Xu hướng lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Báo 'Văn Hối' (Hong Kong) dẫn công bố mới nhất của tập đoàn chuyên về bảo hiểm tín dụng của Pháp Coface cho rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại không ngừng gia tăng đang tác động đến nhiều nền kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN phát

Coface ước tính rằng cứ mỗi 1% thuế nhập khẩu mà Mỹ tăng, giá trị xuất khẩu trung bình của các đối tác thương mại bị Mỹ áp thuế sẽ giảm 0,5%, trong khi ngành vận tải và cơ giới bị ảnh hưởng đặc biệt, dự kiến sẽ lần lượt giảm 4,4% và 3,7%.

Theo báo cáo trên, thuế nhập khẩu của Mỹ đã tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2018 và đã tăng gấp đôi kể từ năm 2009. Tác động gián tiếp của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu là xuất khẩu vào Mỹ của các đối tác thương mại bị áp thuế cũng sẽ sụt giảm. Các mức thuế này chỉ chiếm 1/6 các biện pháp bảo hộ thương mại được thực hiện trên phạm vi toàn cầu.

Coface cho biết số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại thực hiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Canada, Australia và một số ít quốc gia mới nổi lớn như Brazil, Argentina và Ấn Độ, tỷ trọng nhập khẩu chịu ảnh hưởng tiêu cực do các biện pháp bảo hộ thương mại cao hơn định mức nhập khẩu được hưởng lợi từ các biện pháp có lợi.

Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Campuchia), Nga và một số nước Mỹ Latinh (Mexico, Colombia và Peru) không bị liệt vào các nước bị ảnh hưởng mức độ như trên.

Trong các biện pháp bảo hộ thương mại, việc tăng thuế nhập khẩu có thể nói lần đầu tiên chịu gánh nặng. Mặc dù so sánh với các biện pháp khác, thuế quan không nhất thiết phải sử dụng nhiều nhất, nhưng tỷ trọng đã tăng gấp đôi trong 9 năm, và đến tháng Chín năm nay, đã chiếm 16% trong tổng số các biện pháp, so với mức 8% của năm 2009.

Báo cáo cho rằng không nằm ngoài dự báo, từ năm 2016 đến 2018, thuế nhập khẩu của Mỹ đã tăng mạnh, từ 5,4% đến 12,5%. Giai đoạn này phản ánh bước ngoặt trong chính sách thương mại của Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Bên cạnh đó, cùng với số lượng các hiệp định thương mại khu vực tăng lên, việc giảm các rào cản thương mại hiện là biện pháp phổ biến nhất để khuyến khích hình thành mạng lưới thương mại tự do và chuỗi công nghiệp xuyên quốc gia.

Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại được thúc đẩy bởi sự tăng thuế của Mỹ gần đây làm dấy lên lo ngại rằng nhiều quốc gia tham gia chuỗi công nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của nó. Ngoài tác động trực tiếp, Coface cho rằng việc tăng thuế cũng sẽ tác động tiêu cực gián tiếp đến xuất khẩu giá trị gia tăng của 12 ngành công nghiệp của 63 quốc gia.

Đối với bất kỳ quốc gia nào, cứ tăng mỗi 1% thuế nhập khẩu của Mỹ, giá trị xuất khẩu giá trị gia tăng của các đối tác thương mại thuộc các nước bị Mỹ áp thuế sẽ giảm 0,46%. Nếu ước tính chỉ giới hạn trong ngành công nghiệp chế tạo, mức giảm sẽ là 0,6%.

Julien Marcilly - chuyên gia và là nhà kinh tế trưởng của Coface, cho rằng tác động gián tiếp từ thuế quan của Mỹ đối với thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của các đối tác thương mại chịu áp thuế là rất đáng kể, mặc dù sẽ thấp hơn tác động trực tiếp.

Đây là lý do một số đối tác thương mại đã chuyển hướng xuất khẩu sang các nước xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Điều này sẽ giúp các nước này giảm thiểu tác động từ hiệu ứng lan truyền do xuất khẩu sản phẩm trung gian tạo ra.

Báo cáo của Coface chỉ rõ, đối với ngành vận tải (bao gồm cả ngành công nghiệp ô tô), tác động gián tiếp nói trên sẽ rất phổ biến bởi vì ngành này liên quan đến hoạt động của chuỗi công nghiệp đa quốc gia phức tạp.

Nếu Mỹ tăng thuế 1% đối với ngành vận tải của một quốc gia nào đó sẽ khiến bình quân xuất khẩu theo hướng giá trị gia tăng của các đối tác thương mại liên quan quốc gia đó giảm 4,4%. Ví dụ, Đức, Nhật Bản và Mỹ là 3 nước chịu ảnh hưởng gián tiếp lớn nhất bởi hàng rào thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu ô tô của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp cơ giới, khai thác mỏ và sản xuất giấy cũng sẽ bị ảnh hưởng, lần lượt giảm 3,1%, 3,1% và 2,4%. Đối với ngành công nghiệp điện tử (giảm 1,4%), Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản,Vùng lãnh thổ Đài Loan và Thái Lan sẽ là nạn nhân lớn nhất chịu tác động gián tiếp bởi thuế xuất khẩu điện thoại di động từ Trung Quốc đại lục. Ngược lại, đối với ngành công nghiệp thực phẩm, tác động gián tiếp này tương đối nhỏ, trong khi các ngành công nghiệp kim loại, hóa chất và nông sản còn ít chịu ảnh hưởng hơn nữa./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/xu-huong-lan-rong-cua-chu-nghia-bao-ho-thuong-mai/100129.html