Xóm đạo mùa Giáng sinh

Có dịp về chơi ở những xóm đạo trong mùa lễ Giáng sinh, không khí náo nhiệt, tất bật chuẩn bị làm rộn ràng cả các xóm nhỏ ấy. Nào là hang đá to, hang đá nhỏ, cây thông Noel lấp lánh ánh châu và điệu nhạc 'Mừng Chúa giáng sinh' ngân vang du dương sẽ làm nhiều người trầm trồ với cách ăn mừng Giáng sinh ở các xóm đạo ấy…

Dẫu Giáng sinh theo quy luật và định kỳ vẫn đều đặn hàng năm, nhưng người công giáo luôn biết cách trang trí những vật quen thuộc như hang đá, cây thông để làm mới hơn trong mắt người xem. Cách lễ Giáng sinh khoảng 2 tuần, người công giáo sẽ bắt tay vào việc làm hang đá. Với các nhà, cây thông có thể không có nhưng hang đá thì thể nào cũng phải làm. Dù lớn hoặc nhỏ miễn là do đích thân gia chủ tự trang trí, sắp xếp… Nói đến hang đá, người không có thời gian thì mua hang đá làm sẵn, rồi trang trí thêm vài điểm nhấn theo ý mình. Ở xóm đạo, ta sẽ thấy một đều rất thú vị rằng, hầu như các hang đá lộng lẫy, rực rỡ sắc màu của từng nhà đều được họ tự làm hoàn toàn bằng thủ công, rất tỉ mỉ và đẹp mắt. Nhất là buổi tối, nếu có đến xóm đạo, mọi người hẳn phải trầm trồ khen ngợi khi ngắm nhìn sự nổi bật trong cách trang trí cả về “chất và lượng”. Xóm đạo khi ấy như khoác trên mình một tấm áo mới, lộng lẫy và kiêu sa.

Ở TP. Long Xuyên, nói đến xóm đạo, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “Hẻm 1” (phường Mỹ Xuyên). Cách Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên chỉ mươi bước, ở xóm đạo nhỏ ấy, mùa Giáng sinh lại được “mệnh danh” là con đường hang đá. Từ đầu trên đến ngõ dưới, lấp lánh đủ ánh đèn sáng rực, lung linh làm lòng người cứ nôn nao theo. “Gần tuần nay, chồng tôi đã bắt tay chuẩn bị hang đá. Tận dụng vật liệu cũ như: bao xi măng, giấy bạc, miếng cao su cũ, chúng tôi làm hang đá to ở ngay trước nhà. Mỗi năm mỗi kiểu dáng khác nhau, hang đá dù so với nhiều người vẫn chưa xuất sắc lắm nhưng tôi cảm thấy rất hài lòng. Như thông lệ, chiều 24-12, cả nhà chúng tôi sẽ tập trung anh em, con cháu cùng nhau ăn bữa cơm thân mật. Khoảng 21 giờ, chúng tôi đi lễ đêm ở nhà thờ để mừng Chúa Giáng sinh và cầu mong sự bình an. Ai bận việc có thể đi lễ trong ngày hôm sau” - chị Nguyễn Thu Trang (ngụ phường Mỹ Xuyên) chia sẻ.

Còn ở xóm đạo các vùng nông thôn, không khí chuẩn bị Giáng sinh không hề kém cạnh. Không chỉ hang đá được trang hoàng hết cỡ, cả con đường xóm đạo còn được giăng cờ, hoa sặc sỡ. “Xóm tôi, người theo đạo đều tất bật chuẩn bị trang hoàng phố xá để chào đón Giáng sinh từ rất sớm. Thanh niên có lòng nhiệt tình, người già có thời gian nhàn rỗi, những ai bận rộn thì chia sẻ chút tiền. Tuy nhìn rất lung linh nhưng chúng tôi chịu khó làm từng chút một chứ không hề hoang phí. Có những đồ vật, chúng tôi “tái sử dụng” rất nhiều năm. Hết mùa Giáng sinh, chúng tôi lại bảo quản thật tốt cho sang năm. Đến khi không thể sử dụng được nữa thì mới thay mới. Vật thay mới cũng do chính tay mình làm. Riết rồi quen, đụng đến việc gì, anh em xóm đạo này đều làm rất đẹp” - anh Lương Vinh (ngụ xã Cần Đăng, Châu Thành) cho biết.

Ngày lễ Giáng sinh đã gần kề, các công đoạn hoàn tất cuối cùng ở các xóm đạo càng làm không khí thêm tưng bừng vui tươi. Ghi nhận tại Nhà thờ An Châu (thị trấn An Châu, Châu Thành), những công đoạn trang trí đã hoàn tất. Dù chưa chính thức đến lễ Giáng sinh nhưng hàng đêm vẫn có rất đông bà con đến tham quan và chụp hình. Có người cho rằng, để có tấm hình đẹp nhất thì đi vào thời gian này. Vì đợi đúng ngày thì khó có được tấm hình ưng ý do người chen chân rất đông. “Do nhu cầu của giáo dân mỗi năm một đông nên nhà thờ đã triển khai sớm việc trang trí. Không chỉ người công giáo, rất đông người ngoại đạo cũng đến đây tham quan, chiêm ngắm và chụp ảnh vào dịp Giáng sinh” - một giáo dân ở Nhà thờ An Châu chia sẻ.

Tại Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên, những dãy núi đá sừng sững đã hình thành. Theo một người chuyên thi công núi đá giáng sinh, việc hoàn thành một tiểu cảnh lớn như vậy rất tốn công sức, phải thi công liên tục trong nhiều ngày mới có thể hoàn thành. Ngoài việc tạo khung chắc chắc, phải mất rất nhiều công đoạn mới hoàn thiện một núi đá đẹp.

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xom-dao-mua-giang-sinh-a261020.html