Xu hướng ăn uống thay đổi ra sao sau đại dịch?

Sau đại dịch COVID-19 người dân có xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn, lành mạnh cho sức khỏe.

Xu hướng thực phẩm sạch sau đại dịch

Theo một khảo sát của Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của COVID-19 đến hành vi của người tiêu dùng, có đến 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài và tăng mua sắm các thực phẩm thiết yếu như rau củ tươi, trứng, sữa...

Bà Louise Hawley, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam, nhận định sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài cho đến hậu đại dịch. "Ngay cả sau khi đại dịch COVID-19 đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây"- vị tổng giám đốc này nhấn mạnh.

Sau dịch, người dân có xu hướng lựa chọn các sản phẩm ăn uống lành mạnh, an toàn cho sức khỏe. Ảnh: THU HÀ

Sau dịch, người dân có xu hướng lựa chọn các sản phẩm ăn uống lành mạnh, an toàn cho sức khỏe. Ảnh: THU HÀ

Là đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hoài Trang, quản lý chuỗi cửa hàng Organica cho rằng, ngay từ những đợt bùng dịch đầu tiên, xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn đã được người dân chú ý và lựa chọn mua nhiều hơn.

"Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các thực phẩm sạch, an toàn, không dư lượng và tốt cho sức khỏe. Bởi dịch bệnh chưa có thuốc chữa, chỉ có cách phòng tránh và tăng cường sức đề kháng", bà Hoài Trang nói.

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình từ bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam. Bà Nga nhìn nhận, trong 1-2 năm tới, tiêu dùng tại nhà vẫn là kênh chính. Điều này bắt nguồn từ tâm lý lo ngại dịch bệnh của người tiêu dùng dù các quy định của nhà nước đã nới lỏng, người dân vẫn ở nhà nhiều hơn trước, học tập, làm việc từ xa phổ biến.

"Do vậy, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua lương thực, thực phẩm về nhà với số lượng nhiều nên tiếp tục là cơ hội cho các loại lương thực bán dạng combo, số lượng lớn.

Thêm vào đó, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng không có nghĩa là sản phẩm rẻ sẽ bán được vì họ ngày càng quan tâm đến giá trị sản phẩm cũng như thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc, tốt cho sức khỏe. Trong lúc phải cắt giảm chi tiêu cho du lịch, giải trí, thời trang, người tiêu dùng sẽ có xu hướng "nuông chiều" bản thân hơn trong việc ăn uống", bà Nga nhận xét.

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Bruno Jousselin, Tổng giám đốc điều hành của MM Mega Market Việt Nam đã trích dẫn số liệu từ FMCG Gurus hồi tháng 7/2020, cho biết 60% người tiêu dùng khi đó bày tỏ sự quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong 12 tháng tới. Do đó họ chủ động tiếp cận các loại thực phẩm dinh dưỡng chức năng và những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên.

Điều này cũng đặt ra cơ hội và thách thức cho những nhà bán lẻ thực phẩm trong việc nhập và bán các mặt hàng thực phẩm an toàn cho sức khỏe người dân.

Hiểu đúng về thực phẩm sạch

Mặc dù vậy, dưới góc độ chuyên gia về an toàn thực phẩm, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng cụm từ "thực phẩm sạch" vẫn chưa được hiểu đúng nghĩa.

Ông Thịnh cho biết thực phẩm sạch ở đây có thể là thực phẩm mua bán từ ngoài đường ngoài chợ nhưng qua được bước kiểm soát, đảm bảo không có thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật... Cũng không phải tất cả những thực phẩm được bày bán trong cửa hàng có tên thực phẩm sạch thì đều được coi là sạch như trong suy nghĩ của người dân.

Do đó, có 3 tiêu chí được vị chuyên gia này đưa ra nhằm đánh giá thực phẩm sạch hay không. Cụ thể thực phẩm sạch phải là thực phẩm không chứa chất bẩn, chất độc hại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng như VietGap, GlobalGap, hữu cơ.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/an-sach-song-khoe/xu-huong-an-uong-thay-doi-ra-sao-sau-dai-dich-1038032.html