'Xoay chiều' nghịch lý học cao, thất nghiệp cao

Một cuộc tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Xoay chiều nghịch lý: Học cao, thất nghiệp cao” vừa diễn ra tại Khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, sau khi có thông tin đăng tải trên báo Bloomberg (Mỹ) về nghịch lý giáo dục đại học Việt Nam hồi trung tuần tháng 8. Trong số các khách mời có Hoa hậu Ngô Phương Lan, người hiện đang đảm nhận vị trí MC chương trình "Quốc gia khởi nghiệp".

Doanh nghiệp cần gì?

Trong bối cảnh cơ hội học tập đại học đã trở nên rộng mở qua nhiều cách thức khác nhau, bao gồm cả học trực tuyến, “Doanh nghiệp không cần những người như bảo tàng kiến thức. Cần chú trọng đến các kỹ năng, vốn đòi hỏi một quá trình luyện tập”, Hoa hậu Ngô Phương Lan chia sẻ trong tọa đàm.

Hoa hậu Ngô Phương Lan tại buổi tọa đàm.

"Tôi nghĩ kiến thức học trong trường đại học ở Việt Nam và quốc tế đều được áp dụng trong công việc của chúng ta sau này. Không phải do trường học chưa cung cấp đủ kiến thức, mà các bạn sinh viên phải hiểu được mong muốn của mình trong tương lai là gì. Các sinh viên cần thay đổi cách suy nghĩ và học tập, cũng như các trường bây giờ đang cố gắng thay đổi chương trình học để cung cấp cho các bạn nền tảng phát triển sự nghiệp”, Hoa hậu Ngô Phương Lan khẳng định.

Đồng tình với Hoa hậu Ngô Phương Lan, TS. Đoàn Thu Trang, giảng viên Khoa Quốc tế cũng cho rằng, các sinh viên Việt Nam thiếu sự định hướng và không hiểu rõ lý do phải học mỗi môn học, sẽ áp dụng môn học đó vào việc gì? Hệ quả là luôn rơi vào tình trạng mông lung. “Các bạn có thể đến trường, đi học, được điểm cao, nhưng không thực sự hiểu là những kiến thức đó có thể giúp ích gì được mình trong tương lai. Chính vì thế khi ra trường rất nhiều kiến thức bị bỏ sót”, TS Đoàn Thu Trang chia sẻ.

Còn bà Từ Quỳnh Hạnh, Tổng Giám đốc công ty Kiểm toán và Định giá Thăng Long T.D.K, một trong những khách mời của toạ đàm, thì nhận định: Các sinh viên mới ra trường thường đã có điều kiện cần – kiến thức chuyên môn do trường đại học trang bị, nhưng lại thiếu am hiểu về chính sách, quy định cho từng ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, điều này có thể khắc phục bằng cách tích cực thực tập tại các công ty.

Ít hi vọng ở các trường đại học công?

TS. Đoàn Thu Trang cho rằng đây là một kết luận khá bi quan và phiến diện của báo Bloomberg: “Ở Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, chúng tôi đang có rất nhiều hoạt động cho sinh viên để họ tăng cường tiếp cận với thực tế nhiều hơn qua những chuyến đi thăm doanh nghiệp, các dự án trải nghiệm. Chúng tôi đã bắt tay cùng công ty Kiểm toán và Định giá Thăng Long T.D.K để đào tạo thực hành cho sinh viên từ rất sớm”.

Công ty này cũng là bến đỗ của nhiều sinh viên Khoa Quốc tế và một số trường Đại học công lập khác. “Có năm chúng tôi tiếp nhận cả một lớp sinh viên Khoa Quốc tế về làm việc. Tôi thấy sinh viên các trường này đều có kiến thức căn bản và năng động. Nói chung, chúng tôi tìm thấy những cái mình cần ở sinh viên các trường công”, bà Từ Quỳnh Hạnh chia sẻ.

Là một sinh viên năm cuối chuyên ngành Kinh doanh (kế toán) đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, đơn vị công lập hiếm hoi chỉ tổ chức đào tạo các chương trình đại học và thạc sỹ bằng tiếng Anh tại Hà Nội, Trương Hoàng Giang, một khách mời khác của buổi toạ đàm, tỏ ra hài lòng về lựa chọn học tại Khoa Quốc tế. Giang tự tin khẳng định mình có lợi thế lớn khi tìm kiếm công việc mơ ước: tất cả các sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh (Kế toán) đều được miễn thi 9 trường 14 môn thi chứng chỉ kiếm toán quốc tế danh giá ACCA.

Chặng đường để được xác nhận miễn thi nhiều môn ACCA như vậy cũng không hề dễ dàng. Vốn trước đó chỉ học các môn tự nhiên, Giang mất 1 năm học tiếng Anh trước khi bắt đầu chương trình đại học với những khối kiến thức lớn, và bao gồm rất nhiều môn học về kế toán, tài chính, quản trị. Giang cũng trưởng thành hơn nhiều về kỹ năng, khi trải qua vô số bài thuyết trình, làm việc nhóm, nghiên cứu tài liệu để viết các bài luận trong 3 năm học trước đó.

“Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào các chương trình đào tạo của các trường Đại học công” , TS  Đoàn Thu Trang kết luận tại tọa đàm, nhưng triển vọng nghề nghiệp của các sinh viên phụ thuộc khá nhiều vào mức độ “tự hiểu rõ bản thân”, kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa, thực tập tại doanh nghiệp, hay làm các công việc làm them nhằm“tăng điểm hồ sơ”và bổ sung những kỹ năng mềm cho mình.

PV (Báo Tin Tức )

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/xoay-chieu-nghich-ly-hoc-cao-that-nghiep-cao-20170907181555668.htm