Xóm Khmer hiếu học

Với mong muốn con em mình có được tương lai tốt đẹp, nhiều gia đình dân tộc Khmer ở ấp Đường Đào (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) không ngại gian khó, nỗ lực chăm lo cho con em ăn học và nhiều em đã thành tài. Từ đó, Đường Đào được mọi người trong vùng gọi là 'Xóm Khmer hiếu học'.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt đang ân cần dạy các cháu học bài

Bà Nguyễn Thị Nguyệt đang ân cần dạy các cháu học bài

Đổi thay ở “xóm Khmer hiếu học”

Địa danh Đường Đào (thuộc xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau)vốn là một vùng quê nghèo khó, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.

Những năm gần đây, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và bằng nghị lực, ý chí vươn lên của đồng bào Khmer nơi đây đã làm cho vùng quê này có nhiều thay đổi, kinh tế gia đình phát triển, nhiều gia đình không ngừng nỗ lực chăm lo cho con cái ăn học và dần hình thành phong trào hiếu học rộng khắp.

Ngày nay, cái tên “Xóm Khmer hiếu học” ở Đường Đào hầu như không còn xa lạ gì với người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau bởi hằng năm nhiều học sinh tại vùng đất này thi đậu cao tại các trường cao đẳng, đại học.

Theo chân cán bộ xã Hồ Thị Kỷ đến thăm phum sóc của đồng bào Khmer ở Đường Đào, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là diện mạo cộng đồng dân tộc Khmer nơi đây khởi sắc nhiều so với trước, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Đưa chúng tôi đến gặp gỡ một số gia đình ở “Xóm Khmer hiếu học” Đường Đào, ông Hữu Thảo - Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào thông tin:

Nhiều gia đình trong cộng đồng dân tộc Khmer không chỉ có con em học giỏi, chăm ngoan mà còn có trách nhiệm với địa phương. Vì vậy, không ít con em ở đây khi tốt nghiệp ra trường đa phần trở về phục vụ quê hương, tiếp tục khơi gợi truyền thống hiếu học cho lớp trẻ địa phương.

Theo ông Thảo, một trong những gia đình Khmer tiên phong quyết tâm lo con chữ cho con em trước đây phải kể đến gia đình ông Tăng Thương, Lý Thanh Quang, Lý Thái Sơn… Các hộ này đều có từ 3 - 5 người học đại học, cao học đã ra trường và có việc làm ổn định, cuộc sống trở nên khấm khá, mang vinh dự về cho gia đình, xóm, ấp.

Ở Đường Đào, việc giáo dục ý thức học tập cho con cháu được hình thành ngay sớm

Ngồi tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà kiên cố khá khang trang, ông Danh Ôl (một gia đình ở “Xóm Khmer hiếu học” Đường Đào) luôn tươi cười và không ngớt lời nói về việc học của các con mình.

Ông Danh Ôi tự hào khoe: “Con gái lớn đang là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau, đứa thứ hai là bác sĩ hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, người kế tiếp đang công tác tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh tỉnh Cà Mau.

Đời mình ít học nên phải chịu khổ, chỉ mong con mình có kiến thức để sau này có công việc ổn định thì dù cho không có đất sản xuất cũng không lo sợ”.

Cùng suy nghĩ, tại “Xóm Khmer hiếu học” Đường Đào, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, ông Lý Xil… cũng không ngại vất vả, bươn chải chăm sóc từng bụi lúa, con tôm để có tiền lo cho các con ăn học.

Bà Nguyệt tâm sự: “Cuộc sống gia đình tôi trước đây khó khăn lắm nên tích cóp được bao nhiêu cũng tằn tiện để lo cho con ăn học. Có khi không đủ tiền lo cho con, vợ chồng tôi phải đi hỏi vay mượn bên ngoài. Mặc dù khó khăn là thế nhưng vợ chồng tôi vẫn phải cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn”.

Thấu hiểu sự vất vả của cha mẹ, con của ông bà đều chăm ngoan học giỏi. Hiện, chị Lý Ngọc Chuyển (con gái lớn của bà Xil) đã học xong và ra trường có công ăn việc làm ổn định tại Trung tâm Y tế huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau).

Tiếp nối truyền thống hiếu học

Những năm qua, hầu hết con em trong ấp được học đến đại học là nhờ tác động tích cực từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vậy, giúp các em tiếp tục vững bước trên con đường tương lai, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer trong vùng được tiếp tục nâng lên, tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tăng lên theo từng năm học.

Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động không bằng cấp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết cho con em dân tộc, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Khmer ở các trường dân tộc luôn được chú trọng.

Cô giáo Danh Thị Chi, giáo viên Văn - Khmer, Trường PTDT Nội trú Cà Mau (con gái lớn của ông Danh Ôl), chia sẻ: “Trong những năm qua, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết Khmer đối với học sinh dân tộc được nhà trường đặc biệt quan tâm.

Ngoài ra, các em học sinh còn được miễn học phí, hưởng chế độ chính sách ưu đãi, được cấp dụng cụ học tập và mượn sách giáo khoa để học, riêng học sinh học trong hệ thống trường dân tộc nội trú được nhà nước chăm lo toàn bộ từ học hành, ăn, ở và được phụ cấp hằng tháng…”.

Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ vay vốn của nhà nước cho sinh viên khó khăn nên hầu hết các em sinh viên trong ấp Đường Đào có thêm nguồn tiền để đóng học phí, sinh hoạt và học tập.

Cụ thể như trường hợp của chị Lý Ngọc Chuyển. Trước đây nhà chị Chuyển rất nghèo nên việc trang trải chi phí học tập là một vấn đề nan giải. “Ngoài phấn đấu của bản thân, động viên từ gia đình thì việc hỗ trợ của nhà nước từ khoản vay vốn và ưu đãi cho con em người dân tộc đã giúp tôi “trụ” được trong học tập. Nếu không có sự hỗ trợ này thì tôi khó mà được như hôm nay”, chị Chuyển chia sẻ.

Theo ông Hữu Thảo - Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào: Việc ngày càng có nhiều con em đồng bào dân tộc Khmer trong ấp được học đại học, trước hết là nhờ tác động tích cực từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, địa phương luôn tạo mọi điều kiện và khuyến khích tinh thần ham học hỏi của các em dân tộc khmer bằng các chính sách hỗ trợ vay vốn, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp các em có điều kiện tiếp nối truyền thống hiếu học ở Đường Đào.

Là một trong những người lâu năm gắn bó với phong trào khuyến học tại địa phương, khi được hỏi về “xóm Khmer hiếu học” Đường Đào, ông Lê Văn Huyện - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau), cho biết:

“Hiện tại ở Đường Đào có rất nhiều gia đình có con đi học, không thạc sĩ thì cũng cử nhân, trung cấp. Tính từ năm 2010 đến nay, trong số hơn 50 sinh viên là người dân tộc Khmer của ấp Đường Đào theo học đại học thì có 35 em đã ra trường và có công việc ổn định.

Ngoài ra, nhờ chính sách cử tuyển cho con em dân tộc Khmer, trong mấy năm trở lại đây, năm nào cũng vậy hàng chục em học sinh nơi đây có được cơ hội vào học các trường đại học, cao đẳng… trong cả nước. Vì vậy, xóm Khmer hiếu học Đường Đào có con em ăn học thành tài ngày càng đông”.

Con đường nhỏ dẫn vào phum sóc được mệnh danh là “Xóm Khmer nghèo hiếu học” hay “xóm đại học”

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xom-khmer-hieu-hoc-3906238-b.html