Xóm nhỏ Hà Tran trong lòng người ra trận

Nhà báo Thanh Tùng đưa tặng tôi tập sách 'Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập'(*), bảo: 'Ngô Minh đọc cái này, hồi ức của anh em chiến sĩ trinh sát C20 xưa của chúng mình viết đấy, không văn chương chữ nghĩa gì mấy nhưng cảm động lắm. Trong này có nhiều hồi ức sâu đậm về làng nhỏ Hà Tran bên sông Kiến Giang, Lệ Thủy quê ông!'.

Nhà báo Thanh Tùng đưa tặng tôi tập sách "Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập"(*), bảo: "Ngô Minh đọc cái này, hồi ức của anh em chiến sĩ trinh sát C20 xưa của chúng mình viết đấy, không văn chương chữ nghĩa gì mấy nhưng cảm động lắm. Trong này có nhiều hồi ức sâu đậm về làng nhỏ Hà Tran bên sông Kiến Giang, Lệ Thủy quê ông!".

Và tôi đọc. Sách "Từ dòng Kiến Giang đến Dinh Độc Lập" gồm gần 30 bài hồi ức, ký, thơ, truyện ngắn của hơn 10 anh em cán bộ - chiến sĩ Đại đội trinh sát C20, F341 xưa. 45 năm trước, đơn vị hành quân từ Sông Lam, Nghệ An về đóng quân tại thôn Hà Tran, bên sông Kiến Giang, Lệ Thủy, để luyện tập chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Đa phần anh em C20 ngày ấy là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh được tổng động viên ra trận để giải phóng miền Nam. Năm 1975, C20 theo các cánh quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh Xuân Lộc, Trảng Bom, vào Dinh Độc Lập. Trong số họ có người hy sinh ở cửa ngõ Xuân Lộc, Trảng Bom... Trong hồi ức của mình, các chiến sĩ C20 vẫn nhớ, vẫn nhắc rất nhiều những kỷ niệm ở làng Hà Tran, một làng nhỏ bên sông Kiến Giang xưa mình đóng quân. Có người nhớ như in từng chi tiết, tên người, sự việc như là vừa mới gặp, mới xảy ra hôm qua. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn!

Đọc sách, tôi cũng say mê với những ký ức tươi ròng về làng Hà Tran. Nhà báo Thanh Tùng mô tả về làng Hà Tran: "Hà Tran là một thôn thuộc làng Uẩn Áo, xã Liên Thủy, gần chợ Tréo, nhưng lại nằm phía trên xã Mỹ Thủy. Hà Tran chỉ có 20 nóc nhà, thế mà cũng có một bài ca về làng mình: Em yêu xóm nhỏ Hà Tran/ Miền Tây Uẩn Áo, xã Liên Thủy mình/ Giữa rừng núi rậm dựng làng... Thực ra đó là một xóm kinh tế mới của xã Liên Thủy. Hồi ức về làng Hà Tran, các anh nhớ về các mẹ Tòng - mẹ Ký, nhớ các em gái đã coi mình như con, như người anh ruột thịt, như người yêu thương, chia sẻ. Tác giả Quang Phương gọi Mạ Tòng là "Người Mẹ của chúng tôi". Quang Phương viết: "Nhà Mạ Tòng nghèo nàn đơn sơ như mọi nhà trong xóm nhỏ Hà Tran thời ấy. Không biết Bọ mất từ khi nào, khi chúng tôi vào ở thì chỉ có Mạ, cô con dâu và chú út tên là Chuân. Nhà Mạ chỉ có 1 cái niêu bằng đồng để nấu cơm, 2 cái nồi đất, một cái ấm đất. Cái niêu bằng đồng được Mạ đặt vào dóng treo trên tấm phên trong buồng. Mạ gọi 11 đứa chúng tôi là con. Thằng Phương nờ, con lại đây mạ bảo, con ơi Tiến ơi, con Hà Sơn ơi đừng to tiếng, Mạ luộc sắn đây bay... Tiếng mẹ nhẹ nhàng, khoan thai. Anh Thân và anh Chức được mẹ gọi là chú. Cả 13 chàng lính đều gọi Mạ xưng con. Mạ Tòng là một người mẹ có sức mạnh của một trái tim nhân hậu. Mạ thường làm nguội đi những cái đầu nóng thất thường vì cãi vã. Tiếng Mạ làm chúng tôi ấm lại khi đi công tác đêm đông về, làm quên đi cơn đói lúc chờ cơm". Ở xóm Hà Tran, bà mẹ nào cũng thương bộ đội, bà mẹ nào cũng là "mẹ của chúng tôi".

Vui và rôm rả nhất là chuyện về các người đẹp. Xóm Hà Tran chỉ 20 nóc nhà sao lắm người đẹp thế. Tuổi 20 sức xuân phơi phới, gặp người đẹp là mê, là xốn xang lòng... Nào em Vy, em Phố, em Tám. Có cả những người tuổi chị như chị Tòng... Em Vy được cho là hoa khôi của Hà Tran. Lê Quang Phương kể: "Những người đẹp Hà Tran năm xưa còn nhớ chăng, lính trinh sát C20 F341 hay gửi gạo cho các nàng thổi cơm rồi nảy nở những mối tình tiểu thuyết âm thầm lặng lẽ lâm ly thống thiết". Bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan ai cũng thuộc, nhưng thằng Lộc người nhỏ và lại đọc theo cách của nó: Nàng có năm người anh đi bộ đội/ nàng hay hái hoa sim trên đồi Lệ Thủy/ Sau làng Hà Tran / Bên dòng Kiến Giang/ cài lên mái tóc/ Tóc nàng màu tím hoa sim/ Tím tím màu lá sắn Hà Tran... Thật thông minh và lãng mạn! Bài thơ đó Lộc đọc cho Vy nghe. Vy hiểu ra "5 người anh đi bộ đội" đó là Lộc - Phương - Sáng - Thân -Tiến ở trong nhà em Vy. Cả năm thằng đều canh chừng nhau và canh chừng lính B1, B2, B3 và cả mấy ngài chỉ huy, cấm được léng phéng tới em Vy!". Trong bài ký "Xá lỵ Hà Tran", Quang Ngọc tả kỹ hơn: "Em Vy là hoa khôi của Hà Tran, dáng thon thả, eo óc, tóc mây, mắt lúc nào cũng ươn ướt, lúng liếng. Dưới HTX Thống Nhất có Phố mới 16 tuổi mà ngực đã tròn căng, má lúc nào cũng hây hây... Chiều chiều các nàng trút bỏ xiêm y xuống sông tắm gội, biết đâu bờ bên kia ông nhòm của nhóm trinh sát chờ sẵn!". Lại chuyện lính C20 đêm hôm đi "ăn trộm" đàn guitar của đơn vị bạn (tất nhiên để lại 10 đồng lấy hòn đá dằn lên trên), để về đàn cho người yêu xóm Hà Tran nghe. Kỷ niệm ấy đúng là phải nhớ đời!.

45 năm rồi, từ ngày ấy. Những chàng trai trẻ tuổi 20 năm xưa giờ đã là ông nội, ông ngoại cả rồi. Nhưng ký ức chiến tranh, ký ức xóm Hà Tran vẫn vẹn nguyên tươi mới. Các cựu chiến binh C20 F341 xưa đang có kế hoạch tổ chức cuộc đoàn tụ gặp gỡ nhau ở Đồng Hới rồi kéo về thăm xóm Hà Tran, thăm lại nơi mình đã có 2 năm chung sống, yêu thương, chia ngọt sẻ bùi với bà con...

Ngô Minh

(*): Nhiều tác giả, NXB Thuận Hóa 2018

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_198067_xom-nho-ha-tran-trong-long-nguoi-ra-tran.aspx