Xót xa tác phẩm bị hư hỏng, mất mát ở Triển lãm mỹ thuật toàn quốc: Sân chơi cấp quốc gia, không thể cẩu thả

Chuyện ồn ào vừa qua tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (Triển lãm mỹ thuật toàn quốc) vì tranh bị xước, bị hư hỏng thực ra đã có tiền lệ. Nhưng vấn đề đặt ra là, tại sao một triển lãm lớn như vậy cứ lặp đi lặp lại một lỗi rất cơ bản thay vì được khắc phục?

Tác phẩm điêu khắc bị vỡ và hư hỏng

Tác phẩm điêu khắc bị vỡ và hư hỏng

Chữ “tín” là trọng

Năm 2015, tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Trần Nghĩa đã rất xót xa khi nhận lại “đứa con tinh thần” bị sứt mẻ vì đã trưng bày tại đây. Vì quá bức xúc, anh đã lớn tiếng đôi co với Ban Tổ chức (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) để làm rõ sự việc và yêu cầu được bồi thường. Trước sự quyết liệt và gay gắt của tác giả, sau đó một khoản tiền đã được gửi tới họa sĩ là 4 triệu đồng, nhưng lại chẳng có biên lai hay chứng từ rõ ràng về đơn vị đứng ra bồi thường.

Nghệ sĩ Trần Nghĩa cho biết, cũng may là tác phẩm của anh làm bằng composite nên có thể sửa chữa và chắp vá. Còn nếu làm bằng đồng hay đá thì số tiền bồi thường phải lên tới con số cả trăm triệu đồng. Nói về vật chất thì rất khó đánh giá được chính xác giá trị của tác phẩm. Đã là “đứa con tinh thần”, đương nhiên nó bao trọn trí tuệ và tâm huyết của người nghệ sĩ. Số tiền bồi thường thu về dẫu có lớn đến đâu cũng không thể khỏa lấp được chữ “tín” của Ban Tổ chức.

Nhưng tiếc rằng, vì những lý do rất cụ thể, các triển lãm mỹ thuật thường xảy ra những chuyện đáng tiếc liên quan tới quá trình bảo quản và trưng bày tác phẩm. Tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020, thông tin được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cung cấp tới báo giới là có 5 tác phẩm bị hư hỏng, trong đó 1 họa sĩ đã xin rút tranh về (họa sĩ Nguyễn Quốc Huy). Tuy nhiên, theo quan sát của người tham dự, con số này lớn hơn thế, sơ sơ là 21 tác phẩm bị tác động ngoại lực, nhẹ thì dính xốp hạt, nặng thì xước mặt tranh, thậm chí vỡ....

Không khó để thấy bức sơn dầu Cái nhìn từ bên trong (tác giả Lê Thị Quế Châu) đã bị vấy sơn trắng. Bức Sức sống bình thường mới (gỗ mộc bản, tác giả Thanh Liêm) vừa bị xước, vừa bị sơn vấy. Bức Đoàn quân hai bánh (sơn dầu, tác giả Nguyễn Thị My) cũng vấy sơn trắng. Bức Mùa hạ trên cao (sơn dầu, tác giả Nguyễn Minh Đồng) đầy sơn trắng, bức Sen (sơn dầu, tác giả Phùng Mỹ Trâm) cũng tương tự. Bức Dưới trăng (sơn dầu, tác giả Lê Duy Triệu) vừa bị sơn trắng dính vào, vừa bị thủng tróc màu tranh. Bức Kéo lưới bắt cá (sơn dầu, tác giả Vũ Quý) bị cào xước, tác phẩm Mầm (phù điêu, tác giả Trần Minh Châu) nứt và thủng tróc... Còn rất nhiều tác phẩm khác không thể liệt kê hết ở đây.

Một tác phẩm bị trầy xước, hư hại khi tham gia triển lãm

Những lý do…

Họa sĩ Hùng Anh khi tới xem Triển lãm mỹ thuật Việt Nam vừa khai mạc tại nhà triển lãm số 2 Hoa Lư (Hà Nội) mới hốt hoảng khi biết tác phẩm vẽ bút sắt trên giấy, kích thước 159 x 238cm của anh đã bị… mất. Hay bộ tác phẩm gồm 7 tượng của nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch lại có 1 bức bị sứt mẻ. Trước sự bức xúc của các nghệ sĩ, ông Mã Thế Anh - Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm lý giải, với cách tổ chức như thế này, không phải riêng ông mà ai đứng ra tổ chức cũng sẽ… bị như thế. Với hơn 100 con người (huy động cả nhân viên của Cục và Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), Ban Tổ chức đã làm cật lực từ khi nhận tác phẩm đến bây giờ. Số lượng tác phẩm nhiều, nếu chúng ta vẫn giữ cách tổ chức như thế này thì năm sau cũng rất có thể sẽ bị sự cố như… năm nay.

Về mặt trưng bày, chúng ta không có công ty chuyên về trưng bày mà thường đến triển lãm thì thuê luôn đội ngũ ở đó làm. Và người làm cũng không chuyên nghiệp. Họ đơn thuần chỉ biết bốc vác, bê đồ, có khi đóng đinh lên tường còn rất lung tung. Mặt khác, chính các nghệ sĩ cũng không quan tâm và không mua bảo hiểm cho tác phẩm. Tất cả những lý do này giải thích cho việc tác phẩm bị hư hỏng, mất mát ở các triển lãm mỹ thuật không phải là điều hiếm gặp.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng

Tất nhiên, với lời giải thích như thế chỉ nói lên rằng, Ban Tổ chức đã cố gắng hết sức nhưng những rủi ro vẫn có thể xảy ra. Và nếu nó xảy ra cũng cần nhận được sự… thông cảm. “Chúng tôi rất chia sẻ với các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, để xảy ra như thế này là điều chúng tôi không mong muốn” - ông Mã Thế Anh nói. Còn với các họa sĩ, họ không thể hài lòng với lời giải thích này chỉ đơn giản vì, khi giao tranh cho Ban tổ chức, tức là họa sĩ đã tin tưởng và giao phó “đứa con tinh thần” của mình cho họ.

Họa sĩ Trần Nghĩa cho rằng, nếu nói do số lượng tác phẩm quá lớn, số lượng nhân viên lại quá ít nên để xảy ra sự việc như trên là điều không thể chấp nhận được. Trách nhiệm của Ban Tổ chức ở đâu khi ký nhận vào giấy nhận tác phẩm? Còn họa sĩ Đặng Tiến - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng lại cho rằng, có lẽ lỗi không phải ở khâu vận chuyển.

Chính các họa sĩ đã đứng ra vận chuyển tác phẩm rồi bàn giao cho Ban Tổ chức thì đương nhiên tác phẩm phải lành lặn, nguyên vẹn thì 2 bên mới ký biên nhận. Lỗi có thể do chính những người treo tranh, nhân viên phòng triển lãm khi quét sơn, chỉnh trang không gian trưng bày, đã làm vấy sơn lên tác phẩm. Hoặc do họ đã quá cẩu thả khi di chuyển chúng trong triển lãm. Dù lỗi thuộc về nhân viên triển lãm hay là ai đi chăng nữa, các họa sĩ mới là những người đau xót nhất.

Tác phẩm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Quốc Huy có vết xước rất dài

Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy, người rút tác phẩm sơn mài Địa linh nhân kiệt khỏi Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam cho biết, tranh của ông dự triển lãm có giá khoảng 50.000 USD, nhưng nó bị tới 5 vết xước. “Đối với sơn mài thì có nghĩa là tôi phải làm lại chứ không phải chữa. Thật không thể chấp nhận cách làm việc cẩu thả và vô trách nhiệm như thế” - họa sĩ Nguyễn Quốc Huy nói. Vị tác giả này yêu cầu Ban Tổ chức phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra đối với “đứa con tinh thần” của mình.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết, từ những năm 1960 đến nay, ông biết có rất nhiều cuộc triển lãm đã làm hỏng tác phẩm, thậm chí mất tác phẩm, nhưng không ai kêu ca gì, bản thân ông cũng bị mất. Nếu công tác tổ chức vẫn nghiệp dư như thế này thì chuyện đó vẫn sẽ xảy ra, bởi chúng ta chưa có công ty chuyên vận chuyển tác phẩm nghệ thuật. Về mặt trưng bày, chúng ta không có công ty chuyên về trưng bày mà thường đến triển lãm thì thuê luôn đội ngũ ở đó làm. Và người làm cũng không chuyên nghiệp. Họ đơn thuần chỉ biết bốc vác, bê đồ, có khi đóng đinh lên tường còn rất lung tung. Mặt khác, chính các nghệ sĩ cũng không quan tâm và không mua bảo hiểm cho tác phẩm. Tất cả những lý do này giải thích cho việc tác phẩm bị hư hỏng, mất mát ở các triển lãm mỹ thuật không phải là điều hiếm gặp.

Họa sĩ Tào Linh: Hãy thử nhìn lại hệ thống tổ chức triển lãm cấp quốc gia

Để tác phẩm của các nghệ sĩ bị hư hỏng, rách, xước hay mất mát tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc chứng tỏ là công tác tổ chức có vấn đề. Rộng hơn là mỗi cá nhân thiếu ý thức về trách nhiệm chung. Tôi nghĩ việc tổ chức triển lãm không phải là vấn đề gì mới mẻ, nhưng việc không có một quy trình tổ chức sự kiện quy mô như vậy là khó chấp nhận. Việc không có bảo hiểm cho các tác phẩm tham dự triển lãm cũng cần xem lại. Ở nước ngoài, chỉ là một gallery, với các tác phẩm được chọn, Ban tổ chức họ sẽ có hợp đồng riêng, trong đó có thống nhất về các chi phí vận chuyển, bảo quản và bảo hiểm. Còn ở Việt Nam, ngay ở triển lãm toàn quốc lại chưa chú trọng tới khâu này. Sự việc đáng tiếc vừa qua cũng có mặt tích cực, đó là khiến chúng ta nhận ra vấn đề của hệ thống tổ chức và trưng bày triển lãm hiện nay.

Nhạc sĩ, họa sĩ Lê Tâm: Dân trí nâng lên thì mới có thái độ ứng xử đúng mực

Với người sáng tác thì tác phẩm được coi như đứa con của mình, họ rất xót xa khi thấy chúng bị đối xử phũ phàng khiến nó hỏng hóc phải sửa chữa, thậm chí là phải bỏ đi để làm lại từ đầu. Để việc này không lặp lại thêm một lần nữa tại các triển lãm, về ngắn hạn, chúng ta phải phải huấn luyện sự chuyên nghiệp cho đội ngũ tham gia công tác tổ chức và trưng bày tác phẩm. Huấn luyện từ những nhân viên nhà triển lãm, đội ngũ vận chuyện, người bày tranh cho tới cả những người làm công tác quản lý. Còn xa hơn, chúng ta phải nâng tầm văn hóa nền. Dân trí được nâng lên sẽ khiến mỗi người hiểu được giá trị của các tác phẩm nghệ thuật, có thái độ đối xử đúng mực với các bức tranh, các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, đồ họa….

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xot-xa-tac-pham-bi-hu-hong-mat-mat-o-trien-lam-my-thuat-toan-quoc-san-choi-cap-quoc-gia-khong-the-cau-tha-post452053.antd