Xóa xã 135 - Câu chuyện hành trình Tết ấm

Không khí của mùa xuân đang rộn ràng, lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước. Mọi gia đình sum vầy với bao niềm tin và hy vọng vào một năm mới tốt lành. Đối với 12 xã, 8 thôn cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh vừa hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đủ điều kiện ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong năm 2019 thì niềm vui đón xuân Canh Tý càng nhân lên gấp bội.

Anh Chíu A Nhì (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) vui mừng khoe về ngôi nhà mới của gia đình, hoàn thành tháng 9/2019.

Anh Chíu A Nhì (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) vui mừng khoe về ngôi nhà mới của gia đình, hoàn thành tháng 9/2019.

Tết ấm ở những bản, làng

Xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) những ngày này rực rỡ sắc hoa đào. Năm nay, nơi đây rộn ràng, phấn khởi hơn mọi năm vì số hộ nghèo đã giảm nhiều, và vui mừng hơn khi xã hoàn thành Chương trình 135, đủ điều kiện ra khỏi diện ĐBKK.

Xuân này, gia đình anh Chíu A Nhì (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc) bận rộn hơn mọi năm, bởi có nhiều việc cần phải chuẩn bị cho ngôi nhà mới - ngôi nhà mơ ước của gia đình anh từ rất lâu, nay đã thành hiện thực. Đối với gia đình anh Nhì có lẽ không biết bao nhiêu mùa xuân nữa mới có thể xây dựng được ngôi nhà mới nếu như không có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Anh Nhì tâm sự: "Được Nhà nước hỗ trợ vốn thông qua Đề án 196 để phát triển sản xuất, tôi đã mạnh dạn đăng ký trồng hơn 5ha cây keo cùng với chăn nuôi thêm gia súc. Với số tiền tiết kiệm được, mới đây gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới này. Gia đình tôi đã thoát nghèo. Xuân này sẽ càng vui hơn vì cả nhà được đón Tết trong căn nhà mới...".

Cũng giống anh Chíu A Nhì, anh Triệu A Hồng (thôn Khe Vang, xã Đồn Đạc) cũng thoát cảnh nghèo nhờ sự nỗ lực và tận dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Năm 2017, anh được xã hỗ trợ cây keo giống từ Đề án 196 và bắt tay vào trồng 10ha rừng từ đó. Thời gian rảnh, vợ anh đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Cùng sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên, đến nay gia đình anh Hồng đã thoát nghèo. Anh Hồng, cho biết: "Năm nay kinh tế gia đình khá hơn rồi nên không phải lo mỗi khi Tết đến nữa. Tết này tôi cũng sắm cho các con được nhiều quần áo mới, đồ dùng trong nhà để đón Tết...".

Từ nguồn lực của Đề án 196, thời gian qua xã Đồn Đạc được đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, chuồng trại, công trình vệ sinh..., vì vậy diện mạo thôn, bản nơi đây đã có sự thay đổi tích cực. Nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư cây giống, con giống, chủ động tham gia các mô hình phát triển sản xuất; chủ động trang bị kiến thức, kinh nghiệm để chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nếu như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của Đồn Đạc là 20,1%, cận nghèo là 16,77%, thì đến hết năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,69%, cận nghèo còn 9,67%. Sự đổi thay đó là "đòn bẩy" mạnh mẽ để Đồn Đạc sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đủ điều kiện ra khỏi diện ĐBKK vào thời điểm kết thúc năm 2019, góp phần mang đến sắc xuân thêm rực rỡ cho các thôn, bản vùng cao nơi đây.

Đồng chí Khiếu Anh Tú, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, phấn khởi cho biết: Kết quả đó là nhờ tác động tích cực từ những chủ trương, chính sách hỗ trợ trúng, đúng của Đảng và Nhà nước cho các địa phương ĐBKK, điển hình là Đề án 196. Đây là quyết sách hợp ý đảng, lòng dân, thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra làn gió mới lan tỏa vùng đất vốn được coi là "rốn nghèo" của huyện Ba Chẽ. Từ đây, ý thức, nhận thức của người dân thay đổi tích cực, dần loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Đủ điều kiện ra khỏi xã 135, công tác giảm nghèo khởi sắc đã thực sự mang sắc xuân đến sớm, cùng niềm tin, hy vọng vào một năm mới nhiều thắng lợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã.

Không chỉ Đồn Đạc, mà 11 xã và 8 thôn ĐBKK còn lại trên địa bàn tỉnh vừa hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đủ điều kiện ra khỏi diện ĐBKK năm 2019, cũng đón một xuân mới đặc biệt và ý nghĩa. Thành quả của sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững cộng với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của tỉnh, của địa phương, bà con các xã, thôn ĐBKK đang hân hoan và kỳ vọng một mùa xuân mới tiếp tục mang đến nhiều đổi thay tích cực.

Tuyến đường dài hơn 800m lên khu Sán Chỉ (thôn Khe Mọi, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) được bê tông hóa trong năm 2019.

Thành quả từ đổi mới tư duy, hành động thực tiễn

Tỉnh luôn xác định nhiệm vụ đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó, nêu cao quan điểm “Tỉnh ban hành cơ chế chính sách; các sở, ngành tham mưu đắc lực; cấp huyện trực tiếp chỉ đạo; cấp xã trực tiếp thực hiện; thôn bản đoàn kết, đồng lòng; người dân thực sự là chủ thể tích cực sản xuất và chủ động thoát nghèo; lấy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là trung tâm; hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu là cần thiết”.

Nhờ quyết tâm chính trị và cách làm mới, đổi mới từ tư duy đến hành động thực tiễn của tỉnh, trong 3 năm triển khai Đề án 196 đã thực sự mang đến cho Quảng Ninh những thành quả đáng tự hào. Từ năm 2017-2019, tỉnh đã chi ngân sách trên 1.900 tỷ đồng thực hiện Đề án 196, trong đó tập trung đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cộng đồng. Đến nay, diện mạo vùng ĐBKK trong tỉnh được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn ĐBKK được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,2% năm 2018 xuống 0,56% năm 2019.

Năm 2019 có trên 400 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. 100% xã ĐBKK có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm xã; đường giao thông đến các thôn ĐBKK cơ bản được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng trên 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích canh tác hằng năm. 100% xã ĐBKK có trạm y tế đạt chuẩn; có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân. 100% số hộ dân các thôn, xã ĐBKK được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 92,8% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 90% số hộ dân được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất…

Năm 2017, toàn tỉnh có 6 xã, 2 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK; năm 2018, Quảng Ninh có thêm 5 xã, 190 thôn ra khỏi diện ĐBKK; đến hết năm 2019, 12 xã, 8 thôn ĐBKK còn lại của tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, đủ điều kiện ra khỏi diện ĐBKK, về đích trước 1 năm so với lộ trình đề ra. Kết quả đó cho thấy bức tranh tươi sáng về vùng nông thôn, miền núi khó khăn của Quảng Ninh sau nhiều năm nỗ lực triển khai Đề án 196. Đồng thời khẳng định rõ, đề án là kết quả của cách làm đột phá, sáng tạo, quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh trong thực hiện công tác giảm nghèo, là "cầu nối" để các xã ĐBKK của tỉnh tiếp tục bứt phá vươn lên.

Đánh giá về Đề án 196 của tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Đề án 196 của tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK thể hiện cách làm sáng tạo, riêng có, hiệu quả của Quảng Ninh. Đây là đề án được xây dựng công phu, trên cơ sở khảo sát cụ thể từ thực tiễn các địa phương, xuất phát từ chính mong muốn của người dân và các cấp ủy, chính quyền, đã tạo sự đồng thuận lớn trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Với sự đầu tư vượt trội từ nhiều nguồn lực lồng ghép, Quảng Ninh đã tạo sức bật mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực các xã vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Quan trọng nhất, đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó kéo giảm khoảng cách giữa vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa với thành thị, nông thôn trong tỉnh.

Thu Chung

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/xoa-xa-135-cau-chuyen-hanh-trinh-tet-am-2468920/