Xôi bảy màu

Xôi màu là món ăn truyền thống trong những ngày lễ, tết của đồng bào các dân tộc ở huyện Mường Khương - Lào Cai.

Theo kinh nghiệm của cha ông để lại các dân tộc thiểu số tại Mường Khương ít nhiều đều biết sử dụng cây cỏ để nhuộm màu cho vật dụng và thực phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trong đó có nhiều cây vừa là cây thuốc vừa là cây nhuộm có màu sắc đa dạng được đồng bào lựa chọn để nhuộm màu thực phẩm… Trong các dân tộc thiểu số ở huyện Mường Khương thì dân tộc Nùng Dín có nhiều kinh nghiệm pha chế màu nhuộm thực phẩm từ cây cỏ phong phú và độc đáo.

Bảy màu của xôi thường là: Tím huế, tím than, đỏ, xanh cửu long, xanh cổ vịt, xanh da trời, vàng… được tạo ra chủ yếu từ các loại cây lá: Cây Cẩm đỏ tiếng Nùng gọi là Chẩm Thủ, cây Cẩm tím (Chẩm Lai), cây Cẩm gạo (Chẩm khâu), hoa của cây Mật Mông Hoa (đoọc phẩn), ngoài ra còn nhiều loại khác cho bà con lựa chọn như củ Nghệ, cây Bẳng Lai cho màu vàng và lá gừng cho xôi có màu xanh lá cây.

Gạo nấu xôi ngon nhất là loại gạo nếp nương hạt to, dài. Gạo vo sạch và ngâm riêng trong dịch màu của các loại cây đã được chế biến, sau đó gạo được đãi lại để ráo rồi để riêng mỗi màu một góc trong chõ đồ xôi và đồ lên trong khoảng hơn một giờ sẽ được một chõ xôi bảy màu thơm ngon và đẹp mắt. Mỗi một màu xôi có những cách làm khác nhau.

Để làm xôi đỏ bà con lấy cành lá cây Cẩm đỏ (Chẩm Thủ) cho nước sâm sấp đun sôi khoảng 20 phút chắt lấy nước để nguội rồi cho gạo nếp đã được vo sạch vào ngâm khoảng 6-8 giờ, đãi lại bằng nước lã rồi đem đồ xôi, xôi chín sẽ lên màu đỏ rất đẹp. Với cây Cẩm tím (cho màu tím), cây Cẩm gạo (cho xôi màu xanh) cũng làm tương tự như vậy, bằng cách này xôi có màu tím huế (tím ánh hồng) từ cây Cẩm tím và màu xanh Cửu Long từ cây Cẩm gạo.

Chỉ từ một cây Cẩm tím bà con đã tạo được nhiều màu khác nhau như: Tím huế, tím than, xanh da trời… đem đun xôi cành lá cẩm tím với nước thì được dịch chiết tím huế. Nếu giã sống cành lá Cẩm tím tươi với ít gio trắng (gio mịn màu trắng, đốt từ các loại củi trắc, không đắng, không độc hại) sẽ được dịch chiết cho màu xanh, trộn lẫn nước cây Cẩm tím và cây Cẩm gạo sẽ cho màu xanh nước biển, với màu vàng thì có nhiều lựa chọn có thể dùng củ nghệ hoặc cây Bằng lai hoặc hoa của cây Mật Mông Hoa (đoọc phẩn).

Bà con thường dùng ưa chuộng dùng hoa cây Mật Mông hoa hơn bởi lẽ dễ chế biến và xôi có màu vàng đẹp, có mùi thơm của mật ong và theo kinh nghiệm dân gian thì cây này còn có tác dụng lợi gan, sáng mắt. Có thể dùng hoa tươi hoặc hoa khô, rửa sạch hoa đun sôi với nước gio trong khoảng 10-20 phút, chắt nước ra để nguội rồi cho gạo vào ngâm vài giờ, vớt gạo ra đãi sạch rồi đồ chín xôi sẽ có màu vàng.

Nếu ngâm nước dịch chiết loãng, thời gian ngắn thì xôi có màu vàng tươi, nước dịch chiết đặc ngâm lâu xôi có màu vàng ánh nâu. Gạo đã ngâm nước dịch chiết loãng từ hoa cây Mật Mông Hoa có màu vàng nhạt rồi lại ngâm vào nước dịch chiết của cây Cẩm tím sẽ cho xôi màu xanh nước biển rất đẹp… Xôi màu nâu thì có sự pha trộn giữa gạo nếp màu đỏ nhuộm từ cây Cẩm đỏ với nước cành lá cây Cẩm tím luộc nước gio...

Người Nùng Dín quan niệm ngày lễ, tết ăn xôi bảy màu sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.

P.Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xoi-bay-mau-557213.html