Xu hướng sáp nhập của những nhà xuất bản lớn trên thế giới

Các nhà xuất bản hàng đầu thế giới đã tiến hành những cuộc mua bán trong hơn một năm qua. Điều đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng độc quyền trong thị trường sách.

Trong vòng chưa đầy một năm, thị trường sách thế giới chứng kiến những thương vụ mua lại, sáp nhập của các đơn vị xuất bản lớn. Mỹ, thị trường sách lớn, là nơi diễn ra nhiều cuộc mua bán trong thời gian qua.

 Một hiệu sách của Penguin Random House. Ảnh: dexigner.

Một hiệu sách của Penguin Random House. Ảnh: dexigner.

Cuộc mua bán, sáp nhập của những gã khổng lồ

Tháng 11/2020, Penguin Random House đã đạt được thỏa thuận mua lại Simon & Schuster với giá hơn 2 tỷ USD. Penguin Random House là công ty xuất bản sách lớn nhất tại Mỹ.

Có trụ sở chính tại New York, hoạt động tại hơn 20 quốc gia, Penguin Random House được tạo thành từ hơn 300 thương hiệu xuất bản. Hàng năm, đơn vị này làm khoảng 15.000 đầu sách.

Simon & Schuster (công ty con của ViacomCBS) là một trong 5 đơn vị xuất bản lớn nhất của Mỹ (nhóm Big Five). Mỗi năm, đơn vị này xuất bản khoảng 2.400 đầu sách.

Tháng tư năm nay, HarperCollins mua lại mảng sách và truyền thông của Houghton Mifflin Harcourt với giá 349 triệu USD. Đây cũng là nhà xuất bản lớn thứ hai toàn cầu và là thứ hai của Mỹ. Trụ sở chính tại New York, HarperCollins có hoạt động xuất bản tại 17 quốc gia và hơn 120 thương hiệu xuất bản.

Trong khi đó, Houghton Mifflin Harcourt là một trong những đơn vị có backlists (tất cả sách của nhà xuất bản đã làm trong quá khứ, đến giờ vẫn khai thác) phong phú và thành công trong ngành xuất bản, thu lợi nhuận cao. Trong năm 2020, hơn 60% doanh thu của Houghton Mifflin Harcourt được tạo ra từ backlists của mình.

Tháng tám, một trong năm nhà xuất bản lớn nhất của Mỹ là Hachette Book Group, đã chi 240 triệu USD để mua lại Workman. Hachette Book Group có văn phòng tại nhiều quốc gia, mỗi năm xuất bản khoảng 1.400 sách dành cho người lớn, 300 sách thiếu nhi, 700 sách nói.

Workman là nhà xuất bản độc lập với 3.500 cuốn trong backlist, mang tới 70-80% doanh thu hàng năm. Doanh thu năm 2020 của Workman là 134 triệu USD.

Penguin Random House sẽ có nhiều ưu thế trong thị trường nếu hợp nhất với Simon & Schuster - Ảnh: Nytimes.

Tác động tới mọi mặt của thị trường xuất bản

Để trở thành những nhà xuất bản lớn như hiện nay, các đơn vị trên đã có một lịch sử phát triển lâu dài. Penguin Random House tiền thân là Random House, thành lập năm 1927. Năm 2013, Random House (khi ấy là một trong sáu nhà xuất bản tiếng Anh lớn nhất thế giới) và Penguin Group hợp nhất thành Penguin Random House.

Dù lý do sáp nhập là “để tạo thành đòn bẩy chống lại Amazon”, việc hợp nhất khi ấy vẫn bị chỉ trích. The Washington Post viết: “Đó là một vụ sáp nhập không hợp lý”.

Tương tự, trong lịch sử phát triển, Hachette Book Group đã mua lại một số nhà xuất bản khác. Trong đó, có việc mua lại Little, Brown and Company (nhà xuất bản sớm nhất, ra đời năm 1837); Black Dog & Leventhal; Perseus Books; Christian Worthy Publishing (sau khi mua lại được hợp nhất với một số thương hiệu, đổi tên thành Hachette Nashville); Perseus Books.

Giờ đây, một lần nữa, các nhà xuất bản tiếp tục mua bán, sáp nhập với các thương vụ đã hoàn thành hoặc đang chờ thông qua. Dư luận lo ngại sẽ hình thành các siêu nhà xuất bản, ảnh hưởng đến thị trường sách.

Việc các nhà xuất bản lớn hợp nhất có thể tác động đến mọi mảng kinh doanh sách: Tiền tác quyền trả cho tác giả, cơ hội cạnh tranh của các nhà xuất bản nhỏ, tác phẩm nào sẽ được ưu tiên in trước, hoạt động của các hiệu sách độc lập…

Hiệp hội tác giả Mỹ, Viện Thị trường Mở (Open Markets Institute) và một số tổ chức đã lên tiếng phản đối sự hợp nhất của Penguin Random House và Simon & Schuster.

Một đại lý bản quyền thường hy vọng sẽ thu về giá tác quyền cao nhất thông qua hình thức đấu thầu. Khi các nhà xuất bản lớn hợp nhất, nghĩa là sẽ có ít nhà xuất bản tham gia trả giá hơn, và đại lý có thể bất lợi khi muốn thu về tiền bản quyền cao.

Thực tế, Penguin Random House điều hành khoảng 95 nhà xuất bản ở Mỹ, với các thương hiệu nổi tiếng như Vintage Books, Crown Publishing Group và Viking. Những nhà xuất bản này được phép đấu giá với nhau. Điều này có nghĩa các nhà xuất bản bên ngoài Penguin Random House sẽ ít có cơ hội sở hữu bản quyền hơn.

The Washington Post thẳng thắn rằng việc hợp nhất các nhà xuất bản lớn là điều “tệ hại cho người đọc”. Khi số lượng nhà xuất bản thu hẹp, các tác giả sẽ có ít nhà xuất bản quan tâm tới bản thảo hơn. Các nhà sách khi ấy sẽ phân phối sách của ít đơn vị xuất bản hơn. Và độc giả phải đối mặt với một kệ sách bị chi phối bởi những cuốn bán chạy của vài đơn vị xuất bản quen thuộc.

Trong thông báo mua lại Simon & Schuster, Markus Dohle, Giám đốc điều hành của Penguin Random House, viết có thể hợp nhất thành công đội ngũ xuất bản uy tín trong khi vẫn giữ được bản sắc và sự độc lập của từng đơn vị.

“Simon & Schuster hoàn toàn phù hợp văn hóa sáng tạo và kinh doanh mà chúng tôi nuôi dưỡng bằng cách cung cấp quyền tự chủ biên tập cho các nhà xuất bản của chúng tôi”, trích tuyên bố của Dohle.

“Tuyên bố của Dohle không thực sự là một mô tả về văn hóa doanh nghiệp; đó là một biện pháp phòng thủ trước các mối lo ngại chống độc quyền”, trích bình luận trên The Washington Post.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-huong-sap-nhap-cua-nhung-nha-xuat-ban-lon-tren-the-gioi-post1261670.html