Xoa tiền lên tượng Phật lấy may là mê tín dị đoan

Nhiều người đi chùa đầu năm có hành động xoa tiền lên tượng phật, nhét tiền vào tay tượng, đó là những hành động không đẹp, mê tín dị đoan. Bất kể ai muốn có 'lộc' thì phải có phúc báu, vì phúc báu mới sinh ra 'lộc'.

 Du khách thập phương, phật tử hành lễ tại chính điện chùa Ba Vàng. Ảnh: Tạ Quang.

Du khách thập phương, phật tử hành lễ tại chính điện chùa Ba Vàng. Ảnh: Tạ Quang.

Mỗi năm vào dịp đầu tháng giêng, hàng vạn du khách thập phương đổ về các khu di tích chùa, đền, miếu, phủ hành lễ. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu biết đúng về việc đi lễ chùa.

Khi đi lễ chùa, nhiều người dân đi lễ chùa do thiếu hiểu biết thường có thói quen rải tiền lẻ ở trên bàn thờ, nhét tiền vào kẽ tay, chân hoặc thậm chí xoa tiền vào tượng Phật. Họ không biết rằng việc làm ấy sai với giáo lý nhà Phật.

Từ thời xa xưa, quan niệm đi chùa góp tiền công đức, có giọt dầu đã có từ lâu đời, là một nhu cầu tâm linh của người dân. Ngày xưa đến chùa, dù ít, dù nhiều thì người ta cũng rất trân trọng để vào cái đĩa, rồi dâng lên cho nhà chùa, nhà đền. Đây là một hành động rất đẹp khi đi đền, chùa.

Tuy nhiên, ngày nay, việc dâng tiền công đức, giọt dầu được thực hiện rất khác. Nhiều người khi đi lễ chùa đã rải tiền khắp nơi, từ bệ thờ, bát hương hay thậm chí người ta còn giắt tiền khắp mình tượng, nhét vào tay của tượng Phật.

Nhiều người có thói quen xoa tiền lên tượng Phật, hay gài tiền vào tay tượng Phật, đó đều là những hành động không đẹp, mê tín dị đoan.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh).

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết: "Hành vi lấy tiền xoa lên tượng phật, hay nhét vào tay tượng, mang tai tượng đều là bôi nhọ Phật".

Giải thích về quan điểm này, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho biết, ngai vàng, biển ngọc phật còn bỏ thì phật đâu cần tiền, phật cần đạo lí để sống trên đời. Mặt khác xoa tiền lên tượng phật còn có thể làm bong sơn dẫn đến hỏng tượng.

Người dân chen chân xoa tiền lên tượng Phật để cầu may dịp đầu năm mới tại chùa Bái Đính thời điểm 2018. Video: Đăng Khoa

Theo Đại đức Thích Trúc Thái Minh, muốn có lộc thì phải có phúc báu, đi chùa để có phúc báu thì phải đi chùa như pháp phật dạy. Đến chùa thì kính phật, công đức cúng dường Tam Bảo đúng cách. Khi mọi người bỏ tiền vào công đức là đã một phần bỏ cái tham để được cái phúc.

Người đi chùa thì giữ gìn bảo vệ chùa sạch đẹp trang nghiêm, đến chùa thấy rác bẩn cúi xuống nhặt hay lau chùi ban thờ trong chùa cũng được cho là đúng pháp.

Du khách thập phương, phật tử hành lễ trang nghiêm tại chính điện chùa Ba Vàng. Ảnh: Tạ Quang.

Hiện nay, rất nhiều người dân đang đi đền chùa bái phật dường như chỉ để là cầu tài, cầu lộc nhiều hơn là việc đi lễ hội để biết những ý nghĩa văn hóa xâu xa và hướng thiện mà ông cha đã thầm gửi gắm trong đó.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhấn mạnh, đất nước ta có những giai đoạn rất nghèo nhưng không thiếu nụ cười an vui. Hạnh phúc phải xuất phát từ cái tâm chia sẻ yêu thương. Khi đói thì ai cũng khổ nhưng vật chất tiền bạc cũng chỉ là một phần để trợ duyên cho hạnh phúc. Điều quan trọng nhất khi đi lễ chùa là phải ý thức được từ việc ăn mặc sao cho đúng, kín đáo và sạch sẽ. Không nên đặt tiền hay xoa tiền, nhét tiền vào tay tượng ở các ban thờ Phật.

ĐÔNG - HUYỀN - QUANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/xoa-tien-len-tuong-phat-lay-may-la-me-tin-di-doan-658058.ldo