Xứ cù lao vào vụ rau màu

Chợ Mới (An Giang) có diện tích trồng rau màu lớn, với hơn 25.000 ha/năm. Kết quả thu nhập bình quân diện tích chuyển đổi sang trồng màu tăng gấp 3,44 lần so trồng lúa; giá trị sản xuất bình quân rau màu đạt 392,36 triệu đồng/ha.

Sản xuất và thu hoạch rau màu ở xã Kiến An

Có thể thấy, hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở huyện Chợ Mới đã và đang mang lại những kết quả quan trọng. Từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân, mở ra nhiều cơ hội để Chợ Mới đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới, vụ hè thu 2020, toàn huyện xuống giống gần 5.400ha rau màu, tập trung ở các xã: Mỹ An, Hội An, Kiến An, Long Kiến, Kiến Thành, Mỹ Hội Đông...

Nông dân trồng chủ yếu các loại rau ăn lá, cải xanh, cải ngọt, dưa hấu non, khoai cao, bắp non, bắp ngọt, dưa leo, đậu đũa, hành, gừng, mè, ớt... Đến nay đã thu hoạch hơn 2.100ha rau các loại, khoai cao, bắp non, cải xanh, cải ngọt, hành... năng suất đạt cao, giá cả tăng so tháng trước. Bà con nông dân sản xuất rau màu ở đây cho biết, trồng rau màu mùa mưa thời tiết thuận lợi cho cây phát triển, đỡ tốn công chăm sóc và chi phí tưới. Tuy nhiên, sản xuất mùa này cũng đối mặt nhiều khó khăn nếu như gặp thời tiết bất lợi, mưa bão kéo dài.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng rau màu, bà con đã cho lên liếp, tạo rãnh để thoát nước thật nhanh khi gặp mưa nhiều và kéo dài, để tránh bị ngập cục bộ. Vì nếu bị ngập quá lâu rễ cây sẽ bị mất ô-xy, người dân quen gọi là bị ngộp, khả năng hấp thu dinh dưỡng kém, nếu kéo dài cây sẽ bị chết hoặc tuột lá dẫn đến năng suất giảm.

Anh Nguyễn Văn Hà (nông dân chuyên sản xuất rau màu) cho biết: “Để rau màu thích ứng tốt với thời tiết, nông dân chọn giống kháng được những bệnh thường gặp trong mùa mưa, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, ủ với phân hữu cơ để bón lót nhằm hạn chế một số loại nấm bệnh hoặc khi cây được 5-7 ngày tuổi. Không nên làm đất quá nhuyễn dẫn đến đất bị nén, thiếu ô-xy sẽ gây nên tình trạng nghẹt rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây. Định kỳ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trị một số loại sâu bệnh thường gặp. Nhiều mảnh ruộng nông dân sử dụng màng phủ có 2 mặt hoặc dùng rơm rạ phủ lên luống cây rau màu”.

Dọc tuyến đường cộ Hai Thới (xã Kiến An, Chợ Mới), nông dân trồng rau màu san sát. Bà Nguyễn Thị Út đang thu hoạch cải ngọt cho biết: “Giá cả hiện nay đang thuận lợi, cải xà lách có giá 12.000 đồng/kg, thương lái tới tận ruộng để thu mua, nên đỡ chi phí”.

Chị Tư đang loay hoay tỉa bỏ bớt cây cải xanh con cho biết: “Tôi có mảnh ruộng hơn 500m2 trồng tía tô, cải xanh, rau thơm, ngò rí. Mùa mưa đỡ tốn tiền tưới, chăm sóc khỏe. Cải xanh trồng 25 ngày thu hoạch, hiện có giá 10.000kg. Riêng rau tía tô giá 27.000 đồng/kg, nhưng loại này giống đắt và khó trồng hơn các loại rau màu khác, nhưng năng suất khá cao. Sau khi trồng 2 tháng thu hoạch đợt 1 cắt ngang cây, sau thời gian chăm sóc thu hoạch tiếp đợt 2”.

Nhiều nông dân sản xuất rau màu chia sẻ, vòng quay của đất trồng rau màu đạt 4-7 vòng/năm. Trồng rau, cải có chi phí sản xuất thấp, được giá sẽ lời rất nhiều. Như các loại rau ăn lá nếu giá 4.000-5000 đồng/kg thì huề vốn, còn được giá như hiện nay 1 công đất thu hoạch có thể lời hơn 10 triệu đồng sau 2 tháng trồng và chăm sóc.

Xã Kiến An được xem là vùng chuyên canh rau màu lớn của huyện Chợ Mới và tỉnh. Hệ số vòng quay sản xuất 5-7 vụ/năm. Mỗi ngày, nơi đây cung cấp ra thị trường 80-100 tấn rau màu các loại. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất đa dạng các chủng loại, nông dân Kiến An đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản. Theo những người nông dân này, 1 công đất ở đây mỗi năm trồng được 5-7 vụ rau, mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, xà lách... Nếu tình hình sản xuất thuận lợi, “trúng mùa, trúng giá”, lợi nhuận thu được rất cao.

Anh Dư (Chủ tịch Hội Nông dân xã Kiến An) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, nông dân xã Kiến An gieo trồng gần 2.500ha màu. Được tỉnh đầu tư hệ thống tưới công nghệ cao, Hội Nông dân xã phối hợp Ban Nông nghiệp xã đã vận động nông dân trong vùng dự án đấu nối hệ thống tưới phun sương trên rau, màu được 22 hộ đăng ký, đang triển khai thực hiện”.

Hợp tác xã Nông sản an toàn Kiến An - Chợ Mới xuống giống hơn 600m2 dưa leo thực hiện trong mô hình nhà ươm cây con, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Để sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng, huyện Chợ Mới đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu ở xã Kiến An, đồng thời đang thực hiện được 33 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: mô hình trồng rau màu trong nhà lưới, nhà màng ươm cây con công nghệ sinh học.

Nông dân đánh giá rất cao sự hỗ trợ tích cực của chính quyền trong đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất như đầu tư khôi phục lại các tuyến kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất. Đồng thời, mong muốn đầu tư các mô hình điểm như: sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho nông dân... giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn trên chính mảnh ruộng của mình.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xu-cu-lao-vao-vu-rau-mau-a275272.html