'Xóm lồng chim' giữa lòng thành phố

Gần 30 năm hình thành và phát triển, những người thợ làm lồng chim ở con hẻm 123 (KP.10, P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) được người dân trong vùng gọi là 'xóm lồng chim') vẫn ngày ngày cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng, được giới kinh doanh và nuôi chim cảnh đón nhận.

Nghề làm lồng chim tận dụng được lao động nhàn rỗi. Ảnh: T.Mộc

Nghề làm lồng chim tận dụng được lao động nhàn rỗi. Ảnh: T.Mộc

Người ta gọi nơi đây là “xóm lồng chim” vì phần lớn các hộ dân trong cả con phố nhỏ này đều theo nghề làm lồng chim. Nghề này tuy đòi hỏi tỉ mỉ, công phu nhưng khá dễ học nên tùy từng công đoạn, từ trẻ nhỏ đến người già trong gia đình đều có thể làm.

* Làm “nhà” cho chim cảnh

Theo một số thợ làm lồng chim lâu năm trong xóm, nghề làm lồng chim xuất hiện vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, một số hộ dân trong xóm ở khu vực P.Tân Mai, nơi tập trung nhiều người thích nuôi chim cảnh, bắt đầu học nghề làm lồng chim. Nhận thấy mặt hàng này có cơ hội phát triển nên một vài người trong xóm đã học hỏi và dần dần đưa nghề làm lồng chim thành nghề phổ biến. Ban đầu chỉ một vài hộ làm, sau đó phát triển rộng ra, tính đến nay, cả “xóm lồng chim” đã có trên dưới 100 hộ theo nghề.

Xu hướng sử dụng sản phẩm mây tre đan tăng

Một số tiểu thương kinh doanh đồ gia dụng tại chợ Biên Hòa cho biết, các sản phẩm được làm từ mây tre đan được người tiêu dùng sử dụng tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo đó, các vật dụng như: đũa, rổ, rá, hũ đựng vật dụng cũng như các đồ vật trang trí... được tìm mua khá nhiều. Các vật dụng gia đình được làm từ mây tre đan có giá từ vài chục trến vài trăm ngàn đồng được tìm mua nhiều nhất.

Nghề làm lồng chim cũng có giai đoạn phát triển “cực thịnh” ở thời điểm cách đây khoảng 15 năm. Nhớ về thời “hoàng kim” của nghề làm lồng chim, ông Trần Trung Thái, thợ làm lồng chim có thâm niên hơn 20 năm cho biết, ông theo nghề này từ khi còn bé, khi đó chỉ làm công việc phụ giúp gia đình, khi trưởng thành, ông Thái thành lập công ty và có thời điểm ông xuất khẩu lồng chim sang các quốc gia, vùng lãnh thổ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia... Nguyên liệu để làm lồng chim chủ yếu từ mây, tre dạng thô nên người làm phải mua về tự xử lý, vót nan, tạo kiểu thủ công. Do đó, “xóm lồng chim” lúc nào cũng đầy ắp nguyên liệu, mây, tre được phơi hai bên đường và giăng khắp lối đi, tường rào, sân phơi của từng hộ dân.

Ông Thái tâm sự: “Khoảng 10 năm nay, thị trường mây tre đan mỹ nghệ cũng như thú chơi chim cảnh “giảm nhiệt” nên thị trường lồng chim bị hẹp lại, một số hộ bỏ nghề đi tìm công việc mới. Tuy nhiên, trong xóm hiện vẫn còn khá nhiều hộ vẫn duy trì nghề và phát triển một số mẫu mã, sản phẩm mới”.

Tuy không còn phải xử lý nguyên liệu thô ban đầu vì đã có nhà cung cấp riêng, song để có được một sản phẩm lồng chim, người thợ vẫn phải làm nhiều công đoạn. Mỗi sản phẩm lồng chim hiện nay bán ra thị trường với giá từ 100 ngàn đồng đến vài chục triệu đồng tùy theo độ tinh xảo của sản phẩm.

* Đa dạng sản phẩm

Một số thợ làm lồng chim lâu năm cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm, mẫu mã lồng chim được ưa chuộng như: lồng nan tre, mây, lồng gỗ vuông, chạm khắc tinh tế. Mỗi hộ trong xóm thường chọn một sản phẩm riêng để sản xuất.

Bà Trần Thị Thanh Hạnh, một trong những hộ làm lồng chim lâu năm trong xóm chia sẻ, cả gia đình bà đều sống bằng nghề làm lồng chim hơn 20 năm nay, tuy không thu lợi bằng nhiều năm về trước nhưng nghề làm lồng chim vẫn cho thu nhập ổn định, thời gian làm việc chủ động nên không chỉ gia đình bà mà nhiều hộ khác trong xóm vẫn gắn bó với nghề. Mỗi tháng, cơ sở của bà xuất ra thị trường khoảng 300 cái lồng chim. Hiện tại, bà Hạnh chỉ chuyên một dòng sản phẩm là lồng chim bằng tre.

Trước đây, chồng bà Hạnh kiêm luôn cả việc giao hàng về các nơi, nhưng nay tất cả sản phẩm làm ra bà đều bán cho các đầu mối thu mua tại nhà. “Tôi giảm bớt một số công đoạn bằng cách thuê người làm hoặc mua nguyên liệu đã sơ chế sẵn, mình chỉ làm các khâu lên lồng, hình khuôn, chỉnh, chấm keo... để hoàn thiện sản phẩm. Hiện nay, thị trường có nhiều mẫu lồng chim được ưa chuộng và yêu cầu của khách hàng cũng cao hơn nên người thợ phải thay đổi tư duy, tìm tòi, chăm chút cho từng sản phẩm. Có như vậy thì mới giữ nghề ổn định được” - bà Hạnh chia sẻ.

Một trong những hộ sản xuất dòng sản phẩm lồng chim hình vuông đang được thị trường ưa chuộng nhất hiện nay là hộ bà Phạm Thị Cậy. Bà Cậy cho biết, mỗi tháng gia đình bà xuất ra thị trường khoảng 300 lồng chim. Để tăng năng suất, cả gia đình bà Cậy cũng tranh thủ phụ giúp khâu xỏ nan, công việc này khá tỉ mỉ vì phải xỏ từng cọng nan cho chiếc lồng để sản phẩm đạt độ tỉ mỉ, tinh xảo nhất.

Ngoài những hộ sản xuất lồng chim, tại “xóm lồng chim” những năm gần đây còn phát triển một số dịch vụ khác như cung cấp nguyên liệu sơ chế sẵn, đồng thời hình thành các “vựa” thu mua sản phẩm để phân phối ra thị trường. Nhằm giảm bớt các khâu thủ công, các cơ sở sản xuất cũng đã đầu tư máy móc, thiết bị chuyên nghiệp để tạo ra nhiều sản phẩm hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Thủy Mộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202002/tp-bien-hoa-xom-long-chim-giua-long-thanh-pho-2990627/