'Xóa sổ' Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã chuyển vào ngân sách nhà nước 205.000 tỷ đồng để phục vụ kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước, theo đó sẽ xóa sổ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Long đong Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp được thành lập từ năm 1999. Quỹ ở trung ương do Bộ Tài chính quản lý, mỗi tổng công ty 91 và từng địa phương cũng đều có Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của riêng mình.

Năm 2002, các tổng công ty 90 cũng được thành lập quỹ này nhằm mục đích quản lý, sử dụng nguồn thu hình thành từ quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước để giải quyết chế độ cho người lao động, hỗ trợ tài chính cho các công ty con, công ty thành viên trong quá trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định giải tán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại địa phương nên chỉ còn Quỹ ở trung ương và quỹ do các tập đoàn, tổng công ty quản lý.

Trước đó, vào năm 2007, Bộ Tài chính giao quyền quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý nhằm mục đích quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu từ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Năm 2007, Bộ Tài chính giao quyền quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương cho SCIC quản lý

Năm 2007, Bộ Tài chính giao quyền quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương cho SCIC quản lý

Nhưng đúng 10 năm sau, vào năm 2017, Bộ Tài chính tiếp nhận lại Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trung ương từ SCIC với nhiều lý do, trong đó có lý do là nhiều bộ ngành, địa phương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa, thoái vốn không nộp tiền đầy đủ, kịp thời cho SCIC với số nợ lên tới 2.083 tỷ đồng nhưng SCIC không thể “đòi” được.

Với mục đích quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, một lần nữa “số phận” của Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp kể từ 1/1/2018 khi xóa sổ toàn bộ các quỹ do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý, chỉ còn duy nhất Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Bộ Tài chính quản lý. Và nếu không có gì thay đổi, kể từ 1/1/2021, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp sẽ “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” theo Nghị định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước đang được Bộ Tài chính xây dựng.

Dấu chấm hết cho Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp

Qua hơn 20 năm tồn tại, trải qua nhiều lần “cải tổ”, hoàn thiện và được đánh giá là bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ theo từng thời kỳ; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Toàn bộ nguồn thu từ hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được tập trung về Quỹ, theo đánh giá của Bộ Tài chính là đã phục vụ có hiệu quả quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước như chi cho việc xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, chi phí liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, chi đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp nhà nước, bổ sung vốn nhà nước cho doanh nghiệp và từ năm 2016 đến hết năm 2019, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã chuyển vào ngân sách nhà nước 205.000 tỷ đồng để phục vụ kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020.

Mặc dù được đánh giá, về cơ bản Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã đáp ứng được yêu cầu quản lý cũng như thực tiễn bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước để chi cho đầu tư phát triển còn khó khăn và quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp để thực hiện hiệu quả nhưng số phận cuối cùng của quỹ này vẫn buộc phải… giải tán vì không còn lý do để tồn tại.

Theo Bộ Tài chính, việc giải tán Quỹ là do theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (có hiệu lực kể từ 1/1/2017) thì các khoản thu hồi vốn của ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế; thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn góp của Nhà nước; thu phần lợi nhận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, phải nộp thẳng vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nộp đầy đủ, kịp thời và phải được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một lý do nữa buộc phải giải tán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là nhiều bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn chây ỳ trong việc nộp tiền vào Quỹ nhưng không có chế tài đủ mạnh để xử lý. Nhưng khi đưa nguồn thu từ các khoản này vào dự toán ngân sách hằng năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ chấm dứt được tình trạng chây ỳ.

Mạnh Bôn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xoa-so-quy-ho-tro-sap-xep-va-phat-trien-doanh-nghiep-d123411.html