Xoay xở thời dịch bệnh

Tan sở, tôi vội đến siêu thị để mua hàng. Đang trong mùa dịch ở Nhật Bản nên cái gì cũng khan hiếm, từ khẩu trang, nước rửa tay, đến giấy vệ sinh và cả mì gói. Các gian hàng gần như trống rỗng.

Người dân xếp hàng mua đồ tại siêu thị Nhật Bản

Người dân xếp hàng mua đồ tại siêu thị Nhật Bản

Khách hàng liên tục hỏi, nhưng ngay những người quản lý tại siêu thị cũng chỉ biết xin lỗi và không thể đưa ra câu trả lời khi nào mới có hàng. Chỉ mua được vài gói mì và một số đồ dùng, thực phẩm đủ dùng trong vài ngày rồi lại vội vã về nhà lo sửa soạn cho bữa tối muộn.

Ở Kyoto hiện đã có 2 người nhiễm Covid-19, có lẽ do vậy mà người dân tranh thủ đi mua hàng hóa về dự trữ, nhất là sau khi chính phủ có thông báo chính thức về việc cho học sinh nghỉ học đến hết kỳ nghỉ xuân. Khu dân cư tôi đang sống và cả ở công ty mọi người rất chủ động phòng tránh dịch do người Nhật từ lâu có thói quen giữ vệ sinh rất tốt. Ở Nhật, không phải đợi đến dịch bệnh lần này mới áp dụng những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay hay dùng cồn sát khuẩn mà vốn dĩ đã là việc làm hàng ngày ở hầu khắp các cơ quan, trường học, nhà máy hay các địa điểm công cộng. Việc hàng hóa khan hiếm, theo lý giải của một chị đồng nghiệp, là do phần đông người nước ngoài đến gom hàng tại các siêu thị. Người Nhật sau khi chờ thông báo của chính phủ mới bắt đầu đi mua hàng, nhưng cũng chỉ mua ở số lượng đủ dùng.

Tuy chưa có con nên chưa phải lo việc giữ con nhưng nghe chị bạn có con học lớp 2 ở Shizuoka kể chuyện tôi cũng biết được nhiều thứ hữu ích. Gia đình chị hai người đều đi làm, chị đành xin chuyển sang công việc bán thời gian để xoay xở việc nhà. May mắn là trẻ con ở Nhật đều tự lập từ bé nên chị cũng không quá vất vả vì con. Lúc ở nhà thì tự học bài.

Còn chị Minh đang sống ở Saitama có bé con đang học mẫu giáo thì vẫn đưa bé đi học bình thường. Trường mẫu giáo của bé cũng gửi thông báo liên quan đến dịch Covid-19, trong đó chủ yếu là cảnh báo các biện pháp phòng ngừa và hủy một số buổi học ngoại khóa. Vốn ngày nào trường cũng gửi email thông báo số lượng trẻ nghỉ ốm, nghỉ vì lý do gì và nhắc nhở các bé giữ vệ sinh, khuyến cáo các bé thường xuyên rửa tay cả ở nhà và ở trường cũng như khi ra ngoài. Đến cả đợt dịch này, thông báo đó vẫn thường xuyên, nên chị cũng như các phụ huynh khác đều khá an tâm. Nhiều năm sống ở Nhật nên gia đình chị đã học được tinh thần sẵn sàng chuẩn bị. Một ngày trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch, chị đã mua các sản phẩm bảo vệ gia đình từ khẩu trang, thẻ chống virus, dung dịch rửa tay, túi chống khuẩn treo trong nhà... Tại trường, các bé thay khẩu trang và rửa tay sau mỗi giờ học. Ở nhà, chị tăng cường cho con uống nước ấm, mật ong và bổ sung nhiều vitamin C. Riêng nhà cửa xịt khử trùng hàng tuần.

Để hỗ trợ cho cộng đồng người nước ngoài, Nhật Bản đã thiết lập các đường dây nóng đa ngôn ngữ để tư vấn miễn phí cho người nước ngoài hoặc du khách nước ngoài về dịch bệnh nguy hiểm này. Một số tỉnh, thành có đông người Việt sinh sống hoặc có người nhiễm Covid-19 như Okinawa, Saitama, Fukuoka, Osaka, Aichi, Nagano hay Hokkaido đã có dịch vụ tư vấn bằng tiếng Việt. Cùng với việc thiết lập đường dây nóng, Chính phủ Nhật Bản cam kết chi trả toàn bộ viện phí và chi phí điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh, bao gồm cả người nước ngoài đang sống ở Nhật Bản hoặc du khách nước ngoài. Với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng Nhật Bản, đa số người Việt Nam như tôi đều cảm thấy yên lòng hơn.

QUỲNH GIAO (từ Kyoto, Nhật Bản)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xoay-xo-thoi-dich-benh-648414.html