Xóa tan nỗi lo tăng cân dịp Tết

Cân bằng dinh dưỡng, tránh béo phì là mối quan tâm của chị em khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán vừa qua. Hãy lắng nghe TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam phân tích về vấn đề này, để chị em phụ nữ có chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn lấy lại vóc dáng cơ thể.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TS Trương Hồng Sơn cho hay, việc ăn nhiều, không tập luyện và thức khuya, ăn đêm trong dịp Tết khiến cân nặng tăng nhanh. Năng lượng dư thừa nhiều không được tiêu hao bằng tập luyện trong dịp Tết sẽ được tích tụ dưới dạng mỡ trắng. Càng ăn nhiều thì lượng mỡ trắng sinh sôi nhiều hơn. Do vậy, nhiều người có thể cảm nhận cơ thể nặng nề hơn ngay sau kỳ nghỉ Tết.

“Nhiều người nghĩ rằng, ngày Tết đã ăn quá nhiều thì có thể bỏ một vài bữa, coi như ăn kiêng, nhưng điều này hoàn toàn sai lầm. Bỏ bữa sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, hạ đường huyết, đau đầu thậm chí tăng cảm giác thèm ăn và ăn nhiều hơn vào bữa sau. Đối với những người có bệnh về đường tiêu hóa, việc bỏ bữa có thể sẽ khiến các triệu chứng nặng thêm hoặc bệnh tình tái phát. Do vậy, vào ngày Tết, dù bận rộn đến mấy cũng không nên bỏ bữa, cũng không nên ăn quá nhiều”, TS Sơn nói.

Trong dịp Tết, việc ăn uống khoa học sẽ là cách tốt nhất bảo đảm cho mỗi người có một năm mới vui vẻ, sức khỏe dồi dào và hạnh phúc, đặc biệt là với các bệnh nhân có bệnh đường tiêu hóa như bệnh dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, đại tràng, hội chứng ruột kích thích….

Do vậy, ngày Tết dù bận rộn nhưng vẫn cần bảo đảm ăn đúng bữa. Đặc biệt, với trẻ em và người lớn tuổi hệ tiêu hóa làm việc không như những người trưởng thành càng phải được chăm sóc các bữa ăn và ăn đúng giờ.

“Không nên ăn nhiều các món chứa nhiều muối, chất béo, bột đường. Chính vì vậy, các loại dưa muối, lạp xưởng, giò thủ, bánh chưng, bánh tét, thịt kho, da gà… dù khoái khẩu cũng nên hạn chế. Hạn chế ăn bánh kẹo, uống các loại nước ngọt đặc biệt vào trước bữa ăn. Chú ý không ăn các loại thực phẩm đã bị ôi thiu, mốc hỏng đã để lâu trong tủ lạnh. Ngoài ra, cần chú ý bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng thông qua việc ăn nhiều các loại rau củ quả, trái cây. Những người bị bệnh đường tiêu hóa cần cố gắng duy trì chế độ ăn uống kiêng khem như ngày thường và uống đủ thuốc”, BS Sơn nói.

Sau Tết, mọi người nên đưa lịch sinh hoạt, ăn uống về bình thường càng sớm càng tốt.

- Trước hết, nếu đã lỡ ăn uống thả phanh trong những ngày Tết cần phải kiên định quay lại với chế độ ăn hợp lý. Kiểm soát đầu vào từ 1.400 - 1.600 Kcal mỗi ngày, khi đó, cơ thể sẽ buộc phải lấy mỡ từ kho dự trữ để chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể vận động.

- Lưu ý không nên ăn nhiều chất bột đường như: cơm, bánh mỳ, bún phở, bánh kẹo ngọt, trái cây ngọt, bánh mứt hay các chất béo trong thịt mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ chiên rán...

- Hạn chế sử dụng đồ uống có gas, có đường, bia, rượu, cà phê, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn. Tăng cường bổ sung rau củ, trái cây.

- Chế biến món ăn sau Tết nên chủ yếu là hấp, luộc, tránh chiên, xào.

- Ăn đủ đạm từ thịt cá, trứng, sữa. Sau Tết nên chuyển sang ăn cá, hải sản sẽ đỡ ngán. Người cao tuổi nên hạn chế ăn thịt, ăn nhiều cá sẽ giúp dễ tiêu hóa, cung cấp omega-3 tốt cho tim mạch.

- Uống đủ nước.

- Nên duy trì tối thiểu 30 phút vận động mỗi ngày với các môn thể thao phù hợp. Để tiêu hao nhiều năng lượng hơn đã được nạp liên tục vào cơ thể bạn trong mấy ngày Tết, có thể chọn những môn vận động với cường độ cao hơn ngày thường. Và sau đó có thể giảm cường độ xuống dần tùy theo sức khỏe của mỗi người. Những vận động tưởng nhỏ như đi lại, xoay lắc người khi nghỉ ngơi, khi xem ti vi cùng gia đình; chọn đi cầu thang bộ thay cầu thang máy… cũng góp phần giúp ích tiêu hao năng lượng. Nếu thời tiết ấm áp, nên khuyến khích trẻ nhỏ ra ngoài vui chơi, vận động vừa để tiêu hao năng lượng, vừa để có cảm giác đói thì sẽ ăn ngon miệng hơn.

LÂM TRẦN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/goc-tu-van/item/39161002-xoa-tan-noi-lo-tang-can-dip-tet.html