'Xóm Bờ Giậu' và những câu chuyện đầy nhiệm màu về làng quê

Không gian thanh bình nơi làng quê bỗng chốc hóa thành xứ sở thần tiên dưới ngòi bút nhà văn xứ Bắc. Có những điều giản dị mà đẹp đẽ vô ngần được giữ gìn qua những câu chuyện nhỏ.

Sớm mai, khi giọt sương đang còn long lanh trên cành, chú bé đã bị đánh thức bởi tia nắng lấp lánh ngoài cửa sổ và tiếng chim chuyền cành lách chách gọi nhau. Buổi chiều ra bờ ao câu cá, mấy cậu nhóc thích thú khi thấy chú bọ que đạp nước hay anh chẫu chàng phi cái vèo qua lá sen… Những khung cảnh tươi đẹp và bình yên ấy đã in sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ.

Làn sóng đô thị hóa đã khiến làng quê Việt Nam, đặc biệt là làng quê Bắc Bộ thay đổi một cách chóng mặt. Bây giờ, tìm được một ngôi làng còn giữ nguyên những nét xưa cũ như: cầu ao, bến nước, cây mít lúc lỉu mỗi mùa hè hay lũy tre xanh rì rào… đang trở nên hiếm hoi. Nếu một mai, những ngôi làng mộc mạc ấy không còn, lũ trẻ làm sao biết được tuổi thơ của cha mẹ chúng thú vị đến nhường nào.

Là người sinh trưởng ở làng quê đồng bằng Bắc Bộ, khung cảnh thanh bình nhưng cũng không kém phần sống động nơi đây đã in sâu vào tâm trí nhà văn Trần Đức Tiến. Tập truyện đồng thoại Xóm Bờ Giậu của ông tựa như những thước phim đầy phép nhiệm màu về thiên nhiên nơi làng quê. Từng ngọn cỏ, nhành cây, chú dế, bác giun đất… đều được khắc họa một cách sinh động và thú vị.

Xóm nhỏ huyên náo mà thật nên thơ

Bờ giậu là cách gọi nôm na chỉ những hàng rào được dựng bằng tre nứa để ngăn giữa nhà này với nhà kia, hay ngăn giữa nhà với ao cá, mảnh vườn. Nhưng Xóm Bờ Giậu trong truyện của nhà văn Trần Đức Tiến là một nơi đầy ắp tiếng cười và không kém phần thi vị. Nơi đây có rất nhiều người bạn nhỏ dễ thương như: thi sĩ Dế Còm, cụ giáo Cóc, anh Thằn Lằn làm nghề thợ săn hay cô người mẫu Ốc Sên.

Tập truyện Xóm Bờ Giậu của nhà văn Trần Đức Tiến.

Tập truyện Xóm Bờ Giậu của nhà văn Trần Đức Tiến.

Một ngày kia khi cô Hoa Cúc Áo chuyển tới xóm Bờ Giậu, anh thi sĩ Dế Còm bỗng nổi hứng muốn làm thơ. Những vần thơ chan chứa tình cảm để tỏ lòng yêu quý người hàng xóm mới xinh đẹp của chàng thi sĩ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của những cư dân trong xóm Bờ Giậu.

Xóm Bờ Giậu tuy nhỏ bé nhưng mỗi ngày trôi qua nơi đây cũng muôn màu, muôn vẻ, tấp nập và huyên náo. Cô Ốc Sên làm người mẫu nên sáng chủ nhật là thời gian để nghỉ ngơi và ngủ nướng cho lại sức. Còn mấy anh Kiến Thợ vốn bản tính chăm chỉ nên vào những ngày nắng ráo thường tranh thủ đi kiếm thức ăn dự trữ cho mùa đông.

Vui vẻ là thế, nhưng ở cái xóm nhỏ này cũng có những lúc trầm lặng đến nao lòng. Đó là giây phút trở về của anh nhạc sĩ tài hoa Dế Lửa. Cả nửa đời phiêu dạt nơi thành phố đông đúc, lúc tuổi già lại muốn trở về với xóm Bờ Giậu thanh bình. Nhưng quê cũ của bác khác xưa nhiều quá, những người hàng xóm cũ như bác Giun Đất đã về với tổ tiên từ lâu. Nghĩ đến quãng đời nghệ sĩ nay đây mai đó của mình, Dế Lửa không khỏi nao lòng.

Những câu chuyện nhỏ thấm đẫm tình người

Nhà văn Trần Đức Tiến là một người tinh tế và thấu hiểu trẻ thơ. Suốt mấy chục năm cầm bút, nhiều sáng tác của ông đã được độc giả nhỏ yêu quý như: Vương quốc vắng nụ cười, Dế mùa thu, Thằng Cúp, Làm mèo…Tình yêu thương và sự trong trẻo hồn nhiên của tuổi nhỏ chính là cảm hứng bất tận để ông gắn kết với văn học thiếu nhi.

Người đồng hương của nhà văn Nam Cao viết cho thiếu nhi bằng tâm thế hồn nhiên của một đứa trẻ. Truyện đồng thoại của nhà văn Trần Đức Tiến có cái tinh tế, hồn nhiên mà nhiều tác giả viết cho thiếu nhi không có được. Bằng óc quan sát tỉ mỉ và lối miêu tả sinh động, một thế giới thiên nhiên kì thú được khắc họa thật sinh động. Dù trong thực tế, đó chỉ là nơi bờ rào, bờ giậu của làng quê.

Phần minh họa sinh động và đẹp mắt của họa sĩ trẻ Kim Duẩn.

Đọc Xóm Bờ Giậu, các bạn nhỏ sẽ bị lôi cuốn bởi cách sử dụng nghệ thuật nhân hóa tài tình của tác giả. Một chú Dế Còm có tâm hồn lãng mạn như nghệ sĩ, một cụ giáo Cóc hiền từ, sống có tình có nghĩa, một cô Ốc Sên kiêu kì nhưng biết lắng nghe… Các nhân vật của nhà văn Trần Đức Tiến đều được xây dựng kỹ lưỡng và rất có hồn. Đọc Xóm Bờ Giậu, người ta liên tưởng đến nhiều tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng, đã ở trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ như: Cái Tết của Mèo con, Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công, Dế Mèn phiêu lưu kí…

Thông qua hình tượng các nhân vật như: Kiến, cụ giáo Cóc, cô Ốc Sên, anh Thằn Lằn… nhà văn Trần Đức Tiến mang đến cho các độc giả nhí những bài học ý nghĩa về lòng dũng cảm, đức tính chăm chỉ, yêu lao động. Bên cạnh đó, những câu chuyện trong Xóm Bờ Giậu cũng ẩn chứa nhiều truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam như: tình làng nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, đạo lý uống nước nhớ nguồn…

Không chỉ có vậy, tập truyện Xóm Bờ Giậu còn bồi đắp cho các độc giả nhí tình yêu với thiên nhiên, trân trọng những điều tốt đẹp, dù là nhỏ bé trong cuộc sống như: một nhành hoa, một chú ong, một ngọn cỏ. Bởi thế giới này tươi đẹp hơn nhờ tình yêu thương và yêu thương là đó cũng là điều chúng ta phải học suốt cuộc đời.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/xom-bo-giau-va-nhung-cau-chuyen-day-nhiem-mau-ve-lang-que-post877847.html