Xôn xao thầy giáo ở Quảng Ninh viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục

'Thầy Cường chính thức nghỉ việc vào ngày 1/9 và việc nghỉ đó không làm ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên trong ngành...', ông Hồng cho biết.

Mới đây, câu chuyện về thầy giáo Đoàn Hùng Cường (SN 1979) - giáo viên môn Ngữ văn công tác tại Trường PTDT nội trú huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) nộp đơn xin ra khỏi biên chế trong khi bản thân có 16 năm công tác khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học vào năm 2000, năm sau thầy Cường được nhận vào dạy tại trường THCS thị trấn Bình Liêu và năm 2004 được chuyển về làm chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tào của huyện. Thời điểm đó, thầy là một trong những cán bộ trẻ nhất của phòng.

Đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục gây xôn xao dư luận của thầy Cường. Ảnh: H.Thanh

Đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục gây xôn xao dư luận của thầy Cường. Ảnh: H.Thanh

Năm 2009, thầy Cường xin về làm giáo viên đứng lớp giảng dạy tại trường THCS Tình Húc (cùng huyện Bình Liêu), cùng thời gian này, thầy tự học và năm 2010 thi đỗ thạc sĩ ngành lí luận văn học tại Đại học sư phạm Hà Nội.

Thầy Cường chia sẻ: “Khi mang kết quả trúng tuyển lên phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu để xin đi học theo công văn 2871 của tỉnh Quảng Ninh về ưu đãi thì lãnh đạo phòng cho biết, tôi không được hưởng chế độ này vì không thuộc diện trong quy hoạch cán bộ nguồn”.

Tuy nhiên, thầy đã xin nghỉ dạy không lương để học cao học. Trong suốt thời gian đó, thầy làm nhiều nghề khác nhau để có tiền lo sinh hoạt và ăn học. Sau 2 năm, thầy Cường tốt nghiệp thạc sĩ ngành lí luận văn học và trở về trường THCS Tình Húc công tác với mức lương từ 1,8 – 2 triệu/ tháng.

Bằng thạc sĩ lý luận văn học của thầy Cường. Ảnh: H.Thanh

“Năm 2016 tôi được điều chuyển về trường PTDT nội trú huyện Bình Liêu và là giáo viên đầu tiên trong huyện có bằng thạc sĩ.

Dưới sự dẫn dắt của tôi, lần đầu tiên học sinh dân tộc Tày của nhà trường đạt giải nhì môn Văn cấp tỉnh. Đây được coi là “hiện tượng” của ngành. Bởi lẽ, học sinh dân tộc Tày nói tiếng Kinh còn rất khó khăn chứ nói gì đến việc viết văn. Đến tháng 8/2017, tôi viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục”, thầy Cường tâm sự.

Liên quan đến sự việc trên, ông Phạm Quang Hồng - Hiệu trưởng trường PTDT nội trú huyện Bình Liêu cho hay, trước khi thầy Cường gửi đơn lên Phòng GD&ĐT, nhà trường đã động viên, làm công tác tư tưởng với thầy nhưng không được.

Theo ông Hồng, năm 2002, thầy Cường vào biên chế và được chuyển về công tác tại trường từ 9/2016 theo quy chế luân chuyển của ngành giáo dục. Trong quá công tác tại trường, thầy luôn hoàn thành nhiệm vụ, sống hòa đồng với đồng nghiệp và gương mẫu.

Trường PTDT nội trú Bình Liêu, nơi thầy Cường từng công tác. Ảnh: V.Dũng

"Thầy Cường chính thức nghỉ việc vào ngày 1/9 và việc nghỉ đó không làm ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên trong ngành. Sau khi thầy Cường nghỉ, nhà trường đã được phòng GD&ĐT bố trí giáo viên thay thế”, ông Hồng cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, hiện tại trường PTDT nội trú huyện Bình Liêu có 31 giáo viên và nhân viên. Trong đó, 1/3 là người ở địa phương khác đến công tác và có nhiều thầy cô đã công tác ở đây từ lâu.

Được biết, gia đình thầy Cường sinh sống tại TP. Uông Bí và trong quá trình công tác, có đôi lần thầy chia sẻ sẽ ra ngoài làm kinh doanh tại Hạ Long.

Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/xon-xao-thay-giao-o-quang-ninh-viet-don-xin-ra-khoi-bien-che-nganh-giao-duc-20170912162842593.htm