Xót thiên nhiên

Thiên nhiên của chúng ta đang bị hủy hoại, xâm hại với tốc độ rất nhanh và mức độ cao, rất xót xa. Biết rằng nói ra điều này thì không mới, nhưng có lẽ vẫn phải nói; và vẫn phải nói nhiều hơn nữa để có những hành động thiết thực ở quy mô tổng thể; nhằm giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên. Thiên nhiên là của… trời cho; con người không thể làm được và không bao giờ làm được cái gì đó giống như thiên nhiên cả.

Đào núi rừng ở Lũng Cú để xây khu “du lịch tâm linh” hoành tráng.

Thời gian qua, tôi có nhiều chuyến đi khảo cứu ở nhiều vùng miền trên đất nước; từ đồng bằng Bắc bộ tới vùng Đông Bắc, Tây Bắc; đến dải đất miền Trung; từ vùng núi cao biên giới tới biển - đảo… và thấy rất buồn, đau lòng khi thiên nhiên liên tục, liên tiếp bị hủy hoại.

Có nhiều lý do, có nhiều nguyên nhân, mỗi nơi mỗi kiểu; nhưng có lẽ bản chất vấn đề là ở chỗ người ta cố gắng đạt được mục đích trước mắt, hoặc tìm cách “thu hồi vốn” nhanh nhất bằng cách hủy hoại và tận diệt thiên nhiên. Những lũy tre làng dần vắng bóng, những ngọn núi bị phá hủy, những cánh rừng xơ xác, những dòng sông đang chết, những bờ biển bị “băm nát”… Cùng với thiên nhiên là nhiều giá trị văn hóa - tâm linh ngàn đời cũng đang bị đảo lộn, xói mòn.

Ở vùng Đông Bắc, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), một di tích có giá trị đặc biệt ở nhiều phương diện, nhiều năm nay lúc nào cũng như đại công trường xây dựng. Dường như Yên Tử không còn là một chốn tâm linh Phật pháp, mà đang thành một điểm du lịch phồn hoa. Đứng trên đỉnh Yên Sơn nhìn xuống, hay nhìn ra bốn phía rất khó thấy một góc nào có màu xanh bình yên của núi rừng, mà dễ dàng bắt gặp những “vết thương” nham nhở.

Núi khác với rừng ở chỗ: rừng có thể trồng lại, hay tái sinh một cách tự nhiên; nhưng núi đã phá là mất.

Ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), từ khi được vinh danh di sản Công viên địa chất toàn cầu (năm 2010), thì việc xây dựng phát triển hơn, đồng nghĩa với việc khai thác đá, phá núi nhiều hơn. Bạn tôi, một cán bộ trong Ban quản lý Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn (thuộc UBND tỉnh Hà Giang), cho biết hiện tại đã có quy hoạch khai thác đá, nhưng chính sách quản lý và đặc thù địa hình khiến cho việc kiểm soát rất khó. Núi khác với rừng ở chỗ: rừng có thể trồng lại, hay tái sinh một cách tự nhiên; nhưng núi đã phá là mất.

Cách đây 5 năm (năm 2014), dư luận đã xôn xao về việc điểm dừng chân đèo Mã Pì Lèng thuộc huyện Mèo Vạc được xây mới thô kệch, xâm hại cảnh quan. Và mới đây (tháng 10.2019) cũng trên cung đèo huyền thoại này, dư luận lại một lần nữa nổi sóng về một công trình mới xây cao tới 7 tầng tàn phá thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan. Điều đáng nói là công trình xây trong vùng di sản mà chưa được chấp thuận đầu tư, chưa có giấy phép xây dựng.

Sự việc công trình xây trên đèo Mã Pì Lèng chưa kịp nguội thì báo chí và dư luận lại sững sờ và xót xa khi ở Lũng Cú - cực bắc tổ quốc (thuộc huyện Đồng Văn), người ta phá tan hoang rừng núi để xây dựng một cái gọi là quần thể “kiến trúc tâm linh” ngay gần cột cờ quốc gia. Những nhà nghiên cứu văn hóa đã đặt câu hỏi rằng: có sự liên quan gì của Phật giáo và đồng bào dân tộc Mông trong quần cư nơi đây???

Quần cư và cánh đồng dưới thung lũng ở Mai Châu (Hòa Bình).

Ở mạn Tây Bắc, mỗi dịp tết người ta chặt cả rừng đào, mận về xuôi. Những cây đào có tuổi hàng chục, hàng trăm năm giữa núi rừng bị đốn về để chơi trong mấy ngày tết… Sa Pa (Lào Cai) - đô thị tuyệt đẹp giữa núi rừng nhiều năm nay cũng trở thành đại công trường xây dựng. Mật độ xây dựng cao làm không gian “nghẹt thở” và chất quá tải lên hạ tầng.

Không chỉ đơn thuần là vấn đề xây dựng mà việc phát triển quá đà, quá mức còn làm bản sắc, văn hóa địa phương mai một; con người trở nên thực dụng và tính toán hơn, mất sự hồn hậu trong sáng vốn có của người dân tộc bản địa. Tây Bắc cũng là nơi có nhiều con sông có địa hình và độ dốc lý tưởng cho thủy điện; và mỗi nhà máy ra đời, vận hành cũng đồng nghĩa với việc… cưỡng bức những dòng sông.

Khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là di sản hỗn hợp mới nhất được UNESCO công nhận ở nước ta. Thế nhưng, để “phát triển du lịch”, người ta không ngần ngại phá cả núi để làm một con đường thang dẫn lên đỉnh núi Cái Hạ trong vùng lõi di sản; công trình có tới 2.000 bậc thang và kéo dài cả km. Công trình xây trái phép và phớt lờ những yêu cầu dừng thi công của chính quyền. Đến khi báo chí lên tiếng năm 2018 thì sự việc đã rồi.

Dẫu công trình sau đó bị cưỡng chế tháo dỡ thì vết thương núi vẫn còn mãi không thể lành.

Vết thương của núi khu vực sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh, Huế.

Vết thương của núi khu vực sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh, Huế.

Tôi hay đi tàu vào miền Trung, để được ngắm cảnh, và cũng để… xót xa cho thiên nhiên đẹp đẽ ngày ngày bị tàn phá. Đi qua đoạn Ninh Bình, Thanh Hóa; mỗi chuyến đi trước sau có khi thấy biến mất cả một quả núi. Cảnh quan cứ tiêu điều, xơ xác…

Năm trước, tôi thăm Cồn Hến ở Huế. Cồn Hến trên sông Hương là yếu tố “thanh long” của kinh thành Phú Xuân xưa, có tên như vậy vì nơi đây có rất nhiều hến. Người dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt và chế biến đặc sản từ hến. Người dân cho biết giờ hến nơi đây và nhiều vùng sông Hương không còn nữa; và những ai muốn giữ nghề phải đi mua gom hến từ nhiều nơi khác, có khi rất xa. Họ cũng nói rất rõ là nguyên nhân chính là nạn khai thác cát ở sông Hương, làm ảnh hưởng đến địa chất, thủy văn, môi sinh… khiến cho nhiều loài thủy sản dần thưa vắng, rồi cạn kiệt.

Trên đây chỉ là một vài điểm xuyết trong bức tranh thiên nhiên đang bị xâm hại ở nước ta. Còn rất nhiều nơi nữa thiên nhiên cũng đang bị bức tử như vậy. Phát triển du lịch là một chủ trương đúng đắn để tăng trưởng kinh tế; nhưng điều đó không có nghĩa là tàn phá thiên nhiên và gây những tác động tiêu cực đến môi trường.

Nhiều nơi từng là thiên đường du lịch trong quá khứ, nhưng những năm gần đây với sự “phát triển” đã khiến cho nhiều khách du lịch ngán ngẩm khi nhắc đến vì những gì đẹp đẽ đã không còn; chỉ thấy bêtông thay màu xanh của cây cối, môi trường ô nhiễm, sự đông đúc nhộn nhạo và những không gian xa lạ…

Có thể kể tới như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Nha Trang (Khánh Hòa), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc (Kiên Giang…

Tất nhiên, cũng cần hiểu rằng thiên nhiên và thiên nhiên đẹp không hẳn là nguyên trạng, hoang vu, hoang sơ. Thiên nhiên đẹp có thể có sự có mặt của con người, có bàn tay con người. Đó là những quần cư, là những cánh đồng, những nông trường…; và hoàn toàn có thể là đô thị, có sự kết nối giữa thiên nhiên và kiến trúc - xây dựng.

Thành phố Đà Lạt là một ví dụ, là thành công của sự kết nối đó. Nhưng đó chỉ là một trong số ít những điểm sáng nhỏ nhoi, và cũng đã là quá khứ. Còn Đà Lạt bây giờ dường như cũng đang… lụi tàn.

Khai thác tài nguyên, du lịch, khai thác vật liệu xây dựng và bản thân việc xây dựng công trình… là những nguyên nhân đang tàn phá thiên nhiên; đều ít nhiều có liên quan đến nhau. Bi kịch và cũng hài hước ở chỗ, thiên nhiên thật thì ra sức tàn phá, và đâu đó trong những công trình xây dựng, những khu resort, những khu vui chơi giải trí… người ta lại cố tạo ra những kiểu thiên nhiên giả tạo. Có thể, đến một lúc nào đó, muốn cho một đứa trẻ biết đến thế nào là núi, là sông, là thác lại phải dẫn nó vào… công viên trong thành phố???

Con người đang lấn át thiên nhiên (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Rác thải ở biển của đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Thang máy bên ngọn Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Phát triển du lịch hay bảo tồn thiên nhiên, cái nào cần hơn?

Sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ; liệu sông Hồng có thành dòng sông chết?

Những lũy tre làng ở khắp mọi miền đang dần thưa đi, mai một… và rồi sẽ vắng bóng?

Hà Thành

GS-TS. Trần Ngọc Vương: Xây chùa thu tiền “khủng” là kinh doanh tài sản quốc gia
Ác với thiên nhiên thì khó mà yêu thương con người
Doanh nhân, Chính trị gia và “ngưỡng dối lừa”

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/xot-thien-nhien-21235.html