Xử điểm nghẽn bằng công nghệ thông minh

Khi xây dựng thành phố thông minh, TP HCM sẽ áp dụng công nghệ thông minh để giải quyết những vấn đề còn gây bức xúc, những điểm nghẽn ngập nước, kẹt xe…

Chiều 16-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì hội nghị trực tuyến quán triệt các kế hoạch triển khai đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cho biết một kho dữ liệu dùng chung cùng 3 trung tâm nghiên cứu, mô phỏng và điều hành sẽ được hình thành, giúp TP HCM trở thành một đô thị thông minh.

Đồng loạt triển khai

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT, việc xây dựng kho dữ liệu, các đơn vị đang xây dựng quy chế và sẽ thực hiện trong quý III. Từ nay tới năm 2020 sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền tảng, phát triển kho dữ liệu và triển khai thí điểm hệ sinh thái mở.

Theo ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP, với Trung tâm Nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP, trong năm 2018, đơn vị này sẽ rà soát, tham mưu địa điểm và xây dựng bộ máy, quy chế hoạt động... Riêng việc tổ chức hội nghị, hợp tác khoa học; đấu thầu mua thiết bị, phần mềm hoặc thuê dịch vụ... sẽ thực hiện từ nay tới năm 2025.

Đối với việc xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết trong quý II/2018 sẽ tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư thực hiện. Đồng thời, các đơn vị sẽ xây dựng mô hình, kiến trúc tổng thể, đề xuất địa điểm thành lập trung tâm này. Nơi thí điểm triển khai trung tâm sẽ thực hiện tại quận 1, 12 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Riêng giai đoạn 2019-2020, triển khai thực hiện mô hình, kiến trúc tổng thể và xây dựng quy chế vận hành của trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, các đơn vị đang xây dựng kế hoạch, đề án chi tiết và quy chế vận hành của trung tâm an toàn thông tin. Đến năm 2020, nhiều nội dung sẽ thực hiện xong như giám sát các điểm kết nối, hệ thống tự động hóa, điều khiển cơ sở hạ tầng trọng yếu...

Hệ thống giám sát tình hình giao thông đang thực hiện tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn

Hệ thống giám sát tình hình giao thông đang thực hiện tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn

Tránh mỗi nơi mỗi kiểu

Quận 1 và 12 là 2 đơn vị được TP giao thí điểm xây dựng đô thị thông minh. Tại hội nghị, đại diện UBND quận 1 cho biết hiện quận đã triển khai tích hợp 8 hệ thống đô thị thông minh, liên quan đến nhiều lĩnh vực về giao thông đô thị, y tế, giáo dục, du lịch... Đại diện UBND quận 1 cho rằng cần thành lập các tổ chuyên gia, phối hợp cùng quận để đưa ra các phương án khả thi nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ. Theo ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, quận này cũng đang ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông minh trong quản lý và điều hành; trong đó, thực hiện khá hiệu quả khả năng tương tác giữa chính quyền và người dân qua mạng xã hội để nắm bắt nhanh các yêu cầu thực tế.

Trước những vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện phải chủ động chuẩn bị và tính toán lộ trình để khi TP triển khai sẽ kết nối đồng bộ. "Các đơn vị phải rà soát những vấn đề còn gây bức xúc, những điểm nghẽn của địa phương để có phương án xử lý. Nhiều vấn đề như kẹt xe, ngập nước... chưa giải quyết bằng các giải pháp truyền thống thì phải áp dụng công nghệ thông minh" - ông Tuyến nhấn mạnh.

Ông Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu trong quá trình triển khai, không được phát sinh biên chế và làm tăng bộ máy quản lý nhà nước; các đơn vị phải tìm hiểu kinh nghiệm lẫn nhau để nhân rộng và đồng bộ các mô hình mới, tránh tình trạng mỗi quận, huyện làm một kiểu. Ông Tuyến chỉ đạo các đơn vị mà chủ chốt là Sở TT-TT phải có đánh giá, bổ sung kế hoạch, mô hình khả thi nhằm nhân rộng, áp dụng đồng bộ ở cả 24 quận, huyện trên địa bàn TP.

Năm 2020 sẽ có trung tâm điều hành giao thông thông minh

Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, TP HCM hiện đã xác định rõ lộ trình phát triển và đang xây dựng mô hình trung tâm điều hành giao thông thông minh. Đến năm 2020, TP sẽ cơ bản hoàn thành trung tâm giám sát và điều khiển giao thông, trên cơ sở tận dụng hệ thống hạ tầng hiện hữu và áp dụng các giải pháp thông minh. Trung tâm này sẽ giúp kiểm soát giao thông trên các tuyến đường chính, nút giao thông ở khu vực trung tâm. Giai đoạn sau năm 2020, TP HCM sẽ nhân rộng toàn TP, đồng thời nâng cấp hệ thống giúp xử lý vi phạm, quản lý nhu cầu giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng...

Bài và ảnh: GIA MINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/xu-diem-nghen-bang-cong-nghe-thong-minh-20180316231717496.htm