Xóm nhỏ thân thương

Mưa xối xả, nước dâng lên tràn bờ, lũ mỗi lúc một cao, xâm lấn từng lối đi, từng ngõ ngách của xóm nhỏ ven sông Cầu (T.P Thái Nguyên). Dòng sông hiền hòa ngày nào giờ đây cuộn mình, nuốt chửng những bụi cỏ, vạt tre, cuốn chúng trôi dạt trong dòng nước xiết.

Lũ đi qua, cánh đồng được bồi đắp thêm lớp phù sa màu mỡ, người dân lại hối hả gieo trồng, chăm bẵm những mầm xanh mới.

Lũ đi qua, cánh đồng được bồi đắp thêm lớp phù sa màu mỡ, người dân lại hối hả gieo trồng, chăm bẵm những mầm xanh mới.

Dù không còn lạ lẫm, nhưng mỗi năm khi nước sông dâng cao, trong lòng tôi một nỗi lo mơ hồ lại tràn về. Nước lên nghĩa là bờ sông bị ăn mòn, ruộng đồng bị ngập úng, những cây lúa vừa trổ đòng bị nhấm chìm trong dòng nước đục. Những người nông dân hiền lành, chất phác lại một lần nữa đứng trước cảnh mùa màng bị đe dọa, công sức cả năm trời có thể chỉ còn lại đôi bàn tay trắng.

Xóm nhỏ của tôi nằm sát bờ sông, nhìn thấy con nước sớm nhất và cũng chịu ảnh hưởng đầu tiên mỗi khi lũ dâng. Những ngôi nhà lặng lẽ đứng bên nhau, tường vôi nhuốm màu thời gian nhưng kiên cường che chở cho các thế hệ đã gắn bó với mảnh đất này.

Người trong xóm đều thân thuộc, gặp nhau đôi khi không cần chào hỏi, chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười là đủ. Tình người trong xóm vẫn luôn là điều tôi cảm thấy tự hào nhất về nơi mình sinh ra và lớn lên. Đó là thứ tình nghĩa khiến ai ai cũng cảm thấy ấm áp, an lành.

Trong những ngày lũ, chẳng cần phải nhờ vả, những người nhà ở trên cao sẽ dồn về những nhà ở chỗ thấp để hỗ trợ kê đồ chạy nước. Những đứa trẻ được cõng trên lưng người lớn vượt qua dòng nước đến nơi an toàn; những con lợn béo núc kêu eng éc khi được đưa lên mảng đi sơ tán. Ngày lũ, bữa cơm của mọi gia đình xóm tôi thường chỉ có muối vừng và lọ dưa muối ăn đỡ qua ngày….

Những ký ức đó đã nuôi dưỡng tôi lớn lên, để dù dẫu có đi đâu thì xóm nhỏ thân thương vẫn mãi là nơi tôi thương nhớ.

Ngày ấy, tôi cũng là đứa trẻ háo hức mỗi lần nước lũ tràn về. Trong trí óc non nớt của trẻ con, lụt là một niềm vui đặc biệt. Tôi và lũ bạn cùng nhau lội nước, bì bõm, đuổi bắt những chú cá con theo dòng nước chảy xiết. Mấy đứa trẻ trong xóm còn tranh nhau thả lá mon xuống dòng nước, tưởng tượng mình đang điều khiển một đoàn tàu vượt qua biển khơi.

Dòng sông hiền hòa ngày nào, giờ đây như một người khổng lồ cuốn phăng mọi thứ trong cơn giận dữ. Nhưng trẻ con như chúng tôi chẳng sợ, ngược lại còn háo hức chờ đợi từng ngày mưa, mong nước dâng ngập xóm để có thể tung tăng dưới làn nước mà chẳng biết rằng người lớn đang lo thắt ruột, bầm gan.

Tôi còn nhớ những hôm nước lên cao, cả xóm trắng đêm canh nước. Cảm giác mệt mỏi nhưng thân thương, khi cả gia đình ngồi bên nhau giữa tiếng mưa rả rích, trong căn nhà chỉ có ánh đèn dầu leo lét.

Những ngày nước tràn về, cả xóm nhỏ càng trở nên gần gũi. Người trong xóm không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu được sự cần thiết của nhau trong thiên tai địch họa. Nhà nọ chia sẻ cho nhà kia nắm gạo, ít cá khô hay hũ dưa cà, giúp đỡ nhau qua cơn mưa lũ. Tình làng nghĩa xóm cứ thế mà thắt chặt qua mỗi mùa lũ dữ, chẳng cầu kỳ, cũng chẳng cần báo đáp.

Cứ thế, mùa lụt đi qua trong ký ức của tôi bằng những kỷ niệm bình dị. Đó là khi tôi thấy lũ vịt nhà mình bơi trong sân; là tiếng chân mẹ lội bì bõm trong đêm vắng; là ánh mắt của bố lặng nhìn trời đêm. Những hình ảnh ấy theo tôi qua bao mùa mưa nắng, hằn sâu như những lớp đất sông Cầu đã chứng kiến biết bao biến động mà vẫn nhẫn nại đợi ngày nắng về.

Mùa lụt có thể khiến xóm nhỏ của tôi chìm trong nước lũ, nhưng chính những mùa lũ ấy cũng là sợi dây nối kết tôi với làng quê, với tuổi thơ. Những ký ức ấy sẽ mãi theo tôi đi qua bao mưa nắng cuộc đời, như những con nước tràn về sông Cầu rồi lại rút đi, để lại trên mảnh đất này tình cảm đậm sâu, tình yêu không bao giờ phai nhạt.

Kim Ngân

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202411/xom-nho-than-thuong-9c00927/