Xôn xao thông tin bình giữ nhiệt Trung Quốc chứa amiăng và kim loại nặng gây ung thư, chuyên gia lên tiếng

Thời gian gần đây, thông tin về bình giữ nhiệt Trung Quốc có chứa sợi amiăng độc hại và kim loại nặng có thể gây ung thư cho người sử dụng khiến nhiều người không khỏi hoang mang.

Thông tin dẫn chứng kết quả kiểm nghiệm của Viện Nghiên cứu và kiểm định chất lượng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.Theo đó, trong buổi thí nghiệm, các chuyên gia đã đựng nước tinh khiết và nước trái cây trong hai mẫu bình giữ nhiệt cùng loại. Sau một thời gian, hàm lượng kim loại nặng trong nước trái cây đã tăng đột biến và vượt quá giới hạn cho phép.

Thông tin bình giữ nhiệt Trung Quốc chứa chất gây ung thư khiến người sử dụng hoang mang.

Thông tin bình giữ nhiệt Trung Quốc chứa chất gây ung thư khiến người sử dụng hoang mang.

Trong đó, amiăng có khả năng gây ung thư phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô. Kim loại nặng khi phản ứng với axit hữu cơ trong nước hoa quả tạo ra muối kim loại, tan trong nước, gây độc cho cơ thể. Theo thống kê, hàng năm có 107.000 người trên thế giới chết do ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng.

Thực tế, thông tin này đã được truyền thông đăng tải cách đây 3 năm, gần đây được đăng tải trở lại khiến người tiêu dùng khá hoang mang, theo Vietnamnet.

TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (California, Mỹ) chia sẻ với báo Vietnamnet rằng, người tiêu dùng trong nước không nên quá lo lắng.

TS Vũ cho biết, Trung Quốc hiện là nước sản xuất bình giữ nhiệt cho rất nhiều nhãn hiệu trên thế giới, bản thân gia đình anh cũng đang sử dụng bình giữ nhiệt “made in china”, tuy nhiên kiểm tra rất kỹ thì không thấy thông tin từ các nước.

Theo TS Vũ, thí nghiệm cho rằng kim loại nặng bị thoát ra khi sử dụng bình giữ nhiệt đựng nước trái cây vì nước trái cây mang tính axit nghe có vẻ thuyết phục nhưng không chính xác.

“Theo một nghiên cứu vào năm 2013, người ta khảo sát sự thoát ra của các kim loại nặng từ các bộ phận trong bình nước cho chuột uống (trong đó có cái vòi nước bằng kim loại không gỉ). Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong điều kiện nước axit (pH = 2) để trong 1 tuần thì lượng kim loại thoát ra từ vòi nước kim loại đó vào trong nước cũng rất thấp (trong mức an toàn) và không đủ để gây độc. Do vậy, các bạn đừng quá lo lắng bị nhiễm kim loại nặng khi sử dụng các bình này”, TS Vũ phân tích.

Do đó những gia đình đang sử dụng bình giữ nhiệt loại tốt không nên quá hoang mang. Tuy nhiên khi sử dụng bình giữ nhiệt, nên chọn các hãng có thương hiệu rõ ràng để đảm bảo chất lượng và không nên đựng nước có tính axit như nước chè, nước trái cây cam, chanh... quá lâu trong bình, tối đa chỉ nên để 1-2 ngày.

Về khả năng thôi nhiễm kim loại ra nước trái cây, hay các loại đồ ăn có tính axit từ các bình giữ nhiệt, PGS.TS Trần Hồng Côn chia sẻ với báo Dân trí, nếu là inox tạo ra từ những vật liệu tốt thì sẽ an toàn, và gần như không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu phát hiện bình có dấu hiệu gỉ sét thì tuyệt đối không dùng.

“Nếu sử dụng bình kém chất lượng, được tạo ra từ inox mà trong thành phần có chứa nhiều kim loại, khi đựng các loại nước ép trái cây, nước sấu ngâm, nước mơ... tính axit trong món ăn này sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox và gây ảnh hưởng không tốt”, PGS.TS Côn chia sẻ.

Chuyên gia này cũng cảnh báo, tuyệt đối không tự ý đập bỏ bình, tháo rời các loại bình giữ nhiệt để tránh việc phát tán amiăng ra bên ngoài.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng, người dân không nên quá hoang mang với những thông tin trôi nổi trên mạng xã hội.

Không chỉ riêng bình giữ nhiệt, nhiều vật dụng liên quan đến ăn uống hiện nay cũng được sản xuất từ inox như: đũa, bát, thìa... Nếu được sản xuất từ chất liệu tốt, khi sử dụng không có hiện tượng gỉ sét thì khả năng thôi nhiễm kim loại ra đồ ăn là rất thấp, không đáng kể, có thể an tâm sử dụng.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xon-xao-thong-tin-binh-giu-nhiet-trung-quoc-chua-amiang-va-kim-loai-nang-gay-ung-thu-chuyen-gia-len-tieng-a451352.html