Xót lòng bé sơ sinh bục dạ dày 15cm, 2 tháng tuổi đã 3 lần phẫu thuật

Vừa chào đời, bé Nguyễn Tuấn Kiệt đã bị thủng dạ dày. 2 tháng tuổi đã 3 lần phẫu thuật. Cặp vợ chồng trẻ đôn đáo vay nợ khắp nơi để lấy tiền cứu con.

5 ngày tuổi đã lên bàn mổ

Bé Nguyễn Tuấn Kiệt, con trai thứ hai của anh Nguyễn Thìn (sinh năm 1982) và chị Lê Thị Thanh Xuân, ở thôn 4, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) sinh được 4 ngày đã bục dạ dày, 2 tháng tuổi đã phải phẫu thuật tới 3 lần. Thương cháu bé đang cữ sơ sinh đã phải can thiệp mổ xẻ, thương gia đình cháu bỗng dưng mắc nợ nần khắp nơi.

Mẹ con bé Tuấn Kiệt ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Mẹ con bé Tuấn Kiệt ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Chị Xuân chia sẻ trong làn nước mắt xót xa, bé Kiệt sinh ra nặng 3,6 kg, hai vợ chồng nghèo chưa kịp mừng “mẹ tròn con vuông” thì khi rời bệnh viện về nhà cứ thấy con quấy khóc, trớ ra dịch xanh, bụng căng trướng. Hai vợ chồng sợ hãi đưa con lên Bệnh viện trẻ em (Hải Phòng) khám cấp cứu. Sau nhiều chiếu chụp, bác sĩ yêu cầu gia đình phải mổ ngay để cứu tính mạng bé.

Phẫu thuật cấp cứu, bác sĩ mới thấy rõ cơ dạ dày của bé Tuấn Kiệt mỏng, chỗ đó không có máu nuôi liên tục nên đã bị bục gần như vỡ đôi cả đoạn dài gần 15cm chỗ bờ cong lớn và đã khâu lại.Tưởng sau mổ là con trai bé bỏng ổn định sức khỏe, nhưng sau 3 ngày theo dõi bé Tuấn Kiệt vẫn sốt, bác sĩ nghi vết thương của bé đã bị nhiễm trùng, vội chuyển tuyến cho bé ra Bệnh viện Nhi Hà Nội cấp cứu.

Theo các bác sĩ, thủng dạ dày ở trẻ sơ sinh thường xảy ra vào ngày thứ 2 - 7 sau sinh là trường hợp phẫu thuật cấp cứu, tuy hiếm gặp, nhưng tỉ lệ tử vong cao... Bệnh tiến triển rất nhanh, có thể gây biến chứng viêm phúc mạc toàn bộ và nhiễm trùng huyết và tử vong. Nếu may mắn thì khi chăm sóc sơ sinh ban đầu ở các bệnh viện lớn trong khoảng 4 ngày đã có thể phát hiện sớm và chẩn đoán, điều trị phẫu thuật cấp cứu ngay sẽ khỏi. Nhưng bé Tuấn Kiệt xa bệnh viện lớn, nên khi có dấu hiệu bố mẹ không biết. Tới khi bụng bé trướng dần, trớ ra dịch vàng/dịch xanh rêu, mất nước… diễn tiến mạnh mới gấp gáp đưa con đi bệnh viện thì bé đã sốt, thở nhanh nông, suy hô hấp, tím tái và có thể nguy hiểm tới tính mạng vì viêm phúc mạc, ruột nếu không được mổ cấp cứu ngay.

Nguyên nhân chính gây ra thủng dạ dày ở bé Tuấn Kiệt và các trẻ sơ sinh là do thiếu máu cục bộ ở lớp cơ vòng dạ dày non nớt của trẻ sơ sinh (bình thường có thể còn một vài lỗ hổng, đặc biệt là ở phần đáy vị, gần bờ cong lớn của dạ dày). Bé Tuấn Kiệt đã được mở ổ bụng xử lý ổ bụng, vá lỗ thủng dạ dày bằng cách khâu đóng 2 hai lớp dạ dày, đặt dẫn lưu ổ bụng.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Tuấn Kiệt được mổ tiếp lần 2. Sau mổ bé tiếp tục được điều trị với thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần và kháng sinh trị liệu qua đường tiêu hóa hoàn toàn. Sau 20 ngày bé được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch, tránh bội nhiễm phổi, dùng nhiều kháng sinh liều cao… bé đã được xuất viện, được bú mẹ và trở về nhà.

2 tháng tuổi 3 lần phẫu thuật

Anh Thìn đưa vợ con về nhà cứ nghĩ từ nay yên ổn làm ăn tiếp, chị Xuân thì đươc nghỉ ngơi kiêng cữ. Nhưng chưa đầy 1 tháng chị Xuân lại thấy con quấy khóc, trớ nhiều dịch vàng nên hai vợ chồng lại thuê xe cho con lên Bệnh viện Nhi Hà Nội khám lại. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chiếu chụp và lần này chẩn đoán bé Tuấn Kiệt bị tắc đại tràng, yêu cầu mổ tiếp lần 3. Nghe y lệnh mà vợ chồng anh Thìn, chị Xuân rụng rời chân tay vì lo lắng cho tính mạng của con, càng hoảng sợ hơn không biết lấy tiền đâu để điều trị cho con nữa.

10 giờ sáng ngày 22/2/2019 bé Tuấn Kiệt lên bàn mổ. Khi đưa bé về phòng hồi sức cấp cứu, chị Xuân trào nước mắt nhìn hình hài con bé nhỏ bằn bặt chưa tỉnh thuốc mê. Còn bác sĩ thông báo cho gia đình là sau khi mổ đại tràng mới phát hiện bé Tuấn Kiệt bị xoắn ruột bẩm sinh, gây nôn trớ… cần điều trị lâu dài hơn.

Ôm con trong lòng ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Xuân khóc nghẹn ngào thương xót con trai bé bỏng. Chị bảo từ ngày sinh con ra bé Tuấn Kiệt bú mẹ rất ít vì liên tục phải nhịn ăn để mổ xẻ, và được bác sĩ cho ăn, uống thuốc bằng tĩnh mạch. Giờ sức khỏe của bé rất yếu. Chị mong được cho con bú sớm vì sữa mẹ đầy đủ dinh dưỡng, chất kháng thể cần thiết giúp con có thêm đề kháng tốt hơn.

Được ở với con trong phòng hồi sức cấp cứu, chị Xuân nuốt nước mắt vào trong, vỗ nhè nhẹ vào hình hài bé bỏng mong con sớm tỉnh lại, chị đã xót con khóc khô cả nước mắt rồi…Trên giường bệnh bé Tuấn Kiệt vẫn chưa tỉnh sau ca mổ. Không biết còn những gì sẽ xảy ra sau đấy với bé nữa.

Chị Xuân bảo, từ lúc sinh con ra và liên tục đi viện tới giờ nhà chị đã kiệt quệ rồi. Anh chị đã chạy vạy khắp nơi vay nợ lo chữa bệnh cho con, nhưng lực bất tòng tâm bởi gia đình làm nông nên không có tích lũy, anh Thìn có việc làm thợ hồ, nhưng cứ nghỉ làm là nhà hết tiền. Từ khi bé Tuấn Kiệt ra đời tới nay đã qua 3 lần mổ, khiến gia đình đã nghèo càng thêm khánh kiệt. Giờ vợ chồng chị Xuân chỉ mong nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có thêm điều kiện cứu chữa cho con trai bé bỏng. Mỗi khi nghĩ tới việc vì bố mẹ nghèo mà con không có cơ hội cứu chữa cho con vợ chồng chị đau xót lắm.

Gia đình anh Thìn, chị Xuân ở thôn 4, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) bố mất từ mấy chục năm trước, nên người mẹ một mình làm nông vất vả nuôi 3 con ăn học, nhưng cũng chỉ hết cấp 2 là phải bỏ học phụ mẹ kiếm sống.

Anh Thìn là con trai trưởng, ở nhà làm nông với 5 sào ruộng. Bên nhà vợ có 5 chị em, đều làm nông nghiệp, nên hai bên gia đình đều rất nghèo. Chị Xuân không có việc làm. Anh Thìn làm phụ nề lương khoảng 5 triệu đồng/tháng nuôi 5 người (mẹ đẻ, hai con và hai vợ chồng). Anh em kiến giả nhất phận đều nghèo nên không giúp đỡ được mấy.

Khi bé Tuấn Kiệt mổ lần 1 hai vợ chồng trẻ đã phải chạy vạy vay nợ khắp nơi để lo cho con. Ở địa phương gia đình anh Thìn, chị Xuân được xếp vào diện nhà có thu nhập thấp, bấp bênh. Rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để cứu sống cháu bé Tuấn Kiệt.

Ông Đỗ Trung Thu

Trưởng thôn 4, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng)

Uyển Hương - Thanh Hiền

Mọi sự giúp bé Nguyễn Tuấn Kiệt - Mã số 442 - xin gửi về:

1. Chị Lê Thị Thanh Xuân, mẹ bé Nguyễn Tuấn Kiệt (thôn 4, xã Cao Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay Nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 442

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 442

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0981656685.

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 442

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/xot-long-be-so-sinh-buc-da-day-15cm-2-thang-tuoi-da-3-lan-phau-thuat-20190224201150278.htm