Xử đại án DABank: Vũ 'nhôm' khai không ký khống chứng từ!

Tại tòa bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ 'nhôm', SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) khẳng định sẽ trả hết 30 tỷ đồng còn lại cho Trần Phương Bình trong vòng 30 ngày sau khi vụ xử kết thúc.

Cam kết trả hết 30 tỷ đồng sau khi vụ xử kết thúc

Ngày 4/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) với số tiền trên 3.608 tỷ đồng.

 Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Trong phần xét hỏi, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) tiếp tục khẳng định ản thân không ký khống hồ sơ đối với số tiền 200 tỷ đồng bị cáo trạng cáo buộc chiếm đoạt của DABank. Vũ “nhôm” cho rằng mình oan vì hoàn toàn tin tưởng vào bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD DABank) nên khi bị cáo Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DABank) đưa 2 tờ phiếu của ngân hàng, có in sẵn một số thông tin bên trong thì bị cáo ký, chứ không ký khống.

“Bị cáo hoàn toàn không bạc bạc gì với anh Bình, số tiền 200 tỷ là vay của anh Bình, không chiếm đoạt của DABank. Bị cáo cam kết sau khi kết thúc phiên tòa, trong vòng 30 ngày gia đình sẽ trả hết 30 tỷ đồng còn lại trong số 203 tỷ đồng”, bị cáo Vũ “nhôm”, nói.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho Vũ “nhôm”), hỏi bị cáo Vinh để đối chất thì bị cáo Vinh khẳng định có hướng dẫn Vũ “nhôm” ký vào các phiếu thu, nộp tiền của ngân hàng. Mọi việc đều làm theo chỉ đạo của bị cáo Bình, còn Vũ “nhôm” không ký khống. Luật sư Trạch cũng gọi hỏi bị cáo Bình để xác nhận thì bị cáo Bình cũng khẳng định không bàn bạc gì với Vũ “nhôm” khi trao đổi với bị cáo Vinh về việc thu khống 200 tỷ đồng để cho Vũ “nhôm” mượn mua cổ phần.

“Ăn” được cái gì của Nhà nước là “ăn”

Trong phần xét hỏi của mình, đại diện Viện KSND hỏi bị cáo Trần Phương Bình việc mua 462,7m2 đất và tài sản trên đất tại số 52 Quang Trung, phường Bà Triệu, TP Nam Định, tỉnh Nam Định làm trụ sở DABank chi nhánh Nam Định, dẫn đến bị cáo Phạm Văn Phước (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Nam Định) chiếm đoạt của DABank 9,2 tỷ đồng (số làm tròn).

Bị cáo Bình khai sau khi được Trần Huy Nam (Giám đốc DABank chi nhánh Nam Định) báo cáo việc mua mảnh đất nói trên và có lập biên bản thỏa thuận với Phước giá 19,2 tỷ đồng. Bị cáo trao đổi qua điện thoại với Nam rồi bàn bạc với bị cáo Xuyến thấy phù hợp thì đồng ý. Sau đó Tổng Công ty lương thực Miền Bắc có nghị quyết yêu cầu Công ty Lương thực Nam Định phải tổ chức đấu giá tài sản và ngày 25/3/2014, kết quả DABank chi nhánh Nam Định trúng thầu với giá 10,9 tỷ đồng. Sau khi đấu giá, bị cáo Phước yêu cầu DABank phải trả cho Công ty Lương thực Nam Định 19,2 tỷ đồng hoặc sẽ hủy bỏ việc mua bán tài sản này nên DABank phải xuất quỹ chuyển cho Phước đủ số tiền theo yêu cầu. Về phía Công ty Lương thực Nam Định chỉ thực nhận 10,9 tỷ đồng, số còn lại Phước chiếm đoạt.

Còn Phạm Văn Phước khai tại tòa, do kinh doanh thua lỗ khi bán tài sản đã nhập vào quỹ công ty 7 tỷ đồng để giải quyết khó khăn và hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách cho công nhân viên. Tuy nhiên xác minh tại Công ty CP Lương thực Nam Định không có khoản từ 7 tỷ đồng này.

Có trách nhiệm hay không, khi nghị án sẽ biết

Đại diện viện KSND cũng hỏi bà Lương Ánh Trúc (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – vợ của bị cáo Nguyễn Hồng Ánh, nguyên trung tá công an) về các khoản vay 1.900 lượng vàng vào năm 2008 để làm gì, dùng tài sản nào thế chấp? Bà Trúc khai dùng để nuôi cá tra. Để được vay vợ chồng bà dùng căn nhà của bố mẹ bị cáo Ánh ở quận Bình Thạnh, quyền sử dụng đất ở quận 2 và 3.000 cổ phiếu ở Ngân hàng Gia Định. Đất quận 2 là của vợ chồng bà đứng tên, được cấp quyền sỡ hữu từ trước 2008, vợ chồng bà cũng đã ly hôn nên miếng đất ở quận 2 sẽ dùng để bị cáo Ánh khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên chủ tọa yêu cầu bà Trúc trả lời rõ miếng đất ở huyện Cần Giờ ai đứng tên? Trách nhiệm thế nào đối với khoản vay 2.000 lượng vàng kinh doanh cá tra ở An Giang đến nay còn nợ 53,3 tỷ đồng? Bà Trúc cho biết miếng đất này do vợ chồng đứng tên, hiện đã bị kê biên. Vào năm 2006 vợ chồng bà Trúc đã ra tòa ly hôn, tòa có nói tài sản tự thỏa thuận giữa 2 bên (chưa giải quyết).

“Lúc đó phía DABank yêu cầu tôi ký vào hợp đồng vay thì tôi ký. Tôi không biết việc kinh doanh của anh Ánh. Tôi chỉ ở nhà nội trợ. Tôi nghĩ mình không có trách nhiệm dân sự”, bà Trúc nói. Tuy nhiên chủ tọa cho rằng HĐXX sẽ xem xét khi nghị án là có trách nhiệm dân sự hay không.

HĐXX cũng gọi hỏi bị cáo Ánh về 2 hợp đồng vay 3.900 lượng vàng? Bị cáo Ánh, trả lời: “Lúc đầu có 2 hợp đồng vay DABank, 1 hợp đồng 2.000 lượng, và hợp đồng 1.900 lượng. Đến tháng 2/2012, DABank cho phép bị cáo thanh lý hợp đồng 1.900 lượng (tất toán khống) và yêu cầu bị cáo hoán đổi tài sản sổ tiết kiệm giá 32 tỷ. Món nợ 2.000 lượng còn lại vẫn có 3 loại tài sản thế chấp như bà Trúc đã nêu. Ngoài các tài sản đã cầm cố và bị kê biên thì không còn tài sản chung nào với bà Trúc”.

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/xu-dai-an-dabank-vu-nhom-khai-khong-ky-khong-chung-tu-331255.html