Xu hướng môi trường tại Châu Á- Thái Bình Dương và một số định hướng chính sách trong thời gian tới

Tại Châu Á- Thái Bình Dương, sự tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa trong khu vực thời gian qua đã đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói cũng như cải thiện các dịch vụ thiết yếu của con người. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự suy thoái môi trường trong khu vực đang ngày càng gia tăng và có những tác động tiêu cực đến cuộc sống con người. Hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ngầm, chất thải vi nhựa và nhựa biển hiện đang là những vấn đề mới nổi, có thể đảo ngược những tiến bộ gần đây của khu vực. Bài viết phân tích diễn biến và xu hướng một số vấn đề môi trường chính tại Châu Á- Thái Bình Dương và những định hướng chính sách khu vực trong thời gian tới.Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng: Tiếp tục mất rừng và suy thoái đất: Hệ sinh thái và đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm: Suy giảm tài nguyên nước ngọt: Chất thải ngày càng gia tăng: Phát triển nền kinh tế không carbon và cải thiện hiệu quả tài nguyên để chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh toàn diện: Xây dựng khả năng thích ứng với các mối nguy tự nhiên và các hiện tượng thời tiết cực đoan: Đáp ứng các rủi ro sức khỏe môi trường: Tăng cường quản trị môi trường: Tăng cường hợp tác quốc tế / khu vực về khí hậu, chất lượng không khí và các vấn đề môi trường khác:

Các áp lực đối với môi trường

Những nguyên nhân áp lực chính tới môi trường trong khu vực hiện nay chủ yếu là các vấn đề gia tăng dân số và đô thị hóa, gia tăng nhu cầu về sử dụng tài nguyên và ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.

Gia tăng dân số và đô thị hóa: Trong vài thập kỷ qua, khu vực này đã chứng kiến sự gia tăng dân số nhanh chóng. Dân số trung bình của khu vực năm 2014 là 4,367 tỷ người và dự kiến đến năm năm 2050, dân số sẽ tăng lên 5,08 tỷ (UNESCAP, 2014). Trong khi đó, quá trình đô thị hóa cũng đang gây áp lực không nhỏ. Ước tính mỗi ngày có khoảng 120.000 người di cư đến các thành phố ở Châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ người sống ở các khu vực thành thị có khả năng tăng lên khoảng 3,3 tỷ người, chiếm 63% dân số đến năm 2050 (UNDESA 2015).

Mật độ dân số các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương năm 2015. Nguồn: Báo cáo toàn cảnh môi trường khu vực Châu Á- Thái Bình Dương GEO6

Gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên: Tiêu thụ vật liệu của khu vực đã tăng mạnh trong bốn thập kỷ qua, chiếm hơn 50% tiêu thụ thế giới trong khi năng suất vật liệu chưa được cải thiện và gấp đôi mức trung bình của thế giới. Việc sử dụng nguyên liệu trong khu vực tăng từ 26,3 tỷ tấn năm 2005 lên 46,4 tỷ tấn vào năm 2015, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,1%, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số. (CSIRO 2015; UNEP 2015). Sử dụng năng lượng trung bình tăng 5,7%/năm, trong khi đó, việc cung cấp năng lượng tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch (UNEP 2015). Năng lượng tái tạo của khu vực có bước tăng trưởng nhanh chóng do đầu tư đáng kể để phát triển cở hạ tầng, chiếm tới 40% tổng công suất lắp đặt toàn cầu. Tuy vậy, cung cấp năng lượng tái tạo vẫn chưa theo kịp nhu cầu sử dụng năng lượng. Năm 1970, một phần ba năng lượng trong khu vực đã đến từ đốt sinh khối nhưng trong năm 2015, tỷ trọng của tất cả năng lượng tái tạo đã giảm xuống chỉ còn 14% (CSIRO 2015; UNEP 2015). Liên quan đến việc sử dụng tài nguyên nước, khu vực này đã chiếm hơn 50% lượng nước tiêu thụ trên toàn thế giới. Cường độ tiêu thụ nước giảm nhanh ở các nước đang phát triển trong khu vực với mức giảm trung bình 4,4% mỗi năm ở Đông Nam Á, 3,4% ở Đông Bắc Á và 3,3% ở Nam Á so với phần còn lại của thế giới trung bình là 2,4%/năm(CSIRO 2015; UNEP 2015).

Tiêu thụ nguyên vật liệu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và toàn cầu giai đoạn 1970-2015 (triệu tấn). Nguồn: CRIRO 2015, UNEP 2015

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan: Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều thảm họa tự nhiên được báo cáo nhất hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới, khoảng 41% tất cả các thảm họa thiên nhiên được báo cáo trong hai thập kỷ qua đã xảy ra tại khu vực này (UNESCAP 2014, 2015) và 1.625 thảm họa đã được báo cáo trong khu vực trong thời gian 2005–2014 (UNESCAP 2015). Trong năm 2015, Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới, 160 thảm họa đã được báo cáo trong khu vực, chiếm 47% trong tổng số 344 thảm họa trên thế giới (UNESCAP 2016). Năm 2014, ước tính số người trung bình bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm tăng từ 30 triệu lên 64 triệu người và dân số sống trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão từ 72 đến 121 triệu trong giai đoạn 1970 đến 2010. Các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu được dự báo sẽ xảy ra ở Thái Bình Dương, Nam và Đông Nam Á, tập trung vào các quốc đảo và các quốc gia ven biển.

Những xu hướng vấn đề môi trường chính

Hiện nay, nồng độ các loại khí nhà kính như các bon dioxit, methan và khí ozone ở tầng thấp trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng. Phát thải các bon dioxit tăng tại các nước dẫn đầu phát thải các bon trong khu vực chiếm 61% tổng phát thải các bon toàn cầu, trong đó Trung quốc chiếm 30% và Ấn độ là 6,5%.

Khu vực Châu Á cũng được xác định là nơi đóng góp tới gần một nửa lượng ô nhiễm khí thủy ngân trong bầu khí quyển. Các loại chất hữu có khó phân hủy (POPs) sinh ra từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng là vấn đề nghiêm trọng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Gần đây, Châu Á còn là khu vực sử dụng amiang lớn nhất, chiếm khoảng 2/3 tổng lượng tiêu thụ amiang toàn cầu, tương đượng 1 triệu tấn/năm. Bụi không khí (PM10) cũng là vấn đề nghiêm trọng tại các đô thị của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, 97/117 thành phố của Châu Á có nồng độ PM10 bằng hoặc cao hơn mức 100 µg/m3 (tiêu chuẩn chất lượng không khí của WHO là 20 µg/m3).

Ngoài ra, ô nhiễm khói mù xuyên biên giới do đốt sinh khối ngoài trời, cháy rừng và thực hành sử dụng đất không đúng cách cũng đang trở thành vấn đề lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí ở khu vực Đông Nam Á.

Tài nguyên đất tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi nạn phá rừng, khai thác quá mức và chuyển đổi rừng sang các mục đích khác. Trong đó, ô nhiễm đất, xói mòn và xâm nhập mặn là vấn đề cần được quan tâm khẩn cấp trong khu vực.

Xói mòn đất hiện đang phổ biến ở Ấn Độ và phía bắc Trung Quốc (FAO 2015). Các khu vực quan trọng ở Bắc và Trung Á (211,7 triệu ha), Nam Á (84,1 triệu ha) và Đông Nam Á (20 triệu ha) bị ảnh hưởng bởi muối và 10 triệu ha bị ảnh hưởng bởi sự nén chặt đất. Tại Ấn Độ, 11 triệu ha được ước tính bị ảnh hưởng bởi xói mòn gió, 6,98 triệu ha do độ chua của đất và 6,7 triệu ha bị ảnh hưởng bởi muối. Gần 20 triệu ha bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm kim loại nặng ở Trung Quốc (FAO và ITPS 2015) và diện tích đất ô nhiễm có thể tăng do hoạt động kinh tế ngày càng tăng trong khu vực.

Ngoài ra, vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy mô lớn đã dẫn tới tác những tác động xã hội đáng kể. Chuyển đổi đất thường dẫn đến nạn phá rừng vĩnh viễn, sự suy giảm độ phì nhiêu của đất và xói lở tăng nhanh (Van Vliet et al. 2012), và các sinh kế liên quan đến đất đai (Lindenmayer et al. 2012). Theo Visconti et al. (2015) một số loài trên bán đảo Malaysia và khu vực Đông Nam Á có nguy cơ bị tuyệt chủng cao vào năm 2050 do ảnh hưởng của các thay đổi sử dụng đất như chuyển đổi sang trồng rừng và khai thác rừng tự nhiên. Mặt khác, sa mạc hóa cũng là vấn đề đáng quan tâm trong khu vực. Trong số 2 tỷ ha đất khô hạn ở châu Á, hiện có hơn một nửa bị ảnh hưởng bởi sa mạc hóa.

Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương có tới 13/35 điểm có tầm quan trọng đặc biệt về đa dạng sinh học toàn cầu. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của hệ sinh thái và đa dạng sinh học đang bị đe dọa khắp toàn khu vực. Đây còn là nơi có số lượng các loài bị đe dọa lớn nhất thế giới. Năm 2015, 4.071 loài thực vật và 5 250 loài động vật có xương sống được phân loại là loài bị đe dọa, trong đó Indonesia đứng đầu danh sách với 186 loài. Ngoài ra, các loài thực vật bị đe dọa ở Châu Á-Thái Bình Dương cũng đã tăng lên từ 3.466 năm 2006 đến 4.114 năm 2015 tương đương 18% (IUCN 2015).

Ngoài ra, các loài ngoại lai xâm hại cũng đang là vấn đề lớn đối với các quốc đảo. Ba phần tư số loài chim bị đe dọa của khu vực đang gặp nguy hiểm do các loài ngoại lai xâm hại từ các chương trình nhập nội các loài ăn thịt như chuột, mèo, cầy và chó hoang.

Về hệ sinh vật biển, hiện các hoạt động khai thác của con người, kết hợp với các tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự bền vững của các tài nguyên biển và ven biển trong khu vực. Hiện nay, khoảng 60% diện tích rừng ngập tại khu vực đã bị tàn phá và khoảng 80% các rặng san hô bị đe dọa bởi đánh bắt quá mức, các hoạt động đánh bắt phá hoại và bồi lắng từ các hoạt động trên đất liền.

Có thể nói, việc suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên và loài đang có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế sống của một bộ phận lớn người dân nông thôn trong khu vực. Đặc biệt là những người dân nghèo sống gần rừng của các nước có diện tích rừng lớn như Ấn Độ, Lào và những người dân sống ở hạ nguồn sông Mê Kong.

Hiện nay, nước khan hiếm và chất lượng nước kém là vấn đề phổ biến trong toàn khu vực, đặc biệt là Đông Bắc và Nam Á. Trong khu vực, nông nghiệp là ngành sử dụng nước nhiều nhất, chiếm khoảng 90% tổng lượng nước được sử dụng. Các quốc gia như Băng La Đét, Trung Quốc, Ấn độ, Nepan và Pakistan sử dụng gần nửa lượng nước mặt trên toàn thế giới và dẫn tới việc sụt giảm mức nước mặt tại các khu vực như Bắc Ấn, Pakistan và Bắc Trung Quốc (ADB, 2013b).

Về chất lượng nước, các chất gây ô nhiễm nước chủ yếu trong khu vực là các chất hữu cơ (Nitơ và Photpho), muối, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp. Việc xử lý nước thải sinh hoạt thấp dẫn đến phì dưỡng nitrogen các nguồn nước mặt tại các đô thị như Băng Cốc, Jakarta, Manila…Việc lạm dụng các hóa chất nông nghiệp như phân bón cũng là nguyên nhân phổ biến gây ô nhiễm nước tại Trung Quốc, Ấn Độ, Philipin và Thái Lan.

Ngoài ra, vấn đề mới nổi lên hiện nay là sự ô nhiễm nước ngầm từ các dược phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, vật liệu nano và organochlorides. Kết quả phân tích các loài hai mảnh vỏ tại các vùng ven biển của khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipin và Việt Nam (Nakata et al. 2012; Ramu et al. 2007) còn thấy sự xuất hiện phổ biển của các hương liệu tổng hợp và chất ổn định tia cực tím benzotriazole (BUVSs) cũng như diphenyl polybrominated ethers (PBDEs) và organochlorines (OCs). Ngoài ra, trong nước thải và bùn thải cũng thấy sự hiện diện của các vật liệu nano. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm các loại vật liệu này ở Châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa được ghi nhận.

Tổng lượng chất thải phát sinh đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. Phát sinh chất thải rắn đô thị trong khu vực chiếm 43% tổng lượng chất thải rắn thế giới trong năm 2014 và khối lượng chất thải rắn đô thị dự kiến sẽ tăng từ 870 triệu tấn năm 2014 lên 1,4 tỷ tấn vào năm 2030 trong khu vực. Các dòng chất thải mới và phức tạp như chất thải điện tử, chất thải thực phẩm, chất thải xây dựng/phá dỡ, chất thải thiên tai và rác thải biển đang nổi lên. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, ba trong số năm nước phát sinh chất thải điện tử hàng đầu trên thế giới (cùng với Mỹ và Đức), với khối lượng lần lượt là 6 triệu tấn, 2,2 triệu tấn và 1,7 triệu tấn năm 2014.

Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng của rác biển, trong đó, các loại chất thải vi nhựa hiện là mối quan tâm lớn của khu vực (GESAMP 2015). Thực tế, hầu hết các chất thải được tìm thấy trong các đại dương đến từ các nguồn trên đất liền. Trong đó, nguồn chất thải nhựa biển hàng đầu ở Châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Sri Lanka (Jambeck et al. 2015).

Những định hướng chính sách

Để giải quyết các thách thức môi trường trong khu vực, hiện tại, các nước Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang có nhiều nỗ lực để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cũng như lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong các chính sách, kế hoạch, chiến lược quốc gia và thiết lập các mục tiêu liên quan đến quốc gia có tính đến bối cảnh và khả năng thực tế của quốc gia. Qua đó, có thể thúc đẩy khu vực vquản lý tài nguyên và bảo tồn hệ sinh thái một cách tổng hợp và toàn diện hơn. Đến nay, đã có 39/41 quốc gia trong khu vực đã đệ trình báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDCs) tới UNFCCC trước Hội nghị Paris; 13 quốc gia đã đệ trình các báo cáo quốc gia tự nguyện (VNR) về SDGs lên Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững trong năm 2016 và 2017; 7 quốc gia khác sẽ tình nguyện gửi báo cáo cho Diễn đàn vào năm 2018. Hơn nữa, với sự gia tăng và đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mới dự kiến trong 2-3 thập kỷ tiếp theo sẽ có những lạc quan trong khu vực rằng các quốc gia có thể vươn tới các giải pháp thông minh hơn để phát triển cho sự thịnh vượng lâu dài. Cụ thể một số định hướng chính sách trong khu vực trong thời gian tới như sau:

Chỉ số phát triển con người (HDI) các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế không cacbon gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng, thành phố và giao thông vận tải. Những lĩnh vực này có tiềm năng lớn để đạt được hiệu suất năng lượng thông qua quản lý nhu cầu năng lượng kết hợp với các chính sách và công cụ kinh tế. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi phải có các quy định quản lý ổn định phù hợp với tầm nhìn dài hạn đối với các hệ thống năng lượng để có được lòng tin của các nhà đầu tư. Các lĩnh vực cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông vận tải đòi hỏi các chính sách carbon thấp, các công cụ dựa trên thị trường và các giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt môi trường. Nhìn chung, các chiến lược cacbon thấp sẽ tạo ra sự đổi mới công nghệ, phát triển kinh doanh và tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế xã hội rộng lớn hơn.

Mặt khác, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ hạn chế nhu cầu sử dụng tài nguyên cùng với các công cụ chính sách hiện có sẽ thúc đẩy mô hình này. Theo đó, thuế và các công cụ dựa trên thị trường sẽ làm thay đổi thói quen người tiêu dùng và thúc đẩy đầu tư xanh và đổi mới là rất cần thiết. Các chính phủ có thể đầu tư vào việc kích thích cải tổ xanh các ngành kinh tế mũi nhọn và hạn chế chi tiêu ở các khu vực làm suy yếu nguồn vốn tự nhiên.

Hệ sinh thái và đa dạng sinh học phong phú của khu vực đã cung cấp thực phẩm, dinh dưỡng, nước, không khí sạch và nguyên vật liệu cho con người. Để đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái đòi hỏi các chính phủ phải tính đến vốn tự nhiên trong hệ thống tài khoản quốc gia và kết hợp các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái trong việc ra quyết sách và hoạch định chính sách. Các cơ chế dựa trên thị trường như thuế ô nhiễm và sử dụng tài nguyên không tái tạo là những công cụ hiệu quả để giảm thiểu áp lực về vốn tự nhiên. Các chính sách quy định bao gồm phân vùng, thành lập các khu bảo tồn và đánh giá tác động môi trường (EIA). Các chính phủ cũng cần đầu tư vào bảo tồn và khôi phục vốn tự nhiên bị suy thoái. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo vệ và quản lý môi trường sống tự nhiên và các khu vực được bảo vệ là một trong những công cụ hiệu quả để bảo vệ nguồn tài nguyên ở nhiều quốc gia.

Đây là khu vực có thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, gây ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân, an ninh sinh kế và bảo vệ hệ sinh thái. Một trong những ưu tiên hiện nay là cần phải tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng năng lực trong quản lý và khắc phục thiên tai. Ngoài ra, các biện pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái bao gồm sinh kế thay thế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo vệ đất, điều tiết nước…..và các chiến lược thích ứng trong đó nhấn mạnh việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào kế hoạch quốc gia sẽ đem lại nhiều lợi ích phát triển.

Việc xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn chất lượng không khí, thực hiện Nghị định thư về an toàn sinh học Cartagena, các chính sách liên quan đến khí hậu và thiên tai, quản lý tích hợp… là những đáp ứng chính sách quan trọng đối với khu vực hiện nay. Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm hiện nay đòi hỏi cả cách tiếp cận quản lý và kinh tế để thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bền vững.

Hiện nay, cơ chế chính sách môi trường vẫn còn thiếu ở nhiều quốc gia trong khu vực, trong khi việc thực thi phát luật vẫn còn yếu, đặc biệt là sự không tuân thủ trong các Hiệp định môi trường đa phương (MEAs). Vì vậy, nhiệm vụ và năng lực của các tổ chức quốc gia cũng cần được đánh giá và cải thiện để có thể thực hiện tốt các nghĩa vụ hiện tại và trong tương lai cũng như đáp ứng yêu cầu của các mục tiêu phát triển bền vững SDGs là kêu gọi các chính phủ thực hiện các hành động môi trường mạnh mẽ và quyết đoán. Ngoài ra, việc thực hiện SDGs đòi hỏi phải có đối thoại về khoa học-chính sách mạnh mẽ, đánh giá và giám sát môi trường hiệu quả, và hỗ trợ tài chính và công nghệ. Các chính phủ cũng có thể thúc đẩy xã hội dân sự và sự tham gia của cộng đồng trong việc đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường.

Trước hết ưu tiên hàng đầu là việc thực thi Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới và các ưu tiên hợp tác khu vực khác như quản lý thiên tai, quản lý rác thải điện tử và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Ngoài ra, việc thực hiện SDGs cũng sẽ đòi hỏi cơ chế hợp tác quốc tế để hỗ trợ và chia sẻ kiến thức, chuyển giao công nghệ và tài chính.

TS. Hoàng Hồng Hạnh, Ths. Dương Thị Phương Anh, Ths. Nguyễn Ngọc Tú, Ths.Vũ Thị Thanh Nga (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường)

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/xu-huong-moi-truong-tai-chau-a-thai-binh-duong-va-mot-so-dinh-huong-chinh-sach-trong-thoi-gian-toi-1255837.html