Xót xa thân phận giáo viên hợp đồng - Bài 2: Thực an tâm mới hết mình cống hiến

Không đồng tình với cách tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo thời vụ, theo số tiết học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị phải có chế độ chính sách và tuyển dụng ổn định thì giáo viên mới yên tâm cống hiến, mới tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Với những giáo viên hợp đồng lâu năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị xem xét trình độ, năng lực đảm bảo yêu cầu thì có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào biên chế.

Bộ Nội vụ đề xuất ưu tiên với những giáo viên hợp đồng lâu năm và đảm bảo đủ năng lực. Ảnh minh họa.

Bất cập trong tuyển dụng

Năm học 2018-2019, biên chế được giao của ngành giáo dục là 1.191.376 người, tăng trên 13.000 so với năm học trước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, báo cáo của 28 địa phương đề nghị bổ sung 40.447 biên chế trong lĩnh vực giáo dục. Việc thiếu số lượng giáo viên lớn thế này sẽ dẫn đến việc phải hợp đồng giáo viên để dạy và cách làm chủ yếu hiện nay là dạy theo tiết học, lương trả theo số tiết đứng lớp thực tế vốn rất thấp.

Nếu so sánh với giáo viên biên chế, đặc biệt là biên chế lâu năm có mức lương rất cao thì cách làm tuyển giáo viên hợp đồng, giữ biên chế lại để dành ngân sách cho vấn đề khác sẽ “tiết kiệm” được một khoản chi phí không nhỏ nhưng những giáo viên hợp đồng rất bấp bênh. Không chỉ là chuyện lương thấp mà còn là tâm lý bất ổn không biết hết hợp đồng này, năm sau, thậm chí kỳ học sau có được ký tiếp hay không? Từ đó, sinh ra tâm lý muốn có việc làm phải “chạy”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ từng khẳng định, quan điểm của Bộ GDĐT là không đồng tình với cách tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo tiết học như vậy. Việc hợp đồng theo mùa vụ, theo tiết học với giáo viên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục bởi giáo dục học sinh phải có một quá trình, theo dõi tâm lý, chất lượng của học sinh để có biện pháp uốn nắn, không thể hôm nay thế này, mai thế khác được.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng khẳng định, theo quy định của pháp luật, từ năm 2015 về trước, biên chế sự nghiệp là giao cho UBND các tỉnh. UBND các tỉnh trên cơ sở quy định định mức của các ngành, lĩnh vực thì UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định biên chế sự nghiệp. Cho nên, vấn đề hợp đồng của giáo viên ở đây, tại sao có thừa thiếu tất cả là đều trước 2015.

Ưu tiên tuyển dụng giáo viên hợp đồng lâu năm?

Theo ông Thăng, khi có thông báo tuyển dụng, ai đủ điều kiện, nhu cầu thì đăng ký. Đây không phải là kỳ thi tuyển chỉ dành cho những người làm hợp đồng nên giáo viên hợp đồng thi không đỗ, không đạt tạo ra sức ép gây dư luận rất phản cảm. Ông Thăng đề nghị các địa phương, Bộ GDĐT cùng Bộ Nội vụ chấn chỉnh vấn đề này.

Tuy vậy, theo Nghị định 29/2012NĐ-CP của Chính phủ, tại mục a, khoản 1, điều 14 (Về xét tuyển đặc cách) quy định: “Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí làm việc cần tuyển dụng”. Như vậy, trên thực tế khi có biên chế, việc xét tuyển đặc cách cho các giáo viên hợp đồng lâu năm có thành tích công tác tốt, đạt các bằng khen, giấy khen các cấp… có thể được ưu tiên.

Trên thực tế, như chia sẻ của một lãnh đạo huyện Thanh Oai, Hà Nội trong vụ việc hàng trăm giáo viên hợp đồng của huyện này có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động do huyện ký để chuyển về cho Hiệu trưởng xem xét, ký kết, có những giáo viên đã hợp đồng 22 năm, gắn bó với nghề và coi nó như cái nghiệp của cuộc đời. Có giáo viên thi đến 9 lần rồi nhưng chưa trúng nhưng vẫn bám với nghề mặc dù lương chỉ có bậc 1. Tuy nhiên, hiện vẫn không có ưu tiên nào với các giáo viên hợp đồng lâu năm nếu họ đăng ký tham gia thi tuyển.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị cần ưu tiên những giáo viên đã hợp đồng lâu năm và có trình độ, năng lực đảm bảo yêu cầu thì có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào biên chế. Đối với vấn đề tinh giảm biên chế, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương chưa thực hiện việc chấm dứt hợp đồng làm chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên còn trong định mức biên chế, mà tiếp tục nghiên cứu. Nếu không sắp xếp, không tuyển dụng được mới tính đến vấn đề tinh giản biên chế theo đúng Nghị định 108 của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía Bộ GDĐT hiện đã thực hiện rà soát số lượng thừa thiếu giáo viên của từng môn học, từng bậc học, đồng thời, xây dựng phần mềm thống kê số lượng giáo viên và ban hành chuẩn giáo viên trên hệ thống trực tuyến. Bộ GDĐT đang thực hiện rà soát và dự đoán lượng gia tăng của dân số để theo dõi sự biến động sĩ số cấp học đầu tiên. Từ đó nắm bắt các thông số, giúp đưa ra dự báo thừa thiếu giáo viên giữa các địa phương.

Cụ thể, theo rà soát mới nhất, số lượng giáo viên mầm non đang thiếu nhiều, nhưng 3 năm gần đây số lượng biên chế vẫn không tăng. Dẫn đến tình trạng các địa phương phải căn chỉnh, co kéo nên mới sinh ra hệ quả về số lượng giáo viên mang tính hợp đồng thời vụ. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định trong sửa Luật Viên chức tới đây Bộ GDĐT đề nghị phải đưa quy định riêng với nhà giáo để thể hiện được sự quan tâm cũng như khẳng định vai trò, vị thế của giáo viên. Cụ thể, Bộ GDĐT chuẩn bị đề xuất trong Luật về nhà giáo, đảm bảo chế độ đãi ngộ thang bảng lương đối với giáo viên có thêm những ưu tiên phù hợp với thực tế và Nghị quyết T.Ư 8 Khóa 11 đã ban hành trước đây.

Nâng lương đối với giáo viên nói chung và giáo viên hợp đồng nói riêng là bài toán không chỉ Bộ GDĐT giải quyết được. Như tâm tư của một giáo viên hợp đồng ở Thanh Oai, Hà Nội từng đứng trước nguy cơ bị mất việc vừa qua cho biết, mong ước của những giáo viên như họ là được nâng lương để có được mức lương tối thiểu đủ sống. Sau đó là tập trung vào việc giảng dạy, nâng cao chuyên môn để chờ đợi kỳ thi tuyển vào biên chế một cách công bằng, thi trực tiếp để có cơ hội gắn bó với nghề mà mình đã theo đuổi. Bên cạnh đó, người thầy giáo đã 12 năm đứng trên bục giảng này tâm tư, hi vọng bài toán thừa thiếu giáo viên của ngành giáo dục sẽ sớm được giải quyết để những thế hệ sinh viên sư phạm sắp tới sẽ không phải chật vật với bài toán xin việc, hoặc có được việc rồi cũng vẫn phấp phỏng không biết sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động lúc nào do chưa vào biên chế...

[Xót xa thân phận giáo viên hợp đồng - Bài 1]

Lam Nhi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/xot-xa-than-phan-giao-vien-hop-dong-bai-2-thuc-an-tam-moi-het-minh-cong-hien-tintuc423120