Xót xa cụ bà cùng con trai ngớ ngẩn sống trong túp lều dưới gầm cầu Long Biên

Năm nay đã 73 tuổi nhưng hàng ngày bà Ba vẫn phải đi nhặt ve chai nuôi con trai điên dại. Đêm đến hai mẹ con tá túc trong túp lều vá chằng vá đụp ở dưới chân gầm cầu Long Biên.

Bà Ba ở trong túp lều dột nát

Bà Ba ở trong túp lều dột nát

Phải cho cả con gái ruột vì nghèo khó

Ẩn mình dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) là những khu nhà lụp xụp, những túp lều tạm bợ, nơi đây, người ta quen gọi là "xóm liều" hay khu ổ chuột giữa lòng thủ đô. Mỗi người một hoàn cảnh bi thương, tất cả "dạt" về đây hình thành nên "xóm liều" nhếch nhác, khổ sở.

Bà Trần Thị Ba (73 tuổi, quê ở Hải Hậu, Nam Định) là một trong những hoàn cảnh đáng thương nhất ở xóm liều. 15 năm trước, bà Ba dắt theo đứa con trai rời quê hương ra Hà Nội với mong muốn tìm được việc gì đó để thay đổi cuộc sống nghèo khó. Thế nhưng, ở nơi đất khách quê người, không nghề nghiệp, không họ hàng thân thích lại phải đèo bòng thêm người con ngờ nghệch nên bà chẳng thể kiếm nổi cho mình một việc làm nuôi thân.

Hoàn cảnh đẩy đưa, cuối cùng mẹ con bà Ba đành tìm về gầm cầu Long Biên tá túc qua ngày như bao số phận khốn khổ khác. Hàng ngày bà Ba đi nhặt phế liệu bán để mẹ con rau cháo qua ngày. Cuộc sống cứ thế thành quen, mẹ con bà Ba ở riết từ đó đến nay dưới chân cầu Long Biên và mưu sinh bằng nghề nhặt rác.

Bây giờ mẹ con bà Ba đã có "nhà" (theo lời bà Ba), thực chất đó là túp lều dựng tạm bằng những tấm gỗ cũ, tấm tôn đã hoen gỉ. Túp lều chưa đầy 3m2, xung quanh được chắp vá bằng những túi rác, áo mưa vứt bỏ. Trong lều là cơ man đủ thứ hỗn tạp, những thứ người ta vứt đi bà Ba lượm về làm "tài sản" cho mình.

Nơi ở của bà không khác gì ổ chuột

Bà Ba kể, trước đây cuộc sống của gia đình bà khó khăn, hai vợ chồng lấy nhau sinh được hai người con, một trai, một gái. Sau đó, chồng bà bị u não rồi mất sớm. Do sức khỏe ốm yếu nên bà Ba cùng hai con được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, chỗ dựa cho 3 mẹ con bà bỗng giải thế khiến 3 mẹ con bơ vơ.

"Ngày ấy, tôi ốm liên tục, nhà chẳng có gì để ăn nên cuối cùng đành đứt ruột cho đi đứa con gái có tên Nguyễn Thị Tý (SN 1990). Ngày đó, con tôi vừa tròn 5 tuổi. Cũng kể từ đó tôi không một lần gặp lại con gái, không biết cuộc sống của con tôi bây giờ ra sao", bà Ba nghẹn giọng.

Cho đi đứa con gái, bà Ba còn lại người con trai là Nguyễn Văn Bình (SN 1985). Thế nhưng, Bình sinh ra vốn không được bình thường. Càng lớn Bình càng trở nên ngờ ngệch. Khi đến tuổi đi học Bình thường xuyên bỏ đi lang thang khắp nơi khiến bà Ba nhiều lần lặn lội tìm kiếm.

Bà trải lòng về cuộc sống của mình

Năm 2004, bà Ba đánh liều dắt theo Bình ra Hà Nội. "Mẹ con tôi dựng tạm túp lều này để ở, dù cuộc sống thiếu thốn trăm bề nhưng hàng ngày tôi đi nhặt phế liệu, mỗi tháng được trả 600 nghìn tiền công cũng đủ mẹ con rau cháo nuôi nhau.

Trước đây, có những ngày hai mẹ con còn không có miếng gì bỏ vào bụng. Thương mình một, thương thằng con có lớn mà không có khôn mười. Thế rồi những ngày đó cũng qua lúc nào không hay, mặc cho số phận đưa đẩy, mẹ con tôi vẫn tồn tại nơi này", bà Ba cười nói.

Gần đất xa trời vẫn canh cánh lo cho con

Bà Ba thường bắt đầu công việc nhặt phế liệu từ 4h sáng tại chợ Long Biên cho đến chiều muộn mới về. Dù mưa nắng, gió rét người phụ nữ gầy gò ấy vẫn cần mẫn với công việc mưu sinh đầy vất vả này.

Thật ra mẹ con bà Ba cũng có cái "nhà" khá tươm tất tuy nhiên bà phải nhường cho Bình. Về phần mình, bà Ba dựng tạm thêm cái lều lấy chỗ chui ra chui vào. "Ở đây sợ nhất trời mưa. Mưa thì trong nhà cũng như ngoài sân, phải mang áo mưa ngồi cầu nguyện. Bây giờ, tôi chỉ mong trời cho sức khỏe để còn kiếm sống nuôi con thôi", bà Ba tâm sự.

Chỗ ngủ tử tế hơn bà Ba nhường con trai

Bà Ba nói rằng, đời bà đã quá khổ rồi, tuổi bà cũng đã cao và sống hay chết giờ cũng chẳng có nghĩa lý gì, thế nhưng điều bà trăn trở nhất là đứa con trai ngờ nghệch ăn nằm một chỗ, không thể tự nuôi sống mình.

"Chẳng may tôi có mệnh hệ gì, thì con trai dại dột biết sống sao. Nó cứ như vậy từ trước đến giờ, chẳng ra khỏi nhà đi đâu cả. Tôi vẫn mong một ngày nào đó mình sẽ được gặp lại con gái, chẳng biết nó có còn nhớ đến người mẹ này nữa không? Thế nhưng, chắc con tôi không muốn gặp mẹ đâu, nó giận mẹ đã nhẫn tâm cho nó đi mà", bà Ba quệt nước mắt nói.

Mặc dù chủ yếu sống ở "xóm liều" nhưng vào mỗi dịp lễ Tết hàng năm, bà vẫn ở lại đây nhặt ve chai, hết Tết mới đưa con về thắp hương cho cha mẹ, chơi ít ngày rồi lại khăn gói quả mướp lên Hà Nội tiếp tục công việc mưu sinh.

Bà Ba lấy tấm tôn để che chắn cho người con trai.

"Tôi còn phải kiếm tiền để nuôi mình, nuôi con. Ở Hà Nội dù khốn khổ vô cùng nhưng tôi vẫn tự kiếm được cái ăn. Về quê, tôi biết làm gì bây giờ", bà Bà nói lý do không về quê dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời.

Bà Ba bảo, sống ở "xóm liều" bà "ngán" nhất là mùa đông. Vào những đêm đông giá rét, những cơn gió mang theo cái lạnh tê tái từ sông Hồng "tra tấn" túp lều rách nát khiến tấm thân gầy guộc của bà Ba lại run lên từng chặp. Nhiều hôm, chân bà Ba phát cước không thể đi lại được nghĩa là 2 mẹ con bà hôm đó cũng chẳng có cái gì mà ăn.

Cái lo, cái sợ ám ảnh bà Bà mỗi năm đang đến rất gần. Hôm nay tôi đến thăm mẹ con bà Ba đúng ngày Hà Nội đang trở gió. Gió từ ngoài sông lùa về liên hồi và cái lạnh bắt đầu thấm vào da thịt. Bà Ba ngồi run rẩy ở cửa nhìn ra xa xăm rồi buông tiếng thở dài não nề.

Câu chuyện với chúng tôi bỗng đứt quãng bởi tiếng ho khù khụ của anh Bình từ trong nhà. "Khổ thế đây, đã không được khôn ngoan lại còn ốm yếu. Cứ lạnh là lên cơn ho hen", bà Ba nói như dãi bày rồi lặng lẽ đi bê tấm tôn để che chắn cho đứa con đang nằm đó, bất định, vô hồn.

Cao Nguyên - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/xot-xa-cu-ba-cung-con-trai-ngo-ngan-song-trong-tup-leu-duoi-gam-cau-long-bien-77349-3.html