Xu hướng 'sân bay im lặng' được nhiều nước chào đón

Xây dựng 'sân bay im lặng' đã được rất nhiều cảng hàng không thế giới thực hiện nhiều năm trước và đang lan rộng nhờ công nghệ phát triển.

Cổng thông tin (InfoGate) tại sân bay Munich, Đức có lắp đặt thiết bị cho phép giao tiếp trực tuyến

Cổng thông tin (InfoGate) tại sân bay Munich, Đức có lắp đặt thiết bị cho phép giao tiếp trực tuyến

Từ ngày 1/7, sân bay Tân Sơn Nhất chính thức ngưng phát thanh tại nhà ga quốc tế để xây dựng “sân bay im lặng”. Cụm từ này nghe có vẻ lạ nhưng đây là xu hướng đã được rất nhiều cảng hàng không thực hiện từ nhiều năm về trước và đang tiếp tục lan rộng ra khắp thế giới nhờ sự phát triển của công nghệ hiện đại có thể thay thế hoàn hảo cho phương thức phát thanh.

Tạo môi trường thư giãn cho khách

Sân bay im lặng không có nghĩa là chặn mọi tiếng động tại sân bay, mọi người chỉ giao tiếp qua cử chỉ mà thực chất là hạn chế tối đa những thông báo về giờ bay, làm thủ tục... gây ồn ào khu vực công cộng. Xu hướng này lan rất nhanh trên khắp các sân bay lớn của Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Australia.

Sân bay TP London (Anh) đã thực hiện chính sách sân bay im lặng từ cách đây vài năm, thông báo chỉ được đưa ra trong trường hợp khẩn cấp hoặc thời tiết xấu, hoàn toàn không có thông báo gọi hành khách tới cửa lên máy bay.

Sân bay Helsinki (Phần Lan) chỉ ra thông báo tại khu vực cổng lên tàu bay. Ngoài ra còn có thể điểm tên một số sân bay khác như Barcelona (Tây Ban Nha), Munich (Đức)... Mới đây nhất, năm 2018, Changi - sân bay Singapore nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng của Skytrax - cũng không còn ra thông báo cuối nhắc hành khách tới cổng lên máy bay.

Người phát ngôn Tập đoàn sân bay Changi (CAG), ông Ivan Tan cho biết, ý tưởng này sẽ đảm bảo môi trường thư giãn và yên ắng ở khu vực nhà ga sân bay vốn quá náo nhiệt, bận rộn.

Một trong những nguyên nhân khiến các hãng quyết định điều chỉnh lại chính sách là muốn tạo môi trường ít tiếng ồn, thư giãn cho hành khách. Nhờ đó, hành khách sẽ tập trung vào các thông báo quan trọng bởi giữa sân bay bận rộn, mỗi phút có rất nhiều chuyến bay đến và đi, nếu cộng thêm tiếng thông báo ồn ã, hành khách rất khó chú ý vào các thông báo cần thiết.

Nghiên cứu từ Đại học Duke năm 2013 phát hiện, 2 giờ yên tĩnh mỗi ngày có tác động tốt tới sự phát triển mô ở hồi hải mã, khu vực não con người tham gia vào hoạt động ghi nhớ thông tin. Ít tiếng ồn không chỉ tạo ra môi trường yên ắng mà còn thúc đẩy sức khỏe trí não.

Ngoài ra, một số nhà khoa học như cô Antonella Radicchi, kiến trúc sư và nhà khoa học về âm thanh đến từ Đại học Kỹ thuật của Berlin cho rằng, quyền được hưởng yên bình và tĩnh lặng cũng là quyền con người.

Công nghệ thay đổi cách “giao tiếp”

Công nghệ hiện đại hoàn toàn có thể cung cấp thông tin sát sao tới hành khách thay thế hình thức phát thanh

Vậy, nếu không có thông báo qua loa, hành khách làm thế nào không quên thời gian lên máy bay? Để tạo thuận tiện cho hành khách, rất nhiều sân bay giảm phát thanh qua loa nhưng tăng cường cung cấp thông tin chi tiết, từng giai đoạn qua các phương tiện truyền thông khác như màn hình chiếu thông tin bay, ki-ốt tương tác, ứng dụng qua điện thoại.

Ông Heikki Koski, Phó chủ tịch sân bay Helsinki nhận định, sự phát triển của những tiện ích trên đang thay đổi cách các sân bay “giao tiếp” với hành khách.

Hiện tại, sân bay Munich đang phát triển hệ thống thông tin cổng sân bay cung cấp các hệ thống đa phương tiện, đa chức năng nhằm truyền tải thông tin và bản đồ trong nhà.

Ki-ốt thông tin tại cảng hàng không của Đức cho phép người dùng thực hiện các cuộc hội thoại mặt đối mặt trực tiếp qua video với nhân viên chăm sóc khách hàng với ngôn ngữ tùy lựa chọn.

Ngoài ra, hai bên còn có thể quét, in và trao đổi tài liệu, văn bản. Thậm chí chỉ cần một nút chạm, người dùng có thể tận dụng các dấu hiệu tương tác để nhận chỉ đường. Hành khách có thể ấn nút “bạn đang ở đây” trên màn hình để nhận chỉ dẫn đường đi cùng ước tính thời gian đi bộ tới địa điểm cần.

Công nghệ này cũng vừa được ứng dụng tại sân bay mới được xây dựng tại Jeddah, Saudi Arabia.

Ngoài ra, với sự phát triển của bluetooth, hành khách còn có thể nhận thông tin khi họ đang trên đường đi từ điểm A đến điểm B.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xu-huong-san-bay-im-lang-duoc-nhieu-nuoc-chao-don-d426498.html