Xu hướng tất yếu

Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã, đang trở thành thói quen với nhiều doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phát triển nền kinh tế số hiện nay, xu hướng này rất phù hợp và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế đất nước cũng như các bên liên quan.

Thúc đẩy xu hướng này, những năm qua, các ngân hàng thương mại ở Hà Nội đã không ngừng đầu tư về hạ tầng và đến nay đã lắp đặt khoảng 2.820 máy giao dịch tự động (ATM), hơn 84.000 máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS) tại hơn 52.000 điểm giao dịch trên địa bàn thành phố. Nhiều ngân hàng còn áp dụng chính sách ưu đãi để tạo lập thói quen đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử khi thanh toán các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước... Cùng với đó, một số sở, ngành của thành phố cũng đã phối hợp triển khai thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến nên các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được người dân biết đến nhiều hơn.

Ý thức đây là môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nên vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán được các đơn vị quan tâm, việc bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu để bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Điều này đã tạo được niềm tin, giúp lượng người sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng. Đặc biệt, hiện nay, số người dùng điện thoại thông minh khá phổ biến, hoạt động thương mại điện tử cũng diễn ra sôi động, càng tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt có cơ hội phát triển mạnh.

Để làm tốt việc này, các cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời cần xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin ổn định, tiện lợi, an toàn cho người dùng, bảo đảm quá trình hoạt động không có sự cố xảy ra.

Điều rất cần lưu ý là các ứng dụng, phương tiện thanh toán phải an toàn, có độ bảo mật tuyệt đối. Nhất là phải rà soát chặt chẽ quy trình đăng ký, kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử; trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, phân tích dữ liệu khách hàng để có thể ngăn chặn sớm gian lận.

Một việc nữa cần làm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán bằng phương thức điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công là tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với hệ thống ngân hàng.

Trong điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin đang được hoàn thiện, nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến tiện lợi ra đời, vấn đề cần quan tâm là đẩy mạnh truyền thông đồng bộ và có hiệu quả nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân... Trong đó, cần quan tâm đến vùng nông thôn, bởi ở khu vực này việc thanh toán bằng thẻ, ngân hàng điện tử còn hạn chế, người dân tiếp cận dịch vụ khó khăn hơn khu vực đô thị.

Ở khía cạnh khác, bản thân người dùng cũng phải nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, phương thức thanh toán điện tử. Việc này vừa bảo vệ chính mình, vừa có thể phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.

Thay đổi từ phương thức thanh toán tiền mặt sang phi tiền mặt là việc đòi hỏi sự dài hơi và liên tục, bởi phải thay đổi thói quen lâu nay của người tiêu dùng. Nhưng xét trong bối cảnh hiện nay, đây là xu thế tất yếu cần thực hiện cho được để góp phần phát triển nền kinh tế số cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/975827/xu-huong-tat-yeu