Xu hướng phát triển của nghề freelancer

Freelancer là thuật ngữ chỉ những người làm việc tự do. Họ được trả tiền để thực hiện một sự vụ cụ thể theo thỏa thuận với khách hàng. Đây là một xu hướng nghề nghiệp mới nổi, khi người lao động không muốn phụ thuộc vào hệ thống pháp lý liên quan đến một tổ chức và đặt kỳ vọng gia tăng thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính chủ động về công việc.

Freelancer trong những không gian làm việc chung

Freelancer trong những không gian làm việc chung

Vì sao nhiều người chọn freelancer?

Hình thức nghề nghiệp freelancer đã tồn tại rất lâu trong xã hội với những tên gọi khác nhau như nhân viên dự án, tư vấn chuyên môn, dịch vụ thuê ngoài... Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã khiến freelancer trở thành một lựa chọn nghề nghiệp nghiêm túc vì nhu cầu đời sống, mô hình kinh doanh, kỹ thuật công nghệ thay đổi.

Freelancer trở thành xu hướng khi nhu cầu nhân lực tự do tăng cao (ước tính chiếm 30% tổng nhu cầu nhân lực toàn cầu) và doanh nghiệp muốn linh hoạt thuê mướn lao động. Điều này khắc phục nhược điểm cố hữu của mô hình quản trị doanh nghiệp cũ vì phải chi trả một khoản tài chính cố định không nhỏ vào mục đích lương thưởng và phúc lợi. Freelancer là giải pháp tiết giảm chi phí đó. Quan trọng hơn, sử dụng freelancer giúp doanh nghiệp có thể đo lường hiệu quả công việc và chi trả tốt hơn so với nhân viên truyền thống. Từ việc chủ động được nhân sự và khối lượng công việc, doanh nghiệp được tự do quy hoạch nguồn nhân lực theo chu kỳ mà không bị gò bó vào các quy định của luật pháp.

Nhu cầu freelancer tăng cao đi liền với sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp. 100% các công ty khởi nghiệp có xu hướng thuê nguồn lực bên ngoài và chỉ duy trì đội ngũ tinh anh để làm nhiệm vụ sáng tạo, điều hành. Đối với các bạn trẻ, freelancer là một lựa chọn nghề nghiệp tốt khi đem lại thu nhập đảm bảo, thời gian làm việc linh hoạt, đáp ứng sở thích, có khả năng đi làm tại nhiều địa điểm và tiếp xúc nhiều môi trường lao động. Nghề freelancer có nhiều lợi thế cho các bạn trẻ khi các bạn có thể làm việc ngay trong thời gian học ĐH. Các công việc freelancer giúp các bạn có được kết quả chứng thực từ cộng đồng doanh nghiệp. Mô hình này có tính chất đào tạo và tuyển dụng không bằng cấp.

Nghề nghiệp thường sử dụng các thiết bị công nghệ

Thu nhập tốt, trải nghiệm nghề nghiệp đa dạng

Freelancer có thể chia làm ba dạng. Dạng thứ nhất là các công việc mang tính thực thi và triển khai (ví dụ như marketing online, copywriter - viết nội dung). Dạng thứ hai là các công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao trong một ngành hẹp (ví dụ như tư vấn khởi nghiệp, phát triển phần mềm). Dạng thứ ba là sự kết hợp của hai loại hình công việc trên.

Một số nghề freelancer phổ biến ở thị trường Việt Nam hiện nay có thể kể đến như nghề viết bài - blogger freelancer, editor freelancer - biên tập nội dung, marketing freelancer - nghề tiếp thị và PR, dịch thuật, trợ lý, dạy kèm, thiết kế và các công việc liên quan đến hoạt động mỹ thuật… Những nghiên cứu thị trường freelancer Việt Nam chỉ ra rằng trừ các hoạt động liên quan đến thiết kế và mỹ thuật đem lại cho đội ngũ freelancer thu nhập từ trên 10 triệu đến 20 triệu đồng/tháng thì đa số công việc còn lại chỉ mang đến cho họ mức thù lao chạm ngưỡng năng suất lao động là 5 - 6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, đội ngũ freelancer thường có xu hướng làm từ 2 - 3 job (gói công việc), nhất là những công việc có sẵn quy trình, chỉ cần thực hiện theo một số bài bản đơn giản.

Tuy nhiên, nghề freelancer không phải là nghề “free”, tức là nghề nghiệp dành cho những người chỉ có năng lực cơ bản. Muốn dấn thân vào công việc này, đòi hỏi bạn trẻ phải nắm vững chuyên môn và có khả năng kết nối. Ví dụ như những công việc freelancer liên quan đến truyền thông không chỉ cần người trẻ biết viết lách mà còn đòi hỏi họ phải có hiểu biết về bản chất của ngành, các thủ thuật ngôn ngữ, sự vận động của thông tin… Một trong những trục trặc nghề nghiệp mà người theo đuổi nghề freelancer phải tính tới là họ có một quỹ thời gian khổng lồ và không bị hạn chế bởi bất kỳ quy định nào. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc phân bổ thời gian cho các dự án không hợp lý. Việc chạy chỉ tiêu, chạy deadline liên tục làm nảy sinh sự cẩu thả và gây ra thiệt hại cho khách hàng.

Những hỗ trợ tốt cho nghề freelancer

Hiện tại, các nền tảng hỗ trợ cho freelancer đang phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức khác nhau như: hỗ trợ kết nối khách hàng, đào tạo và chia sẻ kiến thức, mạng xã hội nghề nghiệp… Đặc biệt, các trung tâm vườn ươm như Sihub ở TPHCM, hoặc các không gian làm việc chung (co-working space) tạo cơ hội kết nối giữa startup - freelancer - quỹ đầu tư - doanh nghiệp lớn. Cuối cùng, sự phổ biến và chi phí ngày càng rẻ của thiết bị di động, các gói dịch vụ di động giúp cho freelancer làm việc với khách hàng nhanh chóng, tiện lợi hơn rất nhiều.

Nghề Freelancer tạo điều kiện thoải mái về thời gian và không gian làm việc

Các hạn chế của freelancer dần được khắc phục thông qua hình thức hội nhóm freelancer hoặc các doanh nghiệp chuyên cung ứng dịch vụ lao động ngắn hạn chuyên nghiệp. Thay vì chỉ có một vài freelancer, các bạn trẻ đứng ra thành lập doanh nghiệp và quy tụ đội ngũ freelancer trong một ngành nghề hoặc từng lĩnh vực chuyên môn. Ví dụ, có công ty chuyên cung cấp hướng dẫn viên du lịch cho các khách hàng là công ty du lịch lữ hành. Nguồn khách hàng đầu tiên và tiềm năng nhất của freelancer thường đến từ những mối quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, về lâu dài, họ phải tận dụng những mạng xã hội như LinkedIn, Facebook, Instagram, Behance,… để tìm kiếm khách hàng. Một kênh việc làm gần như vô hạn khác là các sàn giao dịch việc trực tuyến dành cho những dự án thuê ngoài. Tùy vào hình thức hoạt động của sàn mà bạn có thể là người phải đi ứng tuyển các công việc hoặc người tuyển dụng sẽ là người chọn mua dịch vụ bạn đã bày sẵn. Một số trang nổi bật có thể kể đến là Upwork, vLance, PeoplePerHour, ProZ.com,…

Một lựa chọn khác đã mang lại cho nhiều freelancer một khoản thu nhập thường xuyên là trở thành cộng tác viên cho các công ty. Khi là một cộng tác viên, bạn có thể nhận được lượng công việc khá đều đặn mỗi tháng và không cần lo lắng sẽ không tìm được việc, nhất là trong giai đoạn đầu bước chân vào thị trường freelancer.

Xu hướng freelancer sẽ tăng cao trong những năm tới từ phía cầu của các doanh nghiệp/startup và phía cung từ các bạn trẻ. Các nền tảng hỗ trợ cho freelancer ngày càng nhiều với chi phí càng rẻ. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần nhận thức rằng freelancer chỉ dành cho các cá nhân có tính chuyên nghiệp, kỹ năng, tri thức và tâm thế khởi nghiệp sáng tạo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/tre/xu-huong-phat-trien-cua-nghe-freelancer-4000886-b.html