'Xóa tan' căn bệnh khó nói ở phụ nữ tuổi xế chiều bằng liệu pháp Laser

Cuộc Hội thảo lần thứ 13 về Sa tạng chậu vừa được tổ chức tuần qua tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh thu hút nhiều y bác sĩ trong và ngoài nước.

Đặc biệt năm nay có sự hiện diện của các chuyên gia tới từ Đức và Canada, cũng như sự quan tâm của nhiều bác sĩ là Trưởng, Phó khoa Sản thuộc các BV Hùng Vương, BV Đại học Y dược TP HCM, và BV các tỉnh thành phía Nam.

Căn bệnh "mất đi niềm vui sống khỏe" nhưng đa phần người bệnh "giấu chồng"

Sa tạng chậu là nỗi ám ảnh của phụ nữ sau sinh, theo thống kê của Hội Sàn chậu TP HCM, cứ 3 phụ nữ từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu.

Trong đó cứ 5 người thì có một người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như: sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng. Dù có những phương pháp điều trị nhưng không vì thế mà làm số bệnh nhân bị "sa tạng chậu” giảm đi mà có xu hướng ngày càng gia tăng. Hội sàn chậu TP HCM đã ra đời (năm 2009) cũng nhằm tập trung giải quyết các bệnh lý này ở phụ nữ.

Các Chuyên gia trong và ngoài nước về Sàn chậu học thảo luận tại cuộc Hội thảo trên tại BV Từ Dũ.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó GĐ BV Từ Dũ cho biết, hàng tháng bệnh viện thường xuyên tiếp nhận từ 15-17 các trường hợp mắc nhiều hội chứng khác nhau về bệnh lý Sa tạng chậu. Có trường hợp bị lộn ngược hết bàng quang, trực tràng, sa tử cung ra ngoài được xếp mắc bệnh độ 4. Mức độ đầu tiên thường là són tiểu.

Đau lòng nhất là nhiều bệnh nhân khi vào đã rất nặng buộc lòng phải phẫu thuật. Tuy nhiên, việc phẫu thuật chạm tới các tạng vùng này ở người phụ nữ lại dễ gây biến chứng sau mổ, một áp lực không nhỏ cho các bác sĩ. Người bệnh sau đó thường rất mặc cảm.

Bác sĩ mổ thị phạm l trong ứng dụng máy laser trong điều trị bệnh lý són tiểu cho bệnh nhân.

Laser Fotona và và hướng điều trị dự phòng trong bệnh lý sa sàn chậu

Theo GS.TS Tú Lệ Mai - giảng viên ĐH Y khoa Sherbrooke-Canada trình bày tại hội nghị, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh sa tạng chậu trên Thế giới làm ảnh hưởng tới hàng trăm triệu phụ nữ. Trong đó 40% -50% phụ nữ bị một dạng nào đó của tiểu không tự chủ. Đã có liệu pháp tập vật lý trị liệu - phương pháp Kegel nhưng thường thất bại vì bệnh nhân làm chưa đúng hoặc thiếu sự tuân thủ trong phương pháp. Chính bởi vậy, sự xuất hiện của liệu pháp chữa trị bằng Laser đã trở thành "cứu cánh" cho người bệnh bị sa sàn chậu.

Theo đó, Fotona Smooth là một thủ thuật laser được áp dụng rất phổ biến tại châu Âu, Hoa Kì có tác dụng không xâm lấn được dùng để tăng cường chức năng của mô liên kết bên trong cơ quan vùng "nhạy cảm", giảm bớt các triệu chứng rối loạn vùng sàn chậu. Đặc tính vật lý của nó là sử dụng các bước sóng, được trực chiếu thẳng vào vùng mô muốn tác động.

Công nghệ smooth với ứng dụng bước sóng laser Er:YAG (2940) có tác dụng không cắt đốt trên bè mặt mà sử dụng nhiệt sâu, không gây vết tổn thương như laser C02 đang được sử dụng nhiều. Với tác dụng không phá hủy lớp biểu mô, làm tăng tái tạo lớp colagen đồng thời làm tăng sinh mạch máu.

Các nghiên cứu năm 2016 của tạp chí Châu Âu cho thấy hiệu quả của laser Er:YAG trên các bệnh nhân bị triệu chứng sa sàn chậu được cải thiện rõ rệt. Cũng theo một nhận định của FDA-Hoa Kì, Laser Fotona Er : YAG là biện pháp hiệu quả an toàn, tuy nhiên do số lượng bệnh nhân tham gia điều trị chưa đủ cũng như thời gian hiệu quả kéo dài chưa lâu (khoảng 1 năm), bệnh nhân phải tái thực hiện điều trị.

Được biết, hiện tại để áp dụng biện pháp trên cho bệnh lý són tiểu và hỗ trợ thời gian đầu cho các bệnh lý sa sàn chậu, tại BV Hùng Vương đã có đặt máy điều trị và thời gian sắp tới xem xét sẽ đặt thêm một máy tại BV Từ Dũ.

H.Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/xoa-tan-can-benh-kho-noi-o-phu-nu-tuoi-xe-chieu-bang-ung-dung-lieu-phap-laser-518658/