Xót xa bé gái lớp 1 làm chỗ dựa cho cha mẹ

Mẹ bé Ma Thu Hồng có thần kinh không bình thường. Vụ tai nạn giao thông đã quật ngã người cha, khiến cô bé mới 6 tuổi đã phải làm trụ cột để bố mẹ dựa vào.

Người cha từ cõi chết trở về

Đã nhiều năm trôi qua nhưng bà con xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, vẫn kể câu chuyện của gia đình anh Ma Văn Dong (SN 1984), dân tộc Tày - người đàn ông đang được người thân làm thủ tục đưa vào quan tài thì đột nhiên động đậy ngón tay và dần tỉnh lại.

Bé Hồng giặt giũ quần áo cho bố mẹ sau khi đi học về

Bé Hồng giặt giũ quần áo cho bố mẹ sau khi đi học về

Chị Ma Thị Biên (40 tuổi), chị ruột anh Dong, nhớ lại: “Chiều tối một ngày tháng 12/2010, Dong đi lấy hàng ở chợ huyện, cách nhà chục cây số để về bán hàng ăn, thì đâm vào một xe máy khác ngay khúc đường cua gấp. Tai nạn khiến cả 2 bắn ra đường, được bà con đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân kia đã chết khi chưa kịp tới bệnh viện, còn Dong hôn mê sâu vì dập sọ não”.

Anh Dong từ bệnh viện về nhà, bà con lối xóm đã bắc rạp, quan tài khiêng đến để sẵn. Y tá rút ống thở ở mũi anh Dong ra, là lúc người thân, mẹ già, vợ con òa khóc. những người làm thủ tục chuẩn bị khiêng anh Dong vào quan tài thì bất ngờ thấy ngón tay anh khẽ cử động. “Vậy là vẫn còn cơ hội cứu Dong, cả nhà tôi vội dẹp quan tài và ban thờ vào góc sân, đưa Dong trở lại bệnh viện cấp cứu lần nữa”, chị Biên cho biết.

Số tiền phúng viếng anh Dong chết hụt được chuyển sang cứu anh ở bệnh viện, người nhà tiếp tục đi vay mượn thêm. Anh Dong vẫn nằm một chỗ suốt 4 tháng trời sau phẫu thuật rồi mới tỉnh lại.

Gia đình đứng đầu danh sách hộ nghèo của xã

Trong căn nhà vách đất trống hoác, đồ đạc đều là những vật dụng cũ được các hộ khác cho, cô bé Ma Thu Hồng, học sinh lớp 1, trường Tiểu học Hà Lang, vóc dáng gầy gò, nhỏ hơn tuổi của mình đang lúi húi quét dọn. Bé Hồng ít nói, dù thấy khách đến nhà nhưng vẫn cặm cụi nấu cơm bằng bếp củi khô, rồi lại nhanh chân đi tìm mẹ về. Cô bé lấy chậu nước, để sẵn quần áo, khăn mặt rồi nhắc mẹ tắm rửa để ăn cơm. Hết chăm sóc mẹ, cô bé lại lo tìm người bố cũng lúc tỉnh lúc mê, thất thểu ngoài đường về nhà trước khi trời tối.

Căn nhà vách đất trống hoác của gia đình anh Dong

Mọi việc làm của cô bé 6 tuổi chẳng khác gì việc thường ngày mà cha mẹ chăm sóc con cái ở các gia đình khác. Bố mẹ tắm rửa, thay quần áo xong, cô bé cho vào chậu, ngâm xà phòng: “Cháu thường giặt đồ cho cả nhà khi bố mẹ ăn cơm xong, sau đó dọn dẹp rồi học bài”, bé Hồng lí nhí kể.

Nhìn cô bé còm nhom thoăn thoắt lo việc nhà, chăm bố mẹ bệnh tật, ai cũng nghẹn ngào, bởi dù có cả cha cả mẹ mà Hồng chẳng khác nào trẻ mồ côi, không được chăm bẵm.

Anh Dong với khuôn mặt biến dạng, sần sùi, sẹo chằng chịt, lúc nhớ lúc quên. Lúc tỉnh táo, anh vẫn biết giúp con gái nấu cơm, dọn nhà. Nhưng khi không tỉnh táo, anh đi lang thang khắp xóm ngõ, về nhà thì gây sự đánh vợ, đánh con và đánh bất cứ ai vào can ngăn, kể cả người đó là chị gái hay anh rể. Không ít lần hàng xóm nghe tiếng cô bé Hồng thất thanh kêu cứu trong nỗi sợ hãi khi thấy bố đòi châm lửa đốt nhà.

Mẹ của Hồng là chị Xiêm Thị Ít cũng chẳng khá hơn chồng. Trước khi lấy anh Dong, chị đã có biểu hiện không bình thường về thần kinh. Hàng ngày, chị chỉ biết đi chăn trâu khi có người nhắc và phải đi tìm chị về khi hết giờ chăn trâu.

Anh Dong là con thứ 2 trong gia đình có 6 chị em. Chị Ma Thị Biên là lớn nhất, lại là người duy nhất trong nhà có công việc ổn định (Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Lang), còn các em chị đều đi làm thuê, gia đình nghèo khó. Thành thử, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai người chị cả. “Ngày Dong bị tai nạn, tôi thương mẹ già, thương các em, các cháu côi cút, nên bàn với chồng bán hết trâu bò, lợn, gà, đất ruộng, thậm chí cả cái xe đạp đi làm mỗi ngày đến các Chi hội sinh hoạt với chị em cũng phải bán nốt để cứu em trai. Sau đó, tôi đứng ra nuôi bé Hồng lúc mới vài tháng tuổi đến giờ”.

Chồng chị Biên ở nhà trồng trọt, chăn nuôi để vợ đi làm công tác phụ nữ xã và đi làm thuê nếu có ai gọi. “Nhiều khi thấy bữa ăn của nhà mình không có thịt cá vài ngày, tôi lại thương con, thương mẹ già, thương em và các cháu. Tôi cứ trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm. Nếu tôi có mệnh hệ gì, không lo được cho mẹ, không giúp các em, các cháu mình tiếp, thì ai sẽ lo gánh nặng này?”, chị Biên tâm sự.

Mọi sự giúp đỡ cháu Ma Thu Hồng và gia đình, xin gửi về: anh Hoàng Đức Bình (Bí thư đoàn thanh niên xã Hà Lang - người được chị Ma Thị Biên ủy quyền), số tài khoản 8104215018694, Ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Từ năm 2005, Liên hợp quốc chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Việt Nam hưởng ứng các hoạt động này từ năm 2012. Đây là hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng nhằm tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông, vinh danh các dịch vụ cứu trợ và hỗ trợ nhằm đẩy lùi và cùng chia sẻ, xoa dịu nỗi đau cũng như là lời cảnh tỉnh thiết thực cho những người tham gia giao thông.

Năm nay, vào ngày 17/11, các hoạt động hưởng ứng được tổ chức trên phạm vi cả nước với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Điều đau lòng nhất là tai nạn giao thông cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định hiện tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề bức xúc, thách thức toàn cầu. Mỗi năm có đến 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương, thiệt hại 2% tổng thể GDP (hơn 1.500 tỉ USD) trên thế giới.

Tại Việt Nam, mỗi ngày khoảng hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà. Trong 10 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người.

Hoạt động chính năm nay là Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông diễn ra lúc 7h30 Chủ nhật, ngày 17/11, tại đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM.

Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo dành 1 phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông vào lễ chào cờ và hệ thống phát thanh của trường... Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban An toàn giao thông các địa phương cùng các quỹ, tổ chức đoàn thể khác đi thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân... Ngoài ra, Ban An toàn giao thông các địa phương cũng phối hợp với Giáo hội Phật giáo tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.

* Vào ngày 8/12 tới, Báo PNVN sẽ tổ chức Ngày hội Mottainai 2019 “Giáng sinh Trao yêu thương - Nhận hạnh phúc” tại phố đi bộ hồ Gươm (Hà Nội) để gây quỹ trợ giúp các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi tai nạn giao thông.

Khánh Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/xot-xa-be-gai-lop-1-lam-cho-dua-cho-cha-me-post66942.html