Xử hối lộ tình dục: Kịch khung 7 năm tù

Đối với của hối lộ là lợi ích phi vật chất thì luôn luôn thuộc trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1 Điều 354.

Bộ Luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) đã mở rộng nội hàm "của hối lộ", bổ sung "lợi ích phi vật chất" trong cấu thành của 5 tội danh: nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2018, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.

Với quy định bao hàm này (tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác và lợi ích phi vật chất) thì việc nhận hối lộ bằng tình dục, tình cảm hay một suất du học cho con… cũng đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ.

Người nhận hối lộ tình dục chỉ phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù.

Quốc hội đã thảo luận, kết luận đối với của hối lộ là lợi ích phi vật chất thì luôn luôn thuộc trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1 Điều 354 (cấu thành cơ bản, khung hình phạt từ 2 năm tù đến 7 năm tù).

Như vậy, người nhận hối lộ tình dục chỉ phải đối mặt với mức án cao nhất là 7 năm tù.

Bên cạnh đó, theo khoản 5 Điều 354, người nhận hối lộ tình dục còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Về ván đề này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong thời gian tới, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ có hướng dẫn về "lợi ích phi vật chất" vì quy định hiện nay còn khá "tù mù".

Băn khoăn

Năm 2014, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh là người đề xuất đưa nội dung "hối lộ tình dục" vào luật hình sự.

Ông Khánh lý giải: "Còn nhớ cách đây hơn chục năm, có vụ ở Phú Thọ đã dùng tình hối lộ một số vị có chức quyền để ký séc khống, sau này khi phát hành ra thì nó vượt qua hạn mức tài chính của các đơn vị rất lớn nên sự việc được đưa ra cơ quan điều tra.

Vì ngày đó chưa từng có quy định về việc hối lộ tình dục trong quy định của luật pháp Việt Nam, chưa có quy định về việc dùng tình dục làm món quà hối lộ nên hồi đó, cơ quan chức năng chỉ xử về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, chứ đúng ra, vụ đó phải xử về tội hối lộ.

Bên cạnh đó, chắc chắn còn nhiều sự việc nữa, nhưng vì luật pháp chưa quy định nên không công khai ra thôi.

Ở các nước trên thế giới, luật pháp rất rạch ròi giữa quà biếu và hối lộ, cả về mặt giá trị và hình thức. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có sự rạch ròi đó. Bởi vậy mà theo tôi, trong thời gian tới, những điều này cần phải được nghiên cứu đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi".

Trước đề xuất trên, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Quốc Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, đây là một điểm rất mới trong Luật Hình sự của Việt Nam.

Đó cũng là việc thực hiện Công ước về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên nêu rõ, hối lộ bây giờ không chỉ có tiền bạc mà còn hối lộ bằng thứ phi vật chất "chân ngắn, chân dài".

"Đưa tội nhận hối lộ bằng "chân dài" vào Luật Hình sự để xử lý là cần thiết. Tuy nhiên, khi xử lý hơi "vướng" vì khi nói đến hối lộ thì người ta thường nói giá trị là bao nhiêu tiền trở lên thì mức hình phạt là bao nhiêu.

Còn trường hợp hối lộ "chân ngắn, chân dài" như thế thì không biết định giá bao nhiêu?. Nếu về mặt xét xử, của hối lộ phi vật chất bằng "chân ngắn, chân dài" hơi phức tạp khi tính toán để tăng nặng hình phạt", ông Việt băn khoăn.

Bảo Ngọc

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/xu-hoi-lo-tinh-duc-kich-khung-7-nam-tu-3348937/