Xót xa tình trạng trẻ em bị xâm hại đến sinh ra… trẻ con

Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, tình trạng xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đang ở mức báo động.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 6/12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” họp phiên thứ hai.

Trẻ em chủ yếu bị xâm hại bởi người ruột thịt

Báo cáo kết quả của Đoàn công tác số 01, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, qua giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh thấy, tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng.

Riêng Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến là 272 em, chiếm 41% tổng số trẻ em bị xâm hại trong cả giai đoạn 2015-2019.

“Trẻ em bị xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau, nhưng chủ yếu là xâm hại tình dục”, bà Hải nói và cho hay, xâm hại tình dục chiếm từ 50-70% tổng số trẻ em bị xâm hại, cá biệt có tỉnh Hòa Bình chiếm đến 89%, Hà Nội chiếm 40%.

Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là người thân thích, ruột thịt, người quen, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em.

Trưởng Đoàn công tác số 02, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, qua giám sát tại Nghệ An, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đắk Lắk và TP Đà Nẵng cũng thấy, đối tượng phạm tội chính là người ruột thịt, người thân thích, người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh, người quen của trẻ em, điển hình tại Phú Thọ chiếm tới 97%; Lạng Sơn là 85,1%...

Theo bà Nga, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra rất nghiêm trọng, nặng nề cả về thể chất và tinh thần. Nhiều trường hợp để lại di chứng lâu dài, trong đó có những em mang thai ngoài ý muốn, phải bỏ học, thậm chí nhiều trường hợp trẻ bị tử vong.

“Đáng lo ngại là rất nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục, diễn ra trong một thời gian dài mới bị phát hiện, nhiều trường hợp kéo dài 2-3 năm như vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh nam ở Phú Thọ, nhiều vụ chỉ bị phát hiện khi gia đình phát hiện các em có thai nhiều tháng…”, bà Nga nói.

Báo động về sự xuống cấp đạo đức

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật (Đoàn công tác số 3, giám sát tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước) thông tin, thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại với trẻ.

Các dạng hành vi xâm hại trẻ em rất đa dạng, phổ biến như giết, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán…

“Xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề “nóng” trong xã hội”, ông Luật nhấn mạnh và cho hay, độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại tập trung nhiều từ 13 đến dưới 16 tuổi (phần lớn là trẻ em gái), có những em bị xâm hại ở lứa tuổi rất nhỏ.

“Tính chất của các vụ xâm hại tình dục đã đến mức nghiêm trọng, báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư”, ông Luật đánh giá.

Tham gia Đoàn công tác số 2, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay, có tình trạng rất đau xót là cả 6 tỉnh giám sát thì đều có “trẻ em bị xâm hại đến có thai”.

“Đã bị xâm hại còn sinh con, trẻ con nuôi trẻ con, rất xót xa”, bà Hồng nói và nêu rõ, có trường hợp bố đẻ, bố dượng hiếp dâm con ruột, con của vợ dẫn đến mang thai.

Một số vụ có dấu hiệu hành chính hóa quan hệ hình sự

Trong khi đó, sự phối hợp, quan tâm của chính quyền địa phương chưa đúng mức, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tình trạng xâm hại trẻ em.

“Việc quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác này rất giới hạn. Nghị quyết chuyên đề về việc bảo vệ trẻ em gần như không có và triển khai thực hiện gần như khoán trắng cho ngành lao động, trong khi ngành lao động chỉ là một mảng trong đó”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Mai Bộ phát biểu.

Bà Ninh Thị Hồng cũng cho rằng, tỷ lệ số trẻ bị xâm hại được trợ giúp pháp lý rất thấp. “Tỉnh nào nói các cháu được trợ giúp pháp lý hết thì tôi khẳng định là không đúng. Vì khi chúng tôi chất vấn hình thức hỗ trợ các cháu như thế nào thì họ không nói được”, bà Hồng nhấn mạnh.

Hơn nữa, qua giám sát của Đoàn công tác số 1 cho thấy, có một số vụ việc có dấu hiệu hành chính hóa các quan hệ hình sự. “Hà Nội có hai vụ dâm ô trẻ em được xử lý vi phạm hành chính. Hải Phòng có một vụ dâm ô trẻ em được xử lý hành chính”, Trưởng ban Dân nguyện dẫn chứng.

Hay vẫn còn tình trạng để tin báo, tố giác về tội phạm quá hạn giải quyết. “Dù chứng cứ phạm tội rõ ràng nhưng cơ quan điều tra lại khởi tố về tội danh khác nhẹ hơn, gây bức xúc trong dư luận như vụ Nguyễn Trọng Trình ở Chương Mỹ”, vẫn theo dẫn chứng của bà Hải.

Thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, các tổ chức xã hội, tiến hành hội thảo, tọa đàm nhằm đánh giá rõ thực trạng, nguyên nhân, tìm ra giải pháp để chấn chỉnh tình hình, sau đó sẽ báo cáo kết quả giám sát lên Quốc hội.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/xot-xa-tinh-trang-tre-em-bi-xam-hai-den-sinh-ra-tre-con_t114c1159n157639