗi khi các nhà máy đóng cửa, các cơ sở vật chất công nghiệp cũng theo đó mà biến mất.

Trong khi đó, người dân liên tục di chuyển vào và ra khỏi các khu vực này, do đó các vấn đề hậu công nghiệp như vị trí bể chứa, khu chôn và xử lý chất thải dưới lòng đất nếu không được ghi chép sẽ bị lãng quên và để lại những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và dân sinh./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xu-huong-xay-dung-khu-dan-cu-tren-dat-cong-nghiep-tai-my-phan-2-/99604.html