Xu hướng VN-Index sau nhiều 'điểm rơi' thông tin

Tuần trước, chỉ số VN-Index có mức giảm gần 1% nhưng tín hiệu hồi phục đã xuất hiện trở lại trong phiên cuối tuần, tạo cơ sở để VN-Index tiếp tục có đà tăng hưng phấn ngay trong phiên giao dịch đầu tuần này.

 Biểu đồ thông tin chứng khoán trên sàn HOSE. Nguồn: mof.gov.vn

Biểu đồ thông tin chứng khoán trên sàn HOSE. Nguồn: mof.gov.vn

“Điểm rơi” nhiều thông tin quan trọng đều tập trung vào cuối tuần qua. Về tình hình thế giới, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G-20 đã kết thúc với kết quả tích cực ở mức “vừa phải” và không nằm ngoài kỳ vọng của giới đầu tư. Hai bên đồng ý chưa leo thang thêm chiến tranh thương mại, mở ra cơ hội đàm phán trong các tháng tiếp theo.

Trung Quốc đồng ý mua thêm nhiều mặt hàng nông sản Mỹ (giá trị và các mặt hàng cụ thể chưa được đề cập) trong khi Mỹ sẽ xem xét cho phép Huawei được tiếp tục mua một số sản phẩm từ các công ty công nghệ Mỹ, miễn là không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Nhìn chung, những tuyên bố này vẫn mang tính chung chung và chưa có gì cụ thể. Trên cơ sở đó, xung đột thương mại Mỹ - Trung được nhận định sẽ tiếp tục kéo dài và là ẩn số khó đoán định trong vòng một năm tới với mùa bầu cử Tổng thống Mỹ đang dần đến gần.

Tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE thời gian qua. Nguồn: mof.gov.vn

Về các thông tin vĩ mô trong nước, cuối tuần qua, Tổng cục Thống kê đã công bố một loạt các chỉ số kinh tế vĩ mô trong sáu tháng đầu năm. Bức tranh chung là tăng trưởng GDP của Việt Nam có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 nhưng không quá nhiều. So sánh tương đối với các nước trong khu vực cùng chịu chung tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc thì kinh tế Việt Nam đang cho thấy sự vững chắc và tích cực hơn ở mức nhất định.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng đầu năm cũng có mức tăng thấp so với cùng kỳ (2,64%). Mặc dù lạm phát toàn phần vẫn đang duy trì ở mức thấp nhưng chỉ số lạm phát lõi đang duy trì xu hướng tăng liên tục kể từ đầu năm đến nay, từ mức 1,83% lên mức 1,96%. Việc lạm phát lõi tăng cho thấy mặt bằng giá cả chung trên thị trường vẫn đang có chiều hướng nhích lên.

Trong sáu tháng cuối năm, giá thịt heo có thể là một rủi ro tiềm ẩn với chỉ số lạm phát chung khi nguồn cung trở nên khan hiếm do tác động có độ trễ của dịch tả heo châu Phi. Giá xăng dầu trong ngắn hạn cũng có thể có diễn biến khó lường trước căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Iran.

Trên cơ sở tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm chưa thấp hơn quá nhiều cũng như lạm phát còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì như hiện nay với mục tiêu tăng trưởng cung tiền (M2) và tín dụng cho cả năm 2019 chỉ ở mức 14-15%.

Bên cạnh đó, lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam cũng là một điểm nhấn của kinh tế vĩ mô trong tuần qua. Mặc dù việc ký kết diễn ra nhanh chóng là một điểm cộng cho kinh tế Việt Nam, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để các hiệp định này được phê chuẩn. Cuộc bầu cử Nghị viện EU vừa kết thúc được hơn một tháng, các tiểu ban mới đang dần hình thành, do đó thời điểm chính xác Nghị viện EU xem xét thông qua EVFTA vẫn chưa được ấn định cụ thể.

Một điểm cần lưu ý là một số ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nhờ EVFTA như dệt may, da giày có thể sẽ gặp bất lợi trong thời gian đầu do sau khi EVFTA có hiệu lực thì thuế GSP mà EU đang dành cho Việt Nam sẽ tự động chấm dứt. Mức thuế áp dụng cho những ngành này sẽ giảm dần đều xuống 0% theo lộ trình (3-7 năm) từ mức thuế MFN (cao hơn mức thuế GSP Việt Nam được hưởng hiện nay).

Dù sao thì việc Mỹ - Trung đình chiến thương mại và EVFTA được ký kết cũng đang tạo nên hiệu ứng tích cực cho tâm lý nhà đầu tư. Việc các quỹ ETFs đầu tư vào Việt Nam liên tục huy động được thêm vốn mới đang là một trong những lực cầu chính cho VN-Index.

Tính chung trong cả tháng 6, cả năm quỹ ETFs lớn nhất trên thị trường gồm VNM ETF, FTSE Vietnam ETF, VFMVN30 ETF, KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF, iShare MSCI Frontier 100 ETF đều phát hành ròng chứng chỉ quỹ với tổng giá trị 90 triệu đô la Mỹ, trong đó lượng giải ngân vào thị trường Việt Nam khoảng 75 triệu đô la Mỹ (1.750 tỉ đồng).

VN-Index vẫn đang dao động trong một kênh hẹp, và để bứt khỏi kênh dao động này, chỉ số VN-Index có lẽ cần thêm thời gian để tích lũy cũng như sự vào cuộc mạnh hơn của dòng vốn nội.

Bình An

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290991/xu-huong-vn-index-sau-nhieu-diem-roi-thong-tin-.html