Xóa rào cản để DN trong nước tham gia sâu hơn vào lĩnh vực logistics

Logistics là xương sống của thương mại quốc tế nhưng năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam rất hạn chế, nhiều gánh nặng bủa vây khiến chi phí logistcs Việt Nam vẫn luôn vào diện đắt đỏ và nguy cơ thị phần hoàn toàn thuộc về DN nước ngoài là điều trông thấy.

Đây cũng là vấn đề được quan tâm thảo luận tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: vấn đề và kiến nghị chính sách” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 29-10, tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh-CIEM cho biết, các DN logistics Việt Nam. Trong khi đó, quy mô DN logistics nhỏ, số DN này chiếm tới 72%, năng lực cạnh tranh quốc tế cũng hạn chế, chủ yếu cung cấp các dịch vụ giản đơn, đảm nhận vai trò vệ tinh cho các DN logistics nước ngoài.

Các doanh nghiệp logistics nước ngoài chỉ chiếm 3%, nhưng nắm giữ 80% thị phần logistics Việt Nam.

Lý giải chi phí vận tải đắt đỏ đang là gánh nặng cho DN, bà Thảo cho rằng, theo tính toán, hiện nay, chi phí vận tải chiếm khoảng 59% chi phí logistics, trong đó, vận tải đường bộ là chủ yếu chiếm tới 77%, trong khi vận tải đường bộ là phương thức vận tải đắt đỏ nhất.

Đáng lưu ý, chi phí không chính thức chiếm từ 5-10% trong chi phí vận tải. Đơn cử, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ TP Hồ Chí Minh đi cửa khẩu Tân Thanh là 5.800.000 đồng (bằng đường bộ), trong khi từ TP Hồ Chí Minh đi Mỹ (California) là 200USD (tương đương khoảng 4.600.000 đồng) qua đường biển.

Bên cạnh đó, chi phí bảo dưỡng đường bộ là 17.500.000đ/xe/năm, trong khi đó DN vẫn phải trả các loại phí BOT, nhiều trường hợp xe hỏng, không có hàng nằm bãi,… không chạy trên đường vẫn phải trả.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, không khai thác hết tiềm năng sẵn có của các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa để chia sẻ áp lực với vận tải đường bộ, góp phần giảm đầu tư công và hạ chi phí logistics.

Bên cạnh đó, đại diện CIEM cũng cho rằng, tại Việt Nam, hiện vận tải đa phương thức chưa phát triển do cơ sở hạ tầng bến bãi chưa được quy hoạch và bố trí hợp lý, đầu tư cho việc kết nối các phương thức vận tải thiếu đồng bộ.

Vận tải đường bộ xảy ra nhiều xung đột các luồng xe, gây tắc nghẽn giao thông, nhất là tình trạng tắc nghẽn trên đường vào cảng. Trong khi đó, đường sắt không hòa được vào mạng lưới giao thông đường sắt quốc tế.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, hiện nay trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong các DN logistics Việt Nam còn ở trình độ thấp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải đường bộ.

Theo ông Trần Đức Nghĩa, đây là một yếu tố khiến các DN không thể vận hành một cách có hiệu quả, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Được biết, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam đã đề xuất triển khai Lệnh giao hàng điện tử. Nếu hệ thống này được triển khai thì sẽ tiết kiệm hàng triệu giờ công lao động của toàn xã hội hàng năm.

Tuy nhiên, để triển khai được một hệ thống như thế cần sự nỗ lực của toàn xã hội mà trong đó, DN phải tương thích để kết nối và các cơ quan quản lý nhà nước cần sẵn sàng kết nối và chấp nhận.

Đại diện CIEM cho rằng, DN và cơ quan chức năng nên phát triển sàn giao dịch vận tải của Việt Nam. Dù hình thành nhiều năm nhưng sàn giao dịch vận tải không hiệu quả, thậm chí không có giao dịch, tình trạng chở container rỗng còn phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng này do DN chưa tin tưởng vào uy tín của sàn giao dịch vận tải cũng như các doanh nghiệp logistics tham gia trên sàn.

Chưa có giải pháp đảm bảo an toàn hàng hóa cho chủ hàng và sàn giao dịch chưa được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm. Sàn giao dịch vận tải chủ yếu do một số công ty tư nhân thiết lập với mục đích góp phần hạn chế xe chạy rỗng, giảm chi phí nên thiếu độ tin cậy với DN logistics.

PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/xoa-rao-can-de-dn-trong-nuoc-tham-gia-sau-hon-vao-linh-vuc-logistics-517397/