Xóa rào cản tích tụ ruộng đất

Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, cơ chế thỏa thuận hợp đồng giữa doanh nghiệp (DN) và người dân, giá thuê đất cao…đang là những điểm nghẽn khiến các DN chưa mặn mà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đây cũng là nguyên nhân làm chậm quá trình tích tụ ruộng đất.

Một số địa phương lại đang rất khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất.

Cách làm mới

Những điểm nghẽn trên được giới chuyên gia, các DN đưa ra tại Hội thảo “Các rào cản trong phát triển thị trường đất nông nghiệp Việt Nam”, diễn ra sáng 30/10 tại Hà Nội.

Ở một số địa phương, tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được thực hiện khá sôi động và bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Như ở Hà Nam, sau một thời gian thí điểm, đến nay địa phương này đã tích tụ được 375,5 ha. Một số DN, Tập đoàn lớn đã đến thuê đất và xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây. Theo Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam, đến nay đã có 2 khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Lý Nhân đi vào hoạt động với diện tích 202,3 ha, góp phần giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Nói về kinh nghiệm của tỉnh mình, ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam cho biết, tại đây, để hỗ trợ DN thu mua ruộng đất để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chính quyền xã đã chủ động đứng ra thuê lại đất nông nghiệp của nông dân, sau đó cấp tỉnh sẽ ký hợp đồng cho DN thuê lại theo đúng thời gian thuê đất và giá thuê đất của dân. Nông dân vẫn nắm quyền sử dụng đất. Mọi vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng, tỉnh sẽ đứng ra giải quyết và đảm bảo được các điều kiện cho cả hai bên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thí điểm tích tụ ruộng đất, Hà Nam cũng gặp phải không ít những trường hợp khó khăn. Ông Ngọc cho biết, vẫn còn một số trường hợp đối tượng tích tụ ruộng đất nhằm mục đích đầu cơ, hay có tình trạng một số hộ dân đã đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và những hộ kinh doanh vật tư phân bón,...Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất vẫn là, chính quyền các cấp chưa được phép thuê đất của dân rồi cho DN thuê lại vì Luật đất đai năm 2013 không quy định các cấp chính quyền được thuê quyền sử dụng đất của dân.

Bên cạnh đó, Luật Ngân sách cũng không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của DN nhiều lần để hoàn trả. Thêm nữa là quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai (không được quá 10 lần).

Dù vậy, theo nhiều ý kiến chia sẻ tại Hội thảo, Hà Nam đã có cách làm mới khiến cho quá trình tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh được “xuôi chèo mát mái” khi tạo được sự đồng thuận và hài hòa lợi ích cho cả nông dân và DN.

Cần tạo sự đồng thuận

Trong khi đó, một số địa phương lại đang rất khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất. Khó khăn về địa hình và cả việc khó thỏa thuận được giá thuê đất… là những lý do khiến tỉnh Hòa Bình vẫn đang gặp nhiều rào cản trong vấn đề này. Đại diện Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình cho biết, địa hình phức tạp, đất sản xuất nông nghiệp đã giao cho các hộ dân tại tỉnh Hòa Bình rất manh mún, không thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn là nguyên nhân khiến cho quá trình tích tụ đất đai gặp nhiều trở ngại.

Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay chính là nằm ở cơ chế thỏa thuận. Cụ thể, việc phải thỏa thuận với nhiều hộ dân để đảm bảo quy mô diện tích, có trường hợp DN thỏa thuận được đến 90% hộ dân nhưng nếu chỉ 10% hộ không đồng thuận thì coi như “sụp đổ” dự án. Trong khi rủi ro khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lại không hề thấp, nên DN còn rất e ngại.

Nêu ra giải pháp để tháo gỡ những rào cản trong tích tụ ruộng đất nông nghiệp, bà Trần Thị Thanh Nhàn – thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, quy định pháp lý rõ ràng để người dân có thể yên tâm chuyển nhượng hoặc cho DN thuê mà không bị lo mất tài sản cũng như những thiệt thòi khác. Còn DN yên tâm khi thuê đất lâu dài, được bảo đảm về tài sản khi đầu tư trên khu đất đó, có thủ tục pháp lý chắc chắn, tránh tình trạng đổ vỡ hợp đồng.

“Chúng ta cần phải làm sao để tạo sự đồng thuận của 100% người dân, nếu chỉ 90% dân đồng thuận mà vẫn còn 10% không ưng là chưa được, như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của hai bên và quá trình tích tụ ruộng đất mới không nảy sinh mâu thuẫn, DN mới yên tâm đầu tư, người nông dân cũng có cuộc sống ổn định” – bà Nhàn nói.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/xoa-rao-can-tich-tu-ruong-dat-tintuc421334