Xu hướng đáng lo ngại: Dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu gia tăng

Cơ quan giám sát vũ khí Thụy Điển cho biết các kho vũ khí hạt nhân dự kiến sẽ tăng lên trong những năm tới, đảo ngược xu hướng suy giảm đã thấy kể từ Chiến tranh Lạnh.

Hầu hết các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều tuyên bố tăng cường kho dự trữ của họ. Ảnh: AP

Hầu hết các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều tuyên bố tăng cường kho dự trữ của họ. Ảnh: AP

Trang tin Aljazeera.com dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ tăng trong những năm tới, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, do căng thẳng toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên được công bố ngày 13/6, SIPRI cho rằng tất cả chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều đang tăng cường hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ.

Hans Kristensen, cộng sự cấp cao thuộc Chương trình Vũ khí hủy diệt Hàng loạt của SIPRI và Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS).

Theo báo cáo, Nga với 5.977 đầu đạn và Mỹ với 5.428, vẫn sở hữu khoảng 90% tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Năm 2021, số lượng đầu đạn hạt nhân của cả hai nước đều giảm, nhưng điều này chủ yếu là do việc tháo dỡ các đầu đạn mà quân đội của họ đã loại bỏ nhiều năm trước đây.

SIPRI cho biết các kho dự trữ vũ khí hạt nhân có thể sử dụng được của họ vẫn tương đối ổn định và nằm trong giới hạn do hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân đặt ra. Báo cáo nêu rõ biết hiện tổng số đầu đạn hạt nhân đã giảm nhẹ xuống còn khoảng 12.705 trên toàn thế giới, nhưng con số này có thể sẽ tăng trở lại trong thập kỷ tới.

Một xu hướng đảo ngược đáng lo ngại

Trong nhiều thập kỷ, số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới đã giảm dần đều. Hiện nó chưa bằng 1/5 số vũ khí có trong kho vũ khí của các cường quốc hạt nhân ở thời kì đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh vào những năm 1980. Tuy nhiên, SIPRI đã xác định xu hướng đảo ngược đối với vũ khí hạt nhân hiện đại hơn.

Năm cường quốc thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, bao gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ - tất cả đều là các quốc gia có vũ khí hạt nhân - vào đầu năm đã tuyên bố ý định hành động ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi nhấn mạnh rằng chiến tranh hạt nhân là không bên nào có thể thắng và không bao giờ được tiến hành”, Mỹ cho biết trong một tuyên bố chung vào đầu tháng 1/2022.

Nhưng SIPRI lưu ý rằng tất cả năm quốc gia kể từ đó đã mở rộng hoặc hiện đại hóa kho vũ khí của họ. Giám đốc SIPRI Dan Smith nói: “Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong cả kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân trong năm qua, nhưng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng dường như cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh".

Ngoài ra, các quốc gia có vũ khí hạt nhân còn lại - Ấn Độ, Israel, Triều Tiên và Pakistan - gần đây đều đã phát triển hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới, theo SIPRI, mặc dù Israel chưa bao giờ công khai thừa nhận có vũ khí hạt nhân.

SIPRI lưu ý thêm rằng Trung Quốc đang trong giai đoạn “mở rộng đáng kể” kho vũ khí hạt nhân của họ, bao gồm việc xây dựng hơn 300 hầm chứa tên lửa mới. Năm ngoái, Anh đã thông báo rằng nước này sẽ tăng số lượng trong tổng kho đầu đạn hạt nhân của mình.

Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt Hàng loạt của SIPRI, cho biết: “Tất cả các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân đều đang gia tăng hoặc nâng cấp kho vũ khí của họ và hầu hết đều đang định hình học thuyết cũng như vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược quân sự của họ. Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại".

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/xu-huong-dang-lo-ngai-du-tru-vu-khi-hat-nhan-toan-cau-gia-tang-20220613163150851.htm