Xu hướng 'Mua trước-thanh toán sau' lên ngôi thời COVID-19

Mua sắm trực tuyến không còn xa lạ đối với nhiều người, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội.

Kinh doanh trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

Kinh doanh trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hoạt động mua sắm trực tuyến thời gian gần đây còn được thúc đẩy bởi xu hướng “mua trước - thanh toán sau” đang ngày càng phổ biến, giúp nhiều đối tượng khách hàng được sở hữu những món đồ hoặc dịch vụ như mong muốn mà không phải thanh toán hoàn toàn ngay lập tức.

Lướt web mua sắm trong thời gian nước Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa, Jessica Friend nhận thấy một chiếc kính râm hiệu Ray-Ban mà cô rất thích, nhưng giá của nó khiến cô gái 30 tuổi tới từ bang Ohio phải cân nhắc kỹ.

Điều đã thuyết phục cô nhấp chuột vào ô “đặt mua” chính là khoản tín dụng ngắn hạn được cung cấp bởi Afterpay, giúp chia khoản thanh toán 260 USD cho chiếc kính thành bốn lần với lãi suất 0%.
Afterpay là một trong số ít các công ty công nghệ tài chính chuyên cung cấp các khoản vay nhỏ trả góp, chủ yếu dành cho những người mua hàng trực tuyến và thu lời nhờ mức hoa hồng 4-6% từ đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Các công ty cho vay trả góp (BNPL) dạng này tại nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, đang hưởng lợi bởi xu hướng mua sắm trực tuyến tăng cao thời COVID-19. Bên cạnh đó, các gói cứu trợ của chính phủ nhằm kích thích nhu cầu chi tiêu giữa cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng góp phần thúc đẩy doanh số bán lẻ.
Một số nhà đầu tư dự đoán người mua sắm sẽ hạn chế tới các cửa hàng truyền thống do số ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại ở một số quốc gia trên thế giới, và điều này giúp các công ty BNPL “ăn nên làm ra”.
Nhà phân tích Andrew Mitchell từ Ophir Asset Management, công ty sở hữu cổ phần của Afterpay, nhận định làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai sẽ khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Trong 4 năm qua, giá trị thị trường của Afterpay đã tăng từ trên 100 triệu USD lên 12,55 tỷ USD.
Trong thời gian đại dịch bùng phát, hoạt động mua sắm trực tuyến tại Mỹ càng phát triển mạnh mẽ và nhiều người đã chọn cách thanh toán trả góp thay vì thanh toán toàn bộ. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2020, Afterpay có hơn 1 triệu khách hàng mới ở Mỹ, nâng tổng số khách hàng của công ty công nghệ tài chính Australia này tại “xứ cờ hoa” lên 9 triệu.
Mặt khác, các nhà bán lẻ cũng mong muốn đẩy hàng nhanh nên họ dễ dàng chấp nhận thiết lập quan hệ đối tác với các công ty BNPL. Klarna - công ty khởi nghiệp về mảng công nghệ tài chính lớn nhất châu Âu - cho biết kể từ tháng 3/2020, các đề nghị hợp tác với công ty Thụy Điển này từ những nhà bán lẻ đã tăng trung bình 20% trên toàn cầu.

Chuyên gia Puneet Dikshit từ công ty tư vấn quản lý McKinsey dự đoán lĩnh vực BNPL tại Mỹ sẽ thu về 7-8 tỷ USD trong năm nay, tăng 150% so với năm ngoái.
Mặc dù lo ngại về tổn thất tín dụng do tác động bởi dịch COVID-19 đã gây ra một đợt bán tháo cố phiếu trong lĩnh vực tài chính vào tháng 3/2020, nhưng sự tham gia của các nhà đầu tư công nghệ lớn và lượng người sử dụng tăng đã hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực BNPL.
Tuy nhiên, việc người dân đua nhau mua hàng trả góp cũng có thể làm gia tăng các khoản nợ xấu. Trong đó, khả năng vỡ nợ cao thuộc nhóm những người lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ.

Giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp và các gói viện trợ của chính phủ đang dần thu hẹp, mô hình kinh doanh BNPL sẽ phải học cách ứng phó trong một cuộc suy thoái thực sự. Hầu hết các công ty này phải siết chặt cơ chế phòng ngừa rủi ro, bao gồm việc tạo thêm các điều kiện từ chối cho vay.
Mặc dù một số nhà môi giới dự báo Afterpay sẽ có lãi vào năm 2022 nhưng việc tăng chi phí dự phòng rủi ro đang ăn mòn lợi nhuận của công ty. Điều này nghĩa là họ có biên lợi nhuận mỏng và có thể vẫn sẽ chưa có lãi trong một thời gian. Công ty hiện đã thay đổi chính sách, yêu cầu khách hàng phải trả trước một phần tư số tiền vay.
Các công ty tài chính, giới đầu tư và cả các nhà phân tích đều đồng ý rằng, những người trẻ tuổi đang là động lực chính của xu hướng cho vay trả góp. Đó là những người dưới 35 tuổi, có thu nhập dưới 75.000 USD mỗi năm. Tuy nhiên, điều này khiến các công ty khó đánh giá rủi ro hơn bởi thiếu lịch sử tín dụng. Hầu hết các công ty phải sử dụng thuật toán để kiểm tra điều kiện cho vay và đánh giá rủi ro vỡ nợ đối với những khách hàng trẻ tuổi./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-mua-truoc-thanh-toan-sau-len-ngoi-thoi-covid-19/162800.html