Xóa 'rào cản' chính sách cho phụ nữ DTTS

Tập trung xóa bỏ các 'rào cản', mạnh dạn trao quyền, tạo cơ hội cho chị em… là những giải pháp cơ bản để đảm bảo bình đẳng giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS); giúp chị em vượt qua thách thức, tự tin, mạnh mẽ vươn lên.

Hạn chế trong “trao quyền” cho phụ nữ

Trao đổi tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hoa – Ủy viên Thường trực Ủy ban Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh những chương trình, đề án thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vẫn còn những “rào cản” chính sách, khiến phụ nữ DTTS chưa trở thành nguồn lực của sự phát triển.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (thứ 6 từ trái sang) và ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc chụp ảnh cùng những phụ nữ DTTS tiêu biểu

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (thứ 6 từ trái sang) và ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc chụp ảnh cùng những phụ nữ DTTS tiêu biểu

Cụ thể như: Trong số 118 chính sách đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi, chỉ có 4 chính sách liên quan đến bình đẳng giới (chiếm khoảng 3,4%). Trong 27 chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, chỉ có 2 chỉ tiêu liên quan trực tiếp tới địa bàn DTTS. Các chính sách quy định rải rác ở nhiều văn bản và các cấp độ khác nhau, chồng chéo về nội dung và đối tượng dẫn đến tình trạng “nhiều chính sách lơ lửng trên văn bản, đối tượng đích là phụ nữ DTTS thì không thể tiếp cận” – bà Hoa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, gọi là chính sách dành cho phụ nữ DTTS, nhưng không ít chính sách thiếu sự lồng ghép giới và sự đặc thù cho phụ nữ DTTS nên hiệu quả thấp. Nhiều chính sách xây dựng chưa dựa trên “quyền” của phụ nữ DTTS mà chủ yếu coi phụ nữ DTTS là đối tượng “ưu tiên”, nhận hỗ trợ thụ động nên chưa phát huy được vai trò làm chủ của phụ nữ DTTS.

Liên quan đến vấn đề này, bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT nêu ví dụ: “Thay vì ưu tiên điểm số khi xét điểm vào Trường Đại học Y; sẽ tốt hơn rất nhiều khi chúng ta có chính sách đầu tư cho bé gái DTTS đến trường từ khi còn nhỏ, rồi học lên cao và thi vào Trường Đại học Y như các bạn người Kinh”.

Cơ hội bình đẳng - yếu tố đặc biệt quan trọng

Đến từ huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị, bà Hồ Thị Kim Cúc là tấm gương về sự nỗ lực vươn lên của người phụ nữ dân tộc Pa Kô. Theo bà Cúc, cơ cấu việc làm, cơ cấu nghề nghiệp của lao động nữ DTTS hiện rất lạc hậu. Chính vì vậy, rất cần các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư ở vùng DTTS. Trong đó, cần có các phương pháp để phụ nữ trung tuổi không biết đọc, biết viết có thể tiếp cận và tham gia.

Đồng tình với đề xuất này, bà Nguyễn Thị Minh Thi – Viện trưởng Viện nghiên cứu gia đình và Giới - cho rằng: Lâu nay, chúng ta vẫn xây dựng chính sách theo hướng từ trên xuống, từ ngoài vào dẫn đến việc nhiều chính sách không phù hợp, có độ vênh lớn khi áp dụng vào thực tế. Để khắc phục hạn chế này, cần có những chính sách từ dưới lên, bắt nguồn từ nhu cầu của chính phụ nữ DTTS và có sự tham gia của chị em trong quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách…

Chia sẻ về quyết tâm xây dựng chương trình “Phát triển bền vững cho vùng DTTS và miền núi” giai đoạn tới, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định: Chương trình sẽ có một phần cụ thể đề cập đến đối tượng phụ nữ DTTS, tạo cơ hội để chị em vươn lên, cùng đi chung trên con đường phát triển của dân tộc, của đất nước. Trong đó, cùng với rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giúp phụ nữ DTTS phát triển, việc “tạo cho chị em cơ hội để bình đẳng” là đặc biệt quan trọng. Có cơ hội học hành, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận khoa học kỹ thuật… chị em sẽ không còn thụ động hay ỷ lại, thay vào đó sẽ tự tin, mạnh mẽ phát huy nội lực, tố chất tích cực.

Cụ thể hơn, bà Trương Thị Mai lưu ý, để đưa các quan điểm của Đảng đi vào đời sống, trong quá trình xây dựng chính sách, các ban, ngành, đoàn thể cần phải đề cập rõ vấn đề cần giải quyết, nguồn ngân sách để thực hiện, phạm vi, đối tượng thụ hưởng…, làm sao để việc lồng ghép giới được triển khai hiệu quả chứ không chỉ là khẩu hiệu. “Không chỉ quan tâm đến nhóm phụ nữ DTTS yếu thế, khó khăn nhất; mà phải quan tâm đến cả nhóm phụ nữ DTTS hàng đầu – những người giỏi giang, thành đạt – bởi đây sẽ là đầu tàu, là tấm gương, là động lực để chị em phụ nữ DTTS nhìn vào và có được khát khao, quyết tâm thay đổi để vươn lên”.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xoa-rao-can-chinh-sach-cho-phu-nu-dtts-124051.html