Xóa thẻ vàng IUU: Không mua hải sản bất hợp pháp

Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng do không đáp ứng các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), hải sản xuất khẩu của Việt Nam đã giảm mạnh. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP (VMPC) - xung quanh vấn đề này.

Xin bà cho biết, xu hướng xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua?

Hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU sụt giảm

Hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU sụt giảm

Trong kế hoạch của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề ra cho năm 2019, mặt hàng hải sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD để đóng góp chung vào kim ngạch trên 10 tỷ USD mục tiêu của ngành thủy sản năm nay. Qua theo dõi của chúng tôi, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào các thị trường có khuynh hướng tăng lên là một tín hiệu đáng mừng; riêng ở thị trường EU có sự sụt giảm mạnh do tác động của thẻ vàng IUU. Cụ thể, từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, sau thẻ vàng, xuất khẩu qua EU đã tụt xuống đứng thứ 5 với kim ngạch 251 triệu USD trong 8 tháng năm 2019.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP (VMPC)

Tuy nhiên, điều này không quá đáng lo nếu như các doanh nghiệp (DN), cơ quan nhà nước cùng nhìn về một hướng phát triển, phát huy nghề đánh bắt cũng như có chương trình làm sao hỗ trợ cho ngư dân tàu thuyền, cơ sở hạ tầng thì ngành đánh bắt hải sản của Việt Nam trong thời gian tới đương nhiên sẽ phát triển mạnh hơn.

Cơ sở nào để bà cho rằng ngành hải sản sẽ có tiềm năng phát triển tốt trong thời gian tới?

Có 3 lý do: Việt Nam có bờ biển dài trên 3.000km; số lượng ngư dân có tới cả triệu người và nguồn lao động cung cấp cho sản xuất hải sản đông đảo. Do đó, ngoài chuyện hỗ trợ ngư dân đánh bắt bán được sản phẩm với giá tốt, nếu chúng ta tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức, ngành này chắc chắn sẽ phát triển tốt. Để làm được, theo tôi, chúng ta cũng nên học kinh nghiệm của những nước phát triển ngành khai thác hải sản tốt như Na Uy, Đan Mạch… Những nước này đã đưa nghề cá của họ từ nghề cá nhân dân trở thành nghề cá công nghiệp phát triển mạnh.

Như bà có chia sẻ, kể từ khi EC cảnh báo thẻ vàng IUU, hải sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã sụt giảm. Vậy theo bà, cần có giải pháp nào để gỡ thẻ vàng của EC cho hải sản?

Ngay khi EC cảnh báo thẻ vàng IUU, VMPC và 62 DN đã tuyên bố cam kết chống khai thác IUU, thể hiện qua việc các DN hải sản Việt Nam đồng loạt treo biển cam kết chống khai thác IUU, thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều bất cập trong việc gỡ thẻ vàng. Muốn giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, cần phải tập trung vào xử lý các tàu đánh bắt bất hợp pháp và Chính phủ phải có chế tài cho ngư dân biết mà tuân thủ. Ngoài ra, việc tái định vị, giám sát hành trình bắt buộc phải có chương trình cụ thể để thể hiện với EU là Việt Nam đang làm và sẽ làm triệt để. Cuối cùng là hệ thống thông tin - phải làm sao để có thể truy xuất những thông tin của các tàu trên phạm vi toàn quốc…

Một khi chúng ta cải thiện được các vấn đề nêu trên thì việc gỡ thẻ vàng IUU sẽ không quá khó, thậm chí là cơ hội cho ngành hải sản tập trung tái cơ cấu, đưa nghề cá nhân dân thành nghề cá công nghiệp, có trách nhiệm và phát triển ngày một bền vững hơn.

Xin cảm ơn bà!

Mai Ca - Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xoa-the-vang-iuu-khong-mua-hai-san-bat-hop-phap-125951.html