Xu hướng 'hoài cổ' trong cách quay phim hiện đại

Sự phát triển của công nghệ đã tạo nên nhiều thay đổi trong cách làm phim. Những công nghệ hiện đại như CGI, AI, 3D hay IMAX được các nhà làm phim chuộng sử dụng vì độ phân giải cao, hình ảnh sống động. Thế nhưng, những năm gần đây các nhà làm phim thường sử dụng phim khổ lớn 70mm. Sự hoài cổ này cũng có nguyên nhân.

Phim khổ lớn 70mm xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, được cho là thuở sơ khai của điện ảnh đương đại, trước khi phim khổ 35mm ra đời và trở thành định dạng tiêu chuẩn như bây giờ. Những năm 1950 là thời kỳ hoàng kim của phim nhựa khổ 70mm, khi hàng loạt tác phẩm kinh điển ra đời: “Ben-Hur”, “Lawrence of Arabia”, “The Sound of music”, “A Space Odyssey”… Dù nhà chuyên môn cho rằng phim khổ lớn 70mm có độ phân giải cao, tạo hình ảnh sắc nét như thật; nhưng thời kỳ đỉnh cao của nó chỉ khoảng 20 năm. Kể từ những năm 1970 trở đi, khổ phim này không còn được ưa chuộng vì chi phí sản xuất và trình chiếu tốn kém, với những chiếc máy quay cồng kềnh. Thay vào đó, các nhà làm phim có định dạng phim chuẩn khổ 35mm. Sang thế kỷ XXI, định dạng kỹ thuật số ra đời và phát triển, lấn át phim nhựa, phim khổ 70mm gần như bị lãng quên.

Cảnh trong phim “Midsommar” (2019).

Cảnh trong phim “Midsommar” (2019).

Có lẽ, phim khổ 70mm sẽ chỉ còn trong hoài niệm, đến khi đạo diễn Paul Thomas Anderson sử dụng kỹ thuật này để quay “The Master” (2012). Những hình ảnh sống động đến nghẹt thở trong “The Master” đã lần nữa khuấy động những người hoài cổ. Trong đó, phải kể đến “đạo diễn quái kiệt” Quentin Tarantino, người đã làm “The Hateful Eight” (2015) bằng kỹ thuật này để có những thước phim đẹp động lòng người. “The Hateful Eight” đã giành rất nhiều giải thưởng: BAFTA, Lựa chọn của các nhà phê bình, Quả cầu vàng, Oscar.

Còn nhà làm phim Christopher Nolan lại tiếp cận khổ 70mm hiện đại hơn, bằng cách kết hợp cùng công nghệ IMAX (viết tắt của Image Maximum). Ông sử dụng công nghệ máy IMAX 15/70mm, chất lượng hình ảnh cao gấp ba lần phim 70mm thông thường, tạo nên “Dunkirk” (2017) đầy ấn tượng với những góc rộng, sống động đến từng chi tiết. Với “Dunkirk”, Christopher Nolan hoàn toàn sử dụng kỹ thuật phim khổ 70mm, trong đó có tới 75% bằng máy IMAX 15/70mm, mang về 3 tượng vàng Oscar cho “Dunkirk” ở các hạng mục kỹ thuật dựng phim và âm thanh.

Những chiếc máy quay IMAX 15/70mm có giá thành không rẻ nên được cho là sân chơi của những dự án kinh phí lớn. Vì vậy, một công nghệ làm phim mới ra đời: những chiếc máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn, với độ sắc nét hơn cả chuẩn phim khổ 35mm. Trong đó, phải kể đến dòng máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn Alexa 65 của ARRI. Một trong những nhà làm phim tiên phong sử dụng công nghệ mới này là Greig Fraser, cho siêu phẩm “Star Wars: Rogue One”, tác phẩm ăn khách thứ hai trong năm 2016. Greig Fraser cho rằng máy quay kỹ thuật số cảm biến lớn sẽ mang đến nhiều lợi ích và phù hợp với nhiều cách làm phim, nhất là với các dự án độc lập không có nhiều kinh phí. Greig Fraser đã sử dụng công nghệ này để quay “Mary Magdalene” (2018) - phim điện ảnh có kinh phí thấp của đạo diễn Garth Davies. Giới chuyên môn cho rằng, những chiếc máy như Panavision millenium DXL, Sony F65, Alexa 65... mang đến những cảnh quay sắc nét hơn, chi tiết hơn máy quay thông thường, nếu được sử dụng với ống kính phù hợp.

Sức hấp dẫn của máy quay cảm biến lớn khiến nhiều nhà làm phim truyền thống tiếp cận. Alfonso Cuarón - vị đạo diễn vốn trung thành với phim khổ 35mm, cũng đã bước ra khỏi vùng an toàn để sử dụng máy kỹ thuật số cảm biến 70mm. Ông đã sử dụng công nghệ này trong “Roma” (2018), mang đến cho người xem bữa tiệc thị giác đúng nghĩa đậm chất điện ảnh và giành không ít giải thưởng danh giá, trong đó có tượng vàng Oscar Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Một tác phẩm gây sốt khác cũng sử dụng công nghệ này là “Joker” (2019) của đạo diễn Todd Phillips và nhà quay phim Lawrence Sher. “Joker” đang tạo ra nhiều ngoại lệ về doanh thu lẫn giải thưởng. Ngoài ra, có thể kể đến “Midsommar” (2019) của đạo diễn Ari Aster.

Thành công của hàng loạt tác phẩm với công nghệ vừa hiện đại vừa hoài cổ đã tạo thay đổi trong cách làm phim hiện đại. Các ông lớn như Marvel cũng bắt đầu xem xét áp dụng công nghệ này trong các phim thương hiệu. Đây là xu hướng tiếp cận khán giả khá thực tế, vì chuẩn phim khổ 70mm vừa xuất hiện ở các phim bom tấn, vừa len lỏi vào dự án kinh phí thấp. Với các nhà làm phim, đây là cơ hội để mang khán giả trở lại rạp, trong cuộc chiến với các dịch vụ trực tuyến vốn còn hạn chế về hiệu ứng hình ảnh.

BẢO LAM (Theo Indiewire)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/xu-huong-hoai-co-trong-cach-quay-phim-hien-dai-a115499.html