Xót xa tiểu thương căng lều bạt, trải giường gấp ngủ ngoài đường canh hoa Tết

Những ngày áp Tết, người chủ cửa hàng hoa phải căng bạt, ăn ngủ ngay tại điểm bán hàng để trông coi, tránh kẻ trộm vào lấy cắp, phá hoại hoa.

Chạy “bạc mặt” vì hoa Tết trong suốt một tháng qua, anh Trần Văn Liêm, chủ một kiot hoa mai tại khu vực quảng trường sân vận động Mỹ Đình cho hay, ngoài lo bán hàng, điều anh lo nhất là làm sao trông coi hoa vào ban đêm.

Đánh gần hai trăm gốc hoa mai mang từ Bình Định ra chợ hoa xuân này, anh chấp nhận mất thêm nhiều chi phí như vận chuyển đào bằng ô tô, xe máy, ăn uống, thuê địa điểm bán hàng.

Chủ kiot bán mai đều ăn ngủ tại điểm bán hàng để trông canh 24/24. Ảnh: Thu Hà

Chỉ vào cây mai già nua giá 10 triệu đồng được bày ở vị trí “đắc địa” của cửa hàng, anh Liêm bảo: “Cây nào to nhất, đẹp nhất đều được mang lên đây bán cho được giá”.

“Buôn mai từ Bình Định ra đây rất nhọc, kinh khủng nhất ở khâu vận chuyển, thuê cả chuyến xe tải ra đây. Chưa kể công đứng suốt trong mưa gió rét mướt, mang lều bạt đi ngủ ngay tại trận, cắt cử nhau canh chừng 24/24. Chỉ cần một cây mai bị cẩu mất hay khách vô ý làm cụt ngon mai thì hỏng hẳn”, anh Liêm tâm sự.

Chỉ cần cây mai bị ai đó bẻ trộm một cái ngọn là coi như bỏ cả cây. Ảnh: Thu Hà

Những ngày thức ngủ cùng hoa Tết, tiểu thương cũng vô cùng mệt mỏi. Ảnh: Thu Hà

Đánh hoa lan ra chợ hoa Tết bán từ mùng 10 âm lịch, bác Năm, chủ hợp tác xã cây cảnh tại Chương Mỹ, Hà Nội cho biết Tết Kỷ Hợi, gia đình bác chia làm ba điểm bán lớn tại Hà Nội. Đó là Chương Mỹ, Quốc Oai và Hà Đông. Ngoài ra, gia đình bác Năm cũng bán buôn rất nhiều.

Kiot bán hàng cũng là nơi tiểu thương trải giường gấp ra ngủ. Ảnh: Thu Hà

Tại một điểm bán, trung bình mỗi ngày gia đình bác bán được 30 chậu lan cắm sẵn lớn nhỏ các loại. Đông nhất là vào ngày cuối tuần.

Thức ngủ cùng hoa lan trong những ngày cận Tết, bác Năm đã chuẩn bị phông bạt, giường gấp để trực chiến 24/24.

Giường gấp dựng gọn một góc. Ảnh: Thu Hà

Căng lều bạt để tránh mưa làm hỏng hoa Tết. Người có thể ướt nhưng hoa thì không. Ảnh: Thu Hà

Bác khẳng định sẽ bán đến tận chiều 30 Tết hết khách mới về quê.

Hoa lan rất kén người chơi. Tuy nhiên nếu khách biết cách chăm sóc, thực sự yêu hoa thì mỗi chậu lan có thể để được vài tháng sau Tết.

Nếu chẳng may ế thì tôi sẽ hạ giá một chút nhưng quyết không dìm giá, đại hạ giá vì như vậy sẽ phủ nhận công sức của mình. Ế thì mang về nhà vườn trồng tiếp, Tết năm sau lại đi bán. Hàng nhà trồng được, không phải lo!”, ông Năm quả quyết.

Trời càng về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp nhưng nhiều tiểu thương vẫn chấp nhận co ro ngồi bên “khối tài sản” của mình. Vì chì cần một phút lơ là, công sức cả năm ròng của họ sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Thu Hà

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/nhip-song/xot-xa-tieu-thuong-cang-leu-bat-trai-giuong-gap-ngu-ngoai-duong-canh-hoa-tet-20190123145413507.htm